Để hạn chế tình trạng nước thải sinh hoạt chưa qua xử lý thải ra sông suối làm ảnh hưởng môi trường, TP Tây Ninh đang xây dựng hệ thống thu gom và xử lý nước thải trên địa bàn thành phố.
Tách riêng thoát nước với nước thải sinh hoạt
TP Tây Ninh nằm trên vùng đồng bằng có độ dốc nhỏ, có địa hình nghiêng theo hướng Đông Bắc và Tây Nam, độ dốc trung bình của khu vực nội thị từ 2- 4% với cao độ trung bình của các khu vực ven rạch và khu vực trung tâm thay đổi trong khoảng từ 6-15m.
Hiện nay, TP Tây Ninh có một vài điểm ngập lụt. Do hai nguyên nhân: Lũ lụt gây ra bởi nước rạch và do mưa bão, hệ thống thoát nước chưa đầy đủ. Trung bình khoảng 10% các khu vực nội thị có địa hình thấp bị ngập lụt do nước rạch dâng cao với tần suất 2 năm/lần và 30% với tần suất 5 năm/lần. Trong địa bàn thị xã chủ yếu các kênh rạch tự nhiên kết nối hệ thống thoát nước chung và rạch Tây Ninh với các cửa xả chủ yếu nằm tập trung hai bên bờ rạch Tây Ninh.
Ông Lương Bá Can, Phó Chủ tịch UBND TP Tây Ninh cho biết, để giải quyết tình trạng thu gom và xử lý nước thải sinh hoạt đô thị, tỉnh giao UBND TP Tây Ninh làm chủ đầu tư Dự án thoát nước và xử lý nước thải TP Tây Ninh. Trong đó, xây dựng hệ thống thu gom nước thải sinh hoạt tách riêng, không đi chung với hệ thống nước mưa. Dự án được xây dựng bằng nguồn vốn vay ưu đãi của chính phủ Italia (vốn ODA) và đối ứng trong nước. Dự án có 2 hạng mục chính là xây dựng nhà máy xử lý nước thải và hệ thống thu gom, xử lý nước thải.
Hiện nay, nhà máy xử lý nước thải đã được khởi công xây dựng ở địa bàn khu phố 4, phường 3, TP Tây Ninh, dự kiến thời gian kết thúc việc xây dựng nhà máy vào ngày 27-9-024. Ở giai đoạn 1, nhà máy có phạm vi phục vụ 10/10 phường, xã, với tổng dân số khoảng 170.000 người, tỷ lệ phục vụ khoảng 40%, bao gồm các phường: 1; 2; 3; IV, Hiệp Ninh. Hệ thống nước thải tự chảy sẽ được lắp đặt để thu gom nước thải sinh hoạt về các trạm bơm, sau đó nước thải được bơm vào các tuyến cống tự chảy áp lực về nhà máy xử lý nước thải và sẽ được xử lý.
Góp phần nâng chất cuộc sống người dân
Sau khi hoàn thành và đưa vào hoạt động, Dự án thoát nước và xử lý nước thải TP Tây Ninh sẽ mang lại những hiệu quả kinh tế - xã hội to lớn, nhằm cải thiện đáng kể điều kiện sống của các tầng lớp dân cư, thông qua việc cung cấp các dịch vụ hiện chưa có hoặc có nhưng đã yếu kém hay xuống cấp.
Vấn đề sức khỏe cũng sẽ được cải thiện do điều kiện vệ sinh môi trường được nâng cao với việc xây dựng hệ thống thoát nước chung, nạo vét và kè mới rạch thoát nước. Hệ thống thu gom riêng biệt và xử lý nước thải, làm giảm các tác động của các bệnh có liên quan đến nước và gia tăng năng suất lao động của nhân dân.
Môi trường tự nhiên trong sạch sẽ thu hút và duy trì số lượng du khách đến khu vực, tạo một cái nhìn mới đối với các nhà đầu tư. Khi dự án được xây dựng, ước tính số người được hưởng lợi từ dự án là hơn 52.000 người, trên một diện tích hơn 17 km2. Các thói quen vệ sinh môi trường được cải thiện, các hộ dân có điều kiện đấu nối hệ thống thoát nước trong nhà vào hệ thống thoát nước của đô thị, điều kiện vệ sinh sẽ được cải thiện, giảm chi phí cho thoát nước.
Theo UBND TP Tây Ninh, dự án này cũng gặp một số khó khăn trong quá trình định hướng xây dựng và quản lý, vận hành hệ thống thoát nước và xử lý nước thải như việc mở rộng không gian đô thị, cao độ nền theo quy hoạch chung có sự chênh cao lớn với khu dân cư và các công trình hạ tầng kỹ thuật hiện hữu, nhất là ở các phường, xã vùng ven, nên khó khăn trong việc xác định cao độ nền của các công trình hạ tầng kỹ thuật mới.
Về diện tích thấm tự nhiên, các vùng trũng chứa nước tự nhiên bị suy giảm dẫn đến việc tiêu thoát nước hoàn toàn phụ thuộc vào các tuyến hệ thống nước thải xây dựng mới; hệ thống thoát nước, xử lý nước thải, số lượng tuyến đường có hệ thống thoát nước đã bị xuống cấp, năng lực tiêu thoát nước hạn chế còn quá nhiều, đặc biệt tại khu vực nội thị, trong khi nguồn kinh phí dành cho đầu tư xây dựng còn hạn chế. Ngoài ra, kinh phí dành được bố trí để duy trì, nạo vét, đấu nối hệ thống thoát nước hàng năm quá ít so với quy mô của hệ thống hiện tại.
Trước những khó khăn, địa phương sẽ cố gắng khắc phục, đảm bảo từ cuối năm 2024, nước thải sinh hoạt trên địa bàn TP Tây Ninh sẽ không còn nhập chung với nước mưa và sẽ được thu gom về nhà máy xử lý chứ không thải trực tiếp ra sông, rạch như nhiều năm qua; sẽ góp phần đáng kể vào việc bảo vệ môi trường, nâng chất lượng cuộc sống của người dân TP Tây Ninh tốt hơn.