Bước vào năm 2022, kinh tế TPHCM lần đầu tiên từ khi bắt đầu sự nghiệp đổi mới (1986) phải đối diện với khó khăn chưa có trong tiền lệ. Tốc độ tăng trưởng GRDP âm 6,74%, nhiều hoạt động kinh tế phải tạm ngưng nhằm phòng ngừa nguy cơ đại dịch Covid-19 bùng phát trở lại, ngành du lịch hoàn toàn gãy đổ chưa có dấu hiệu phục hồi…
Từ đầu quý IV-2021, TP chủ động và quyết tâm chuyển sang trạng thái “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát có hiệu quả dịch Covid-19” theo tinh thần Nghị quyết 128/NQ-CP để mở lại các hoạt động kinh tế có giới hạn sau 4 tháng tạm dừng. Tuy vậy, sự hồi phục rất chậm, chủ yếu trong khu vực sản xuất công nghiệp và xây dựng, khó bù đắp sự sụt giảm của quý III-2021. Theo đó, tăng trưởng kinh tế quý III âm 24,97% và quý IV-2021 âm gần 12% so với cùng kỳ năm trước. Càng khó khăn hơn là những trở lực do vướng mắc về cơ chế, sự bất cập trong các quy định để huy động cao nhất các nguồn lực đầu tư, bao gồm ngân sách nhà nước và đầu tư tư nhân; thúc đẩy sự hấp thụ nhanh và hiệu quả dòng vốn… vẫn đang đặt ra hàng ngày đối với TPHCM.
Ngoài sự suy giảm nghiêm trọng tốc độ tăng trưởng kinh tế, TP còn bộc lộ nhiều bất cập đối với mục tiêu phát triển bền vững, như cơ cấu kinh tế, lao động, dân cư, cơ sở hạ tầng và quản lý đô thị… Điều này đe dọa đến vị trí vai trò của TPHCM đối với khu vực phía Nam cũng như vai trò đầu tàu tăng trưởng kinh tế cả nước. Vì thế, nỗ lực phục hồi tăng trưởng kinh tế, giữ vững vị trí vai trò là trung tâm kinh tế lớn cả nước đang là yêu cầu đặt ra đối với TPHCM. Hơn thế, sự phục hồi tăng trưởng không phải trên nguyên trạng, mà phải gắn với quá trình chuyển đổi cơ cấu, nâng cao chất lượng tăng trưởng, thực hiện nhanh quá trình số hóa nền kinh tế, xây dựng đô thị thông minh… hướng tới mục tiêu phát triển bền vững. Đây chính là thách thức đối với TPHCM không chỉ trong năm 2022, mà với cả sự phát triển bền vững trong dài hạn.
Có thể nói, mục tiêu năm 2022 phải đạt tốc độ tăng trưởng GRDP 6-6,5% thể hiện quyết tâm chính trị rất cao của chính quyền TPHCM, và điều này có cơ sở thực tiễn để kỳ vọng thành công. Bởi lẽ, tuy bị gãy đổ một phần chuỗi cung ứng và nhiều doanh nghiệp mất khả năng tự phục hồi, nhưng cơ bản hạ tầng kinh tế TP vẫn giữ nguyên, trên 90% doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghiệp và xây dựng đang phục hồi các hoạt động. Ngay trong năm 2021 có 5/9 ngành dịch vụ có mức tăng trưởng cao hơn cùng kỳ, trong đó ngành thông tin và truyền thông tăng 6,08%; tài chính - ngân hàng - bảo hiểm tăng 8,16%; khoa học và công nghệ tăng 3,8%; giáo dục và đào tạo tăng 3,12%; y tế và hoạt động cứu trợ xã hội tăng 28,68%, kim ngạch xuất khẩu ước tăng 2,8%, kim ngạch nhập khẩu tăng 24,9% so với cùng kỳ. Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) ước tăng 11-15% so với cùng kỳ.
Đặc biệt hoạt động tín dụng - ngân hàng vẫn duy trì và tăng trưởng ổn định, đóng góp một phần cho tăng thu ngân sách nhà nước. Trong đó, tổng huy động vốn của các tổ chức tín dụng ước tăng 7,5%, tổng dư nợ tín dụng ước tăng 10,7%, lượng kiều hối về TPHCM ước đạt 6,6 tỷ USD, tăng gần 9% so với cùng kỳ... Đây là những điểm sáng, là nền tảng để tin rằng kinh tế TPHCM có thể sớm phục hồi trở lại.
Về nguyên tắc của kinh tế thị trường, các hoạt động kinh tế sẽ tự phục hồi sau khi Nhà nước cho phép hoạt động trở lại, thu hẹp “vùng cấm”, những ức chế do sự cấm đoán được gỡ bỏ và mạng lưới logistics quốc gia cũng như quốc tế được khai thông. Tuy nhiên, với sức khỏe của doanh nghiệp hiện nay, nếu chỉ trông chờ vào sự hồi phục tự nhiên của thị trường sẽ rất khó khăn và có nguy cơ suy sụp, không “đứng dậy” được. Chính vì vậy, thông qua chức năng của mình, Nhà nước phải đóng vai trò “bà đỡ”. Như hiện nay, hầu hết quốc gia đều sử dụng gói hỗ trợ tài chính và chính sách nới lỏng tín dụng để kích thích tăng trưởng nhằm phục hồi nền kinh tế. Với TPHCM, để phục hồi và phát triển bền vững, giai đoạn 2022-2025 cần theo 2 mục tiêu.
Thứ nhất, trong năm 2022 TP tập trung phục hồi sản xuất, kinh doanh; khôi phục những gãy đổ chuỗi sản xuất, cung ứng, giúp doanh nghiệp tạm ngưng hoạt động tái gia nhập thị trường. Thứ hai, từ năm 2023, TP thúc đẩy quá trình phục hồi tăng trưởng gắn với chương trình số hóa và tái cơ cấu nền kinh tế. Để đạt mục tiêu trên cần triển khai thực hiện 3 nhóm giải pháp tài chính - tín dụng mang tính công cụ hỗ trợ thị trường, gồm tăng đầu tư công nhằm kích thích tổng cầu; hỗ trợ tài chính thông qua miễn, giảm thuế, phí và hỗ trợ tín dụng thông qua cơ chế ưu đãi tín dụng và bù lãi suất vay thương mại; tiếp tục đẩy mạnh chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp.
Kinh nghiệm từ các năm trước cho thấy, nếu TPHCM đầu tư 1 đồng vốn ngân sách sẽ thu hút 8-10 đồng vốn đầu tư xã hội. Như vậy, chính đầu tư của Nhà nước là vốn mồi thu hút đầu tư tư nhân. Tuy nhiên, việc huy động vốn cần có đột phá để gỡ những điểm nghẽn trong thủ tục đầu tư công mới hấp thụ được vốn hiệu quả. Cụ thể, tăng cường cải thiện môi trường đầu tư, bảo đảm nguồn cung, chất lượng lao động và hoàn thiện kết cấu hạ tầng đô thị. Thu hút đầu tư tư nhân thông qua cơ chế đầu tư các dự án mới và mở rộng sản xuất kinh doanh, thu hút mạnh đầu tư vào thị trường bất động sản và tài chính, sử dụng hiệu quả các công cụ của thị trường vốn TP. Tháo gỡ những vướng mắc về quy trình thủ tục cấp phép đầu tư do tình trạng chồng chéo, mâu thuẫn giữa các quy định đối với các dự án đầu tư đang tồn đọng, nhất là trong lĩnh vực xây dựng, bất động sản để nhanh chóng thu hút vốn đầu tư tư nhân. Việc đẩy mạnh đầu tư công sẽ kích tổng cầu theo cấp số nhân. Như vậy, đẩy mạnh đầu tư công có thể thực hiện 2 mục tiêu phục hồi kinh tế và giải quyết bài toán hạ tầng.
Chính vì vậy, cần tạo bước đột phá trong cải cách hành chính, nâng cao hiệu quả hành chính công, quản trị công. Cải cách dịch vụ hành chính công phục vụ doanh nghiệp và người dân là nhóm giải pháp ít chi phí đầu tư nhất, ít tốn kém nhất nhưng hiệu quả nhất, giúp doanh nghiệp tự phục hồi phát triển, người dân tạo ra sinh kế cho mình. Để thực hiện ý tưởng của Chủ tịch UBND TPHCM là “Chính quyền đồng hành cùng doanh nghiệp”, đòi hỏi bộ máy hành chính của TP thực sự xem việc cung cấp dịch vụ hành chính công cho doanh nghiệp và người dân là trách nhiệm, là phục vụ, không phải xin-cho.
Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của TPHCM trong những năm gần đây không tương xứng với vị trí, vai trò của TP (từ vị trí thứ 8 năm 2016 xuống vị trí thứ 14 năm 2020), cần có quyết tâm cải thiện chỉ số này. TP phải đi đầu trong khai thác công nghệ số, kết nối thông tin liên thông giữa các ngành, lĩnh vực, địa bàn từ đó kết nối các cơ chế hỗ trợ doanh nghiệp thành mạng lưới thống nhất với quan điểm xuyên suốt đặt doanh nghiệp ở vị trí trung tâm; phát triển chính phủ số, kéo giảm chi phí thời gian và chi phí không chính thức cho doanh nghiệp… Làm tốt các vấn đề này là cách tốt nhất thu hút đầu tư tư nhân.
Với truyền thống năng động sáng tạo vốn có của doanh nghiệp trên địa bàn, TP nếu tháo gỡ tốt những điểm nghẽn về thể chế, chính quyền tạo thuận lợi về các thủ tục hành chính cho doanh nghiệp, sự phục hồi tự nhiên của phần lớn doanh nghiệp sẽ trở lại mạnh mẽ.