
Tổ chức Y tế thế giới đã cảnh báo, tại các thành phố “không ngủ” người dân thường mắc các chứng bệnh về thị lực, đau đầu, chóng mặt, thậm chí mất ngủ, kém ăn, tâm trạng trầm uất, thân thể suy nhược… Nguyên nhân là do tình trạng ô nhiễm ánh sáng gây ra. Và tại TPHCM, mặc dù đã được báo động nhưng xem ra vấn đề ô nhiễm ánh sáng vẫn chưa được quan tâm đúng mức.
1001 kiểu... ô nhiễm
Đi vòng vèo nhiều ngỏ hẻm đường Xô Viết Nghệ Tĩnh quận Bình Thạnh, chúng tôi mới cảm nhận được sự “đa dạng và phong phú” về chủng loại của hệ thống đèn chiếu sáng dân lập. Gần như tất cả các loại đèn tròn, đèn huỳnh quang 1,2m, 0,6m, đèn halogen, compact đều có thể tìm thấy trên các tuyến đường hẻm này.
Điều đáng nói, đi kèm với hệ thống đèn chiếu sáng là các loại chóa đèn cũ kỹ, thậm chí là tự chế, không tuân theo một quy cách nào. Khoảng cách giữa các đèn cũng tùy tiện, có khi lắp ngay tại ban công của một hộ gia đình… Ngoặt sang đường Phan Văn Hân, tình trạng chiếu sáng tại các hẻm ở đây cũng không khá hơn là mấy.
Người dân chủ yếu sử dụng bóng tròn và đèn huỳnh quang loại 36W. Các chóa đèn là những máng sắt dài lắp ghép lại với nhau, rỉ sét. Tương tự, tình trạng này diễn ra khá phổ biến tại các hẻm của đường Huỳnh Tịnh Của, Ngô Tất Tố (quận Bình Thạnh), Đoàn Văn Bơ (quận 4), Lâm Văn Bền, Nguyễn Thị Thập (quận 7), Quang Trung (quận Gò Vấp)…

Sử dụng quá nhiều đèn chiếu sáng sẽ gây ô nhiễm ánh sáng, lãng phí điện (ảnh mang tính minh họa). Ảnh: C.TH
Ông Trương Quang Vũ, Trưởng phòng thông tin Trung tâm Tiết kiệm năng lượng TPHCM cho biết, kết quả khảo sát tại nhiều nơi có đường hẻm rộng khoảng 1,5- 5m như: phường 12 quận Bình Thạnh, phường 9 quận 3, phường 12 quận 4, phường 14 quận 10, phường 11 quận 11, Bình Trị Đông huyện Bình Chánh, phường 7 quận Gò Vấp… cho thấy hệ thống đèn chiếu sáng thường dùng bóng đèn thủy ngân cao áp với công suất 200-250W; bóng đèn dây tóc công suất 200W (đối với đường rộng từ 3 – 5m); đèn dây tóc có công suất từ 60 – 100W, bóng đèn huỳnh quang loại 1,2m-40W (đối với đường rộng từ 1,5 – 3m).
Vị trí bóng đèn được treo trên các trụ điện có sẵn hoặc ngay trước nhà, trên ban công, trên cây, hàng rào,…với độ cao tùy ý. Chóa đèn cho các bóng thường bằng nhôm, không có bộ phản quang. Đối với bóng đèn dây tóc, các chụp đèn thường tự chế đủ kiểu với chức năng chính là che mưa,… dẫn đến chất lượng chiếu sáng không đồng đều, có những nơi được chiếu sáng quá mức do lắp đèn công suất lớn hoặc chiếu sáng sai mục tiêu như không chiếu sáng đường mà chiếu vào nhà, trên tường, hướng lên trời gây ô nhiễm ánh sáng nghiêm trọng. Đó là chưa kể, việc sử dụng đèn không đúng độ sáng yêu cầu, vượt công suất cần thiết cũng gây ra hiện tượng chóa, rất nguy hiểm cho người tham gia giao thông.
Việc chiếu sáng của vô số biển quảng cáo đang góp phần đáng kể vào hiện tượng ô nhiễm ánh sáng. Chỉ tính riêng tại vòng xoay Phù Đổng Thiên Vương, Hàng Xanh, Điện Biên Phủ, Ngã sáu Dân Chủ có đến hàng trăm biển quảng cáo lớn nhỏ khác nhau. Mỗi biển có kiểu chiếu sáng khác nhau, loạn xạ theo hướng từ dưới lên hay từ trên xuống, chiếu ngang hoặc tỏa xung quanh tùy theo đèn huỳnh quang được lắp vào hộp quảng cáo… mà không hề có sự khống chế về góc chiếu.
Điều đáng nói, ngay cả hệ thống chiếu sáng công cộng chính quy trên địa bàn TP cũng đang gây ô nhiễm ánh sáng. Nhiều cần đèn đều chếch một góc từ 10 độ – 15 độ so với mặt đất, cộng với các chóa đèn không đảm bảo ngăn tia sáng không cần thiết, nên dẫn đến tình trạng ánh sáng thường tạt hắt ngang vào nhà dân hoặc chiếu lên trời.
Ô nhiễm ánh sáng - tăng nguy cơ stress người dân
Điều đáng nói là sự hiểu biết người dân đối với vấn đề ô nhiễm ánh sáng còn rất hạn chế. Bà Nguyễn Thị Hiên, ngụ hẻm 86 Phan Văn Hân nói rằng: “Miễn có đèn đường sáng là được, sẽ làm giảm tệ nạn xã hội; cách phòng tránh ánh sáng chói vào nhà tốt nhất là mỗi nhà tự trang bị cho mình một tấm rèm màu tối để ngăn ánh sáng”.
Ông Nguyễn Hoàng Minh Vũ, giảng viên Trường Đại học Kiến trúc TPHCM cho biết, không thể phủ nhận việc chiếu sáng về đêm rất cần thiết vì thuận tiện cho người tham gia giao thông, bảo đảm an ninh và các hoạt động khác. Tuy nhiên, nếu không được lắp đặt đúng quy cách thì ngược lại, việc chiếu sáng có thể gây tác hại. Điển hình như độ sáng quá mức sẽ gây chói, tạo cảm giác khó chịu, giảm khả năng hoạt động, làm tăng nguy cơ xảy ra các vụ tai nạn giao thông.
Mặt khác, đối với những nhà dân chịu ảnh hưởng trực tiếp của tình trạng ánh sáng hắt vào thì người trong nhà rất dễ mắc các chứng bệnh mất ngủ, căng thẳng, làm suy giảm thị lực ở trẻ em, làm giảm khả năng sinh ra hormone chống lại bệnh tật ở cơ thể.
Ngoài ra, ánh sáng nhân tạo còn gây nhiễu nghiêm trọng đối với giới tự nhiên. Các nhà khoa học phát hiện một bóng đèn quảng cáo nhỏ, một năm có thể giết chết 35 vạn côn trùng. Cứ kéo dài như vậy rất có thể sẽ làm nguy hại nghiêm trọng tới tính đa dạng của hệ sinh thái vì côn trùng là thức ăn chính của chim, rất nhiều thực vật nhờ côn trùng mà thụ phấn hoa...
Theo ông Vũ, để hạn chế tình trạng ô nhiễm ánh sáng, quan trọng nhất là phải sử dụng các chóa đèn để khống chế góc chiếu cho phù hợp, ngăn các tia sáng không cần thiết tỏa ra xung quanh. Cách chiếu sáng tốt nhất là ánh sáng chiếu hội tụ xuống mặt đường. Ngoài ra, căn cứ theo chiều rộng, mật độ giao thông từng đường mà chọn bóng đèn có độ sáng phù hợp, tránh hiện tượng sử dụng đèn quá công suất cần thiết, gây ra hiện tượng chóa.
Ông Trần Trọng Huệ, Phó Giám đốc Công ty Chiếu sáng công cộng TPHCM cho biết: “Phải thừa nhận, nếu nói hệ thống chiếu sáng chính quy hoàn toàn không gây ra hiện tượng ô nhiễm ánh sáng thì chưa chính xác. Tuy nhiên, phải nói rằng, mỗi loại đèn có một đường phối quang khác nhau và tùy theo chiều rộng con đường, các công ty tư vấn thiết kế chiếu sáng đã tính toán rất kỹ độ cao cột đèn, góc chiếu của cần đèn và độ rọi của đèn phù hợp. Công ty sẽ tiến hành cho kiểm tra lại hệ thống chiếu sáng tại các tuyến đường được phản ánh, trường hợp phát hiện chiếu sáng không đảm bảo yêu cầu thì sẽ có những điều chỉnh kịp thời”.
MINH XUÂN