TP Hồ Chí Minh: Rõ dần mạng lưới đường sắt đô thị

Việc đưa tuyến metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) vào hoạt động đã cho thấy hiệu quả bước đầu của đường sắt đô thị tại TPHCM. Cùng với những đồ án đã có, trên cơ sở Quy hoạch TPHCM thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 được Thủ tướng chính phủ phê duyệt, thành phố đặt mục tiêu từ nay đến năm 2035 sẽ xây dựng hoàn chỉnh 7 tuyến đường sắt đô thị với tổng chiều dài khoảng 355km.

Giới trẻ thích thú khi trải nghiệm tuyến metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên). Ảnh: HOÀNG HÙNG
Giới trẻ thích thú khi trải nghiệm tuyến metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên). Ảnh: HOÀNG HÙNG

Chạy xuyên tâm, vành đai

Đường sắt đô thị (metro) được xem là trục “xương sống” của hệ thống hạ tầng giao thông TPHCM. Điều này thể hiện rõ tại Quy hoạch TPHCM thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 được Thủ tướng chính phủ phê duyệt là đến năm 2045 thành phố có 10 tuyến metro với tổng chiều dài 510km. Cụ thể, từ huyện Bình Chánh đi TP Thủ Đức có 4 tuyến; các tuyến còn lại là từ TP Thủ Đức đi huyện Củ Chi; huyện Hóc Môn đi huyện Nhà Bè; huyện Bình Chánh đi huyện Củ Chi; tuyến vành đai trong (đi chủ yếu qua TP Thủ Đức, quận 7, các quận nội thành và huyện Bình Chánh); tuyến vành đai ngoài (đi chủ yếu qua TP Thủ Đức, huyện Nhà Bè, huyện Bình Chánh, huyện Hóc Môn).

Ngoài ra, thành phố còn có 2 tuyến hỗn hợp khác, gồm: tuyến LRT/tramway ven sông Sài Gòn (tramway - loại hình giao thông công cộng kết hợp giữa tàu điện ngầm và xe buýt; LRT là đường sắt hạng nhẹ) từ quận Bình Tân đến huyện Củ Chi; tuyến LRT/MRT kết nối huyện Cần Giờ (đi từ quận 7 xuống khu đô thị lấn biển Cần Giờ).

Bên cạnh các tuyến metro, mạng lưới đường sắt quốc gia đi qua TPHCM cũng được quy hoạch và nâng cấp để đảm bảo kết nối với khu vực kinh tế trọng điểm phía Nam. Theo đó, tuyến đường sắt Hà Nội - TPHCM nâng cấp đường đôi, khổ 1,435m; các đoạn được tổ chức chạy tàu hướng tâm hoặc xuyên tâm thành phố với tính chất vận chuyển khách đô thị.

Ngoài ra, thành phố sẽ hình thành mới 6 tuyến đường sắt kết nối vùng và khu vực: tuyến đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam, dài 14km; tuyến đường sắt TPHCM - Cần Thơ (kết nối các tỉnh ĐBSCL); tuyến TPHCM - Tây Ninh (mở ra cơ hội kết nối thương mại quốc tế); tuyến đường sắt Thủ Thiêm - Long Thành (nhằm kết nối với sân bay quốc tế Long Thành); tuyến đường sắt TPHCM - Lộc Ninh (kết nối Campuchia, góp phần phát triển hệ thống đường sắt xuyên Á); tuyến đường sắt chuyên dụng kết nối cảng Hiệp Phước, huyện Nhà Bè.

Theo Sở GTVT TPHCM, nhằm phục vụ cho các tuyến đường sắt, TPHCM quy hoạch đầu tư xây dựng hàng loạt nhà ga và depot quy mô lớn như ga Bình Triệu, ga Sài Gòn (Hòa Hưng), ga Thủ Thiêm, ga Tân Kiên, depot Suối Tiên, depot Tham Lương, depot Tân Kiên.

Kết hợp chỉnh trang đô thị

Giám đốc Sở GTVT TPHCM Trần Quang Lâm cho biết, thành phố đặt mục tiêu từ nay đến năm 2035 sẽ xây dựng hoàn chỉnh 7 tuyến đường sắt đô thị với tổng chiều dài khoảng 355km. Giai đoạn 10 năm tiếp theo, hệ thống metro sẽ được đầu tư thêm 155km, nâng tổng chiều dài metro lên 510km. Với mục tiêu này, trong 20 năm tới, mạng lưới metro của TPHCM sẽ tăng gấp 25 lần so với tuyến metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) sau hơn 10 năm khởi công.

M5a.jpg
Các kỹ sư kiểm tra công trình tuyến metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên

Theo ông Trần Quang Lâm, nhằm thực hiện hoàn thành kế hoạch này, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo phải đẩy nhanh tiến độ các dự án metro, rà soát lại quy hoạch, đảm bảo tư duy hiện đại, đa dạng hóa hình thức huy động vốn, nghiên cứu cơ chế, chính sách để đảm bảo thực hiện tốt nhất có thể…

Giải pháp được thành phố đề ra là các tuyến metro sẽ tăng chiều dài đi ngầm để giảm chi phí đền bù và khai thác hiệu quả không gian ngầm, kết hợp chỉnh trang đô thị. Với quy mô mới này, thành phố cũng điều chỉnh tổng mức đầu tư lên 40 tỷ USD từ nay đến năm 2035, tăng thêm 3 tỷ USD. Thời gian hoàn thành toàn bộ mạng lưới theo quy hoạch 510km được rút ngắn vào năm 2045, thay vì đến năm 2060 như trước.

Lãnh đạo Sở GTVT TPHCM chia sẻ, để triển khai kế hoạch trên hiệu quả, đạt mục tiêu, thành phố kiến nghị 43 cơ chế thuộc 6 nhóm chính, bao gồm: quy hoạch; chính sách huy động nguồn vốn; trình tự, thủ tục, thẩm quyền triển khai; giải phóng mặt bằng; quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật, công nghệ; quản lý, khai thác... Trong đó, về phương án nguồn vốn, xác định đầu tư công là chủ đạo với kế hoạch dự kiến huy động từ nhiều nguồn...

Về kế hoạch triển khai thực hiện, ông Trần Quang Lâm cho biết: “Giai đoạn 2025-2027 là chuẩn bị đầu tư; năm 2027-2028 triển khai bồi thường, giải phóng mặt bằng và khởi công công trình. Thành phố cũng chia làm 2 giai đoạn để thực hiện, bao gồm giai đoạn từ nay đến 2035 và từ 2035-2045”.

Phó Chủ tịch UBND TPHCM BÙI XUÂN CƯỜNG: Đồng bộ mạng lưới đường sắt đầu mối

Hiện nay, quy hoạch các tuyến, ga đường sắt khu vực đầu mối trên địa bàn TPHCM còn nhiều bất cập. Vì vậy, để đảm bảo sự đồng bộ với các đồ án quy hoạch khác trên địa bàn thành phố, UBND TPHCM có Văn bản số 8407/UBND-ĐT ngày 25-12-2024, kiến nghị Bộ GTVT rà soát, hoàn thiện Đồ án Quy hoạch các tuyến, ga đường sắt khu vực đầu mối TPHCM. Theo đó, các đồ án như Quy hoạch mạng lưới đường sắt Việt Nam thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; Quy hoạch TPHCM thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; và Quy hoạch TP Thủ Đức đến năm 2040 là những cơ sở pháp lý quan trọng.

Vì vậy, việc điều chỉnh, bổ sung các nội dung của Đồ án Quy hoạch đường sắt cần đảm bảo tính đồng bộ, chặt chẽ với các đồ án liên quan nhằm phục vụ cho quá trình đầu tư, triển khai các công trình đường sắt trên địa bàn thành phố. Đoạn tuyến xuyên tâm An Bình - Bình Triệu - Sài Gòn (Hòa Hưng) - Tân Kiên dự kiến đi trên cao, nằm trong lộ giới các tuyến đường, mang lại thuận lợi nhất định nhưng cần đánh giá kỹ lưỡng các tác động đối với cảnh quan đô thị, số làn xe, vỉa hè, cũng như những ảnh hưởng đến hệ thống đường sắt đô thị của TPHCM.

Thành phố cũng kiến nghị Bộ GTVT cập nhật kịp thời các dự án đường sắt quốc gia đang trong giai đoạn lập Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, đó là tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam, đường sắt TPHCM - Cần Thơ và tuyến Thủ Thiêm - Long Thành. Các nội dung quy hoạch đường sắt đầu mối cần thống nhất về quy mô mặt cắt ngang, đảm bảo phù hợp với các tuyến đường sắt đang được chuẩn bị đầu tư trên địa bàn thành phố. Điều này nhằm phục vụ hiệu quả công tác quản lý quỹ đất, thu hồi đất và triển khai các dự án trong tương lai.

Bí thư Thành ủy TP Thủ Đức (TPHCM) NGUYỄN HỮU HIỆP: Tập trung phát triển dọc theo tuyến metro

TP Thủ Đức sẽ tập trung thực hiện khu vực phường Trường Thọ, đề xuất triển khai xây dựng ga đường sắt đầu mối và Trung tâm phát triển ngành công nghiệp đường sắt Thủ Thiêm. TP Thủ Đức xác định phường Trường Thọ sẽ phát triển thành khu Trung tâm hành chính, tài chính - thương mại. Hiện trạng Trạm nghiền xi măng của Công ty Xi măng Hà Tiên và cụm cảng ICD đã di dời, TP Thủ Đức sẽ hoàn thiện cơ chế chính sách bố trí tái định cư tại chỗ những hộ dân còn lại.

Về định hướng, TP Thủ Đức sẽ mời gọi các nguồn lực tài chính xã hội và tổ chức đấu giá đất xây dựng tổ hợp các cao ốc, tòa nhà văn phòng hiện đại, trung tâm tài chính tập trung dọc theo trục đường chính xa lộ Hà Nội và tuyến metro, các quảng trường bờ sông và các trung tâm thương mại, trung tâm hành chính.

Về quy hoạch ga đường sắt đầu mối và trung tâm phát triển ngành công nghiệp đường sắt khu Thủ Thiêm, TP Thủ Đức đề xuất xây dựng ga đường sắt đầu mối và trung tâm phát triển ngành công nghiệp đường sắt. Ga này đóng vai trò trung tâm kết nối các tuyến đường sắt quốc gia, đường sắt đô thị TPHCM.

Đây sẽ là nơi giao thoa của các tuyến đường sắt cao tốc Bắc - Nam, đường sắt đô thị TPHCM và các tuyến liên kết vùng. Phát triển khu vực xung quanh ga thành một trung tâm công nghiệp đường sắt, tập trung các hoạt động sản xuất, nghiên cứu, đào tạo và cung ứng dịch vụ liên quan đến ngành đường sắt. Dự án dự kiến tạo ra hàng ngàn việc làm trong các lĩnh vực xây dựng, vận hành và công nghiệp đường sắt, góp phần thúc đẩy kinh tế địa phương.

Tin cùng chuyên mục