22 năm... lỡ hẹn!
Anh Nguyễn Trung Quân (ngụ phường Hiệp Bình Phước, TP Thủ Đức) than thở: “Hàng chục năm qua, việc đi lại đoạn từ cầu Bình Triệu đến ngã tư Bình Phước (quốc lộ 13) là nỗi “ám ảnh” với người tham gia lưu thông. Đặc biệt, đoạn qua cầu Đúc Nhỏ trở thành nút thắt khiến phương tiện ùn tắc kéo dài. Ngày nào cũng vậy, do mặt cầu hẹp, xe cộ ken kín phải nhích từng chút một. Chỉ cần hai ô tô chạy song song là chắn hết mặt cầu. Quốc lộ 13 có 6 làn xe nhưng cầu Đúc Nhỏ chỉ 4 làn, nên tạo thành nút thắt cổ chai”.

Cư ngụ tại phường Hiệp Bình Phước hơn 30 năm, ông Trần Văn Quốc (56 tuổi) chứng kiến cảnh kẹt xe trên quốc lộ 13 mỗi ngày. “Cứ 7-10 giờ, tuyến đường lại ùn ứ kéo dài. Những năm gần đây, xe container, xe tải nặng dồn về ngày càng nhiều, càng gây ùn tắc. Tôi mong sớm có phương án mở rộng đoạn đường để người dân đi lại thuận tiện hơn”, ông Quốc bức xúc.
Theo Sở Giao thông Công chánh TPHCM (Sở GTCC), tuyến quốc lộ 13, đoạn từ cầu Bình Triệu đến ngã tư Bình Phước, quá tải nghiêm trọng trong suốt 2 thập niên qua, đã trở thành nỗi nhức nhối, cản trở giao thương của TPHCM với các địa phương. Đặc biệt, sau khi Bình Dương khởi công dự án mở rộng quốc lộ 13 (đoạn giáp ranh TPHCM đến TP Thủ Dầu Một) thêm 2 làn xe, từ tháng 4-2022, lượng xe đổ dồn về TPHCM càng lớn, khiến việc lưu thông càng bị bóp nghẹt.
Một lãnh đạo Sở GTCC cho biết, dự án mở rộng quốc lộ 13 đoạn từ cầu Bình Triệu đến ngã tư Bình Phước đã có kế hoạch từ rất lâu. Dự án đã qua 3 lần thay đổi chủ đầu tư là Tổng Công ty Đầu tư xây dựng công trình giao thông 5 (Cienco 5), Công ty CP Đầu tư hạ tầng kỹ thuật TPHCM (CII) và hiện nay là Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TPHCM.
Khởi đầu từ năm 2002, UBND TPHCM có chủ trương mở rộng tuyến đường từ 32m lên 53m. Dự án dự kiến có tổng vốn đầu tư hơn 1.600 tỷ đồng, vượt quá khả năng tài chính của Cienco 5 nên ngừng lại. Đến năm 2005, UBND TPHCM giao dự án về CII làm chủ đầu tư theo hình thức BOT. Nhưng 5 năm sau, CII cho rằng riêng kinh phí đền bù giải tỏa đã tăng lên 5.000 tỷ đồng là quá lớn nên khả năng hoàn vốn khó!
Mãi đến năm 2017, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết 437 yêu cầu tạm dừng hình thức BOT trên đường hiện hữu, vì vậy kế hoạch mở rộng quốc lộ 13 chuyển sang sử dụng ngân sách. Đến năm 2019, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TPHCM trình chủ trương đầu tư nâng cấp mở rộng dự án với tổng mức đầu tư gần 10.000 tỷ đồng, thực hiện từ năm 2019 đến 2023. Nhưng rồi trên thực tế vẫn... lỡ hẹn!
Đầu tư theo cơ chế đặc thù
Theo ông Trần Quang Lâm, Giám đốc Sở GTCC TPHCM, dự án mở rộng quốc lộ 13 đoạn từ cầu Bình Triệu đến ngã tư Bình Phước sẽ được thực hiện theo Nghị quyết 98 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TPHCM, cho phép thành phố được đầu tư BOT với công trình nâng cấp, mở rộng đường. Trên cơ sở này, tháng 9-2023, HĐND TPHCM đã thông qua chủ trương đầu tư mở rộng quốc lộ 13, đoạn từ cầu Bình Triệu đến ranh tỉnh Bình Dương. Để đảm bảo vòng đời dự án được rút ngắn, thu hút được các nhà đầu tư vào triển khai, đơn vị tư vấn đề xuất vốn ngân sách tham gia tỷ lệ 70% (giải phóng mặt bằng), còn vốn nhà đầu tư 30%. Chi phí xây dựng theo hình thức BOT hoặc PPP.

“Hiện nay, với dự án nâng cấp quốc lộ 13, sở đã chi hơn 3,7 tỷ đồng cho 4 gói thầu, gồm tư vấn lập hồ sơ mời thầu, đánh giá hồ sơ dự thầu; tư vấn khảo sát bước lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi; tư vấn khảo sát và lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi... Trong những phương án đưa ra, Sở GTCC TPHCM và các đơn vị tư vấn đang nghiên cứu phương án làm đường trên cao.
Có thể hiểu, phương tiện nào sử dụng đường trên cao thì sẽ phải đóng phí, còn phương tiện khác di chuyển bằng đường hiện hữu sẽ không mất phí. UBND TPHCM đã ban hành kế hoạch triển khai dự án, dự kiến khởi công cuối năm nay và hoàn thành năm 2028”, ông Trần Quang Lâm cho biết.
Trao đổi với PV Báo SGGP, ông Hà Ngọc Trường, Phó Chủ tịch Hội Cầu đường cảng TPHCM, cho biết, phương án thiết kế đi trên cao được đánh giá sẽ thuận lợi vì tránh giao cắt, tạo sự thông suốt, phù hợp cho việc tổ chức làn đường tốc độ cao. Về định hướng, TPHCM cũng đang nghiên cứu làm đường trên cao các trục đường Đinh Bộ Lĩnh - Xô Viết Nghệ Tĩnh bằng vốn ngân sách để kết nối đường trên cao quốc lộ 13 đến đường Điện Biên Phủ tại nút giao Hàng Xanh. Vấn đề quan trọng là thành phố phải triển khai làm thật nhanh mới đáp ứng nhu cầu đi lại và vận chuyển hàng hóa giữa TPHCM và các địa phương, giải quyết nút thắt tuyến đường này sẽ tạo thêm động lực tăng trưởng cho thành phố.
TPHCM triển khai 4 dự án nâng cấp, mở rộng trên đường hiện hữu được áp dụng loại hợp đồng xây dựng - vận hành - chuyển giao (BOT), tổng vốn đầu tư khoảng 60.000 tỷ đồng (ngân sách TPHCM sẽ tham gia đầu tư với tỷ lệ từ 33%-70%, tùy mỗi dự án), gồm: quốc lộ 1 (đoạn từ An Lạc đến ranh tỉnh Long An) dài 9,6km sẽ được mở rộng từ 4 lên 8 làn xe; quốc lộ 22 (từ ngã tư An Sương đến đường Vành đai 3) dài 9,1km sẽ mở rộng lên gần 40m; trục đường Bắc - Nam (từ đường Nguyễn Văn Linh đến tuyến cao tốc Bến Lức - Long Thành) dài 8km được mở rộng từ 4 lên 10 làn xe; cầu đường Bình Tiên (từ đường Phạm Văn Chí đến Nguyễn Văn Linh) dài 3,2km, rộng 30-40m.