Nhiều hoạt động được triển khai
Kết quả nghiên cứu gần nhất do Viện Môi trường -Tài nguyên (Đại học Quốc gia TPHCM) công bố cho thấy, trung bình mỗi năm, tổng phát thải KNK trên địa bàn thành phố hơn 60 triệu tấn CO2. Trong đó, có 3 nguồn thải chính là từ hoạt động công nghiệp (khoảng gần 20 triệu tấn CO2), giao thông (khoảng hơn 13 triệu tấn CO2), còn lại là sinh hoạt và các hoạt động khác.
Thực tế, TPHCM là tỉnh thành có số lượng doanh nghiệp hoạt động lớn nhất cả nước với hơn 500.000 doanh nghiệp; tốc độ gia tăng dân số cũng đạt mốc trung bình 200.000 người/năm; lượng phương tiện ghi nhận hơn 8,7 triệu phương tiện. Đây được xem là những nguồn phát thải khí nhà kính lớn. Chia sẻ về vấn đề này, đại diện Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản cho biết, lượng phát thải CO2 của thành phố còn được xác định là lớn khi mức tiêu thụ điện đến năm 2030 ước khoảng 14 tỷ kWh, tương đương mức phát thải gần 12 triệu tấn CO2. Do vậy, việc triển khai đồng bộ các giải pháp để hạn chế tình trạng phát thải gây hiệu ứng nhà kính là vấn đề cấp thiết để đạt mục tiêu net zero vào năm 2050 mà Việt Nam đã cam kết.
Ông Trần Văn Bảy, Phó Giám đốc Sở TN-MT TPHCM cho biết, biến đổi khí hậu (BĐKH) và những hành động ứng phó cấp bách đang được toàn thế giới quan tâm. TPHCM là trung tâm kinh tế và công nghiệp lớn nhất của cả nước, đi cùng với sự phát triển, thành phố cũng đang đi đầu trong công cuộc đánh giá lượng phát thải, tìm kiếm giải pháp cũng như xây dựng kế hoạch nhằm góp phần thực hiện cam kết của chính phủ về giảm phát thải.
Mảng xanh bên đường Lê Duẩn, quận 1, TPHCM |
Thời gian qua, Sở TN-MT cũng đã phối hợp với các sở, ban, ngành, UBND quận, huyện triển khai nhiều hoạt động nhằm cắt giảm KNK, thích ứng với biến đổi khí hậu. Chẳng hạn như triển khai kế hoạch thực hiện phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn; đẩy mạnh phát triển năng lượng xanh, năng lượng tái tạo; kêu gọi cá nhân, tổ chức thực hiện sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả. Đồng thời, khuyến khích các doanh nghiệp tham gia sản xuất xanh, sản xuất sạch, hướng đến sự phát triển bền vững, thân thiện môi trường.
Trong khi đó, Sở GTVT TPHCM đã thí điểm tổ chức kiểm tra khí thải cho gần 11.000 xe máy; khảo sát điều tra ý kiến của gần 7.300 người dân và các sở, ban, ngành trên địa bàn thành phố. Kết quả, hầu hết ý kiến đều đồng ý, ủng hộ chính sách kiểm soát khí thải xe máy để giảm ô nhiễm môi trường, góp phần giảm KNK. Sở GTVT cũng đã đề xuất với UBND TPHCM kế hoạch dài hơi cho lộ trình kiểm soát khí thải xe máy. Theo đó, từ nay đến hết năm 2024 sẽ tiến hành thử nghiệm việc kiểm soát khí thải xe máy; giai đoạn 2025-2026 sẽ triển khai một phần, giai đoạn 2027-2030 sẽ triển khai toàn phần.
Mặt khác, thành phố cũng đang đẩy mạnh phát triển các phương tiện giao thông công cộng như xe buýt thân thiện môi trường; các tuyến metro… vừa góp phần giảm kẹt xe, vừa giảm lượng phát thải KNK.
Đẩy mạnh hợp tác quốc tế
Theo đại diện Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản, TPHCM cần đẩy mạnh, mở rộng hợp tác với các tổ chức quốc tế để có thêm nguồn lực về công nghệ, kỹ thuật, nguồn vốn… triển khai các hoạt động thực hiện giảm KNK. Cùng quan điểm, ông Nguyễn Tuấn Anh, Phó Giám đốc dự án Năng lượng phân tán đô thị tại TPHCM, cho biết, TPHCM hiện đã phối hợp với Cơ quan Hợp tác phát triển quốc tế Hoa Kỳ triển khai dự án hỗ trợ kỹ thuật năng lượng phân tán đô thị tại TPHCM với mục tiêu hướng đến “thành phố không phát thải”.
Dự án có 3 hợp phần chính, bao gồm: tăng cường môi trường thuận lợi tại địa phương; huy động nguồn lực đầu tư; thúc đẩy đổi mới sáng tạo. Đồng thời, dự án cũng triển khai một số hoạt động liên quan đến quản lý KNK như hỗ trợ xây dựng chiến lược và kế hoạch hướng tới phát thải ròng bằng 0; hỗ trợ các đơn vị phát thải KNK lớn nâng cao năng lực xây dựng báo cáo kiểm kê KNK hàng năm; nghiên cứu các biện pháp sử dụng nước hiệu quả trong các cơ sở, công trình công lập tại TPHCM và hỗ trợ các cơ sở sản xuất điện rác tại TPHCM tham gia thị trường carbon. Theo kế hoạch, từ tháng 4 đến tháng 6-2023, dự án sẽ chạy mô hình, phân tích các kịch bản; từ tháng 6 đến tháng 9-2023 sẽ xây dựng lộ trình hướng tới mục tiêu thành phố không phát thải.
Trước đó, TPHCM đã hợp tác với Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản, Tổ chức nhóm nhà lãnh đạo các thành phố trên thế giới nhằm cam kết giảm thiểu và thích ứng biến đổi khí hậu, triển khai các giải pháp kỹ thuật nhằm kiểm kê KNK. Đây là cơ sở để xác định giải pháp giảm thiểu KNK phù hợp từng lĩnh vực, ngành nghề.
Song song đó, thành phố cũng đã phối hợp với Ngân hàng Thế giới thành lập Nhóm công tác chung giữa 2 cơ quan về sự phát triển toàn diện, bền vững của TPHCM. Nhóm công tác chung có 8 nhóm kỹ thuật để tập trung xây dựng 8 đề án thành phần phục vụ mục tiêu phát triển toàn diện và bền vững của thành phố, trong đó có Nhóm phát thải carbon thấp. Mục tiêu của các Nhóm phát triển carbon thấp là xây dựng một kế hoạch đưa TPHCM thành đô thị carbon thấp.
Như vậy, những nỗ lực nói trên của thành phố trong việc giảm thiểu KNK đã khá rõ nét. Vấn đề còn lại là doanh nghiệp, cộng đồng cùng chung tay nâng cao nhận thức về việc sử dụng năng lượng, giảm phát thải để đạt mục tiêu net zero vào năm 2050.