Tuyến đường bị ngập sâu nhất là Lạch Tray từ cầu Rào vào trung tâm TP Hải Phòng.
Mặc dù ngày nghỉ nhưng hôm nay (8-9), đường sá vẫn đông đúc, nước ngập càng khiến giao thông ùn ứ, tắc nghẽn.
Trong các khu dân cư, nước ngập tràn lên nhà cửa. Người dân đang vội vã lau dọn, tìm mọi cách tiêu thoát nước.
Hầu như hàng quán đóng cửa. Điện bị cắt hoặc bị mất trên diện rộng. Nhiều nơi mất sóng điện thoại, người dân nóng lòng tìm cách liên lạc nhưng không thể thực hiện.
Trên đường Lạch Tray, người dân bì bõm lội nước đi mua đồ ăn, thực phẩm.
"Mất điện nên chúng tôi không nấu nướng được. Nhiều gia đình đang ra phố mua đồ khô dự trữ", một người dân nói.
Trên các tuyến đường, lực lượng chức năng thuộc Công an TP Hải Phòng và đơn vị tiêu thoát nước ngập, đơn vị điện lực cùng người dân đang tích cực, khẩn trương dọn dẹp cây cối đổ gãy, tiêu úng ngập, sửa chữa hệ thống điện và thông tin liên lạc.
Chia sẻ với phóng viên Báo Sài Gòn Giải Phóng tại phố Cầu Đất, Đại úy Tống Đức Tình, Đội trưởng Đội Cảnh sát trật tự - Phòng PC06 Công an TP Hải Phòng cho biết, khối lượng cây cối đổ gãy, đường dây rơi đứt khá nhiều nên đội đang phải huy động toàn bộ quân số ra quân hỗ trợ dọn dẹp, giải tỏa ách tắc giao thông, đảm bảo an toàn trật tự.
Trên đường Phạm Văn Đồng từ quận Đồ Sơn về quận Dương Kinh (TP Hải Phòng), nước ngập bao vây khắp Khu công nghiệp Đồ Sơn.
Mặc dù hôm nay là chủ nhật, được nghỉ nhưng nhiều công nhân vẫn lội nước ra thăm phân xưởng, máy móc, đồ đạc của mình bị ướt.
Dọc tuyến đường dài gần 20km, cây đổ xác xơ, hàng loạt cột đèn chiếu sáng đổ đều về một bên đường.
Lực lượng cảnh sát giao thông đang khẩn trương thu dọn hiện trường đổ nát. Thiếu tá Mai Thạch Nam và Thiếu tá Hoàng Đức Anh thuộc Đội Cảnh sát giao thông số 2 - Phòng Cảnh sát giao thông, Công an TP Hải Phòng cho biết, đơn vị đã tung 100% quân số để khắc phục hậu quả của bão số 3. Khối lượng công việc rất lớn.
“Ít nhất cũng cần 1 tuần mới dọn xong đống cây cối, thiết bị đổ gãy. Riêng số cành cây bây giờ tìm được chỗ để chứa (đổ) cũng là vấn đề nan giải”, Thiếu tá Hoàng Đức Anh nói.
Dọc đoạn đường dài nhưng không có một quán ăn. Hầu như gia đình nào cũng túi bụi lo dựng lại lều bạt, dọn dẹp cành cây, tấm nhựa rơi vỡ. Lúc 9 giờ, một quán mì sáng duy nhất còn mở cửa nhưng chủ quán cho biết: “Hết đồ ăn rồi. Mì tôm cũng hết”.
Một chiến sĩ cảnh sát giao thông nói với phóng viên Báo Sài Gòn Giải Phóng: “Tình hình khá căng. Nước uống hiện cũng không mua được”.
Trong trung tâm TP Hải Phòng, nước ngập nhưng nhiều gia đình vẫn tranh thủ đi chợ mua đồ khô hoặc chế biến sẵn, do mất điện chưa biết khi nào có lại nên không thể nấu nướng, đun nước uống bằng bếp điện.
Chủ một quán ăn trên đường Trần Nhật Duật cho biết, hơn 20 năm chưa gặp cơn bão khốc liệt thế này. Bà nói: “Mất cả điện, nước, sóng điện thoại từ hôm qua đến trưa nay rồi”.
Vấn đề quan trọng nhất hiện tại là mau chóng khắc phục sự cố đường dây để nối lại hệ thống điện lưới.
Anh Nguyễn Trần Hoành, một nhân viên thuộc Điện lực Dương Kinh (TP Hải Phòng) cho biết, từ sáng sớm, các đơn vị điện lực đã phân công các tổ đội, tỏa ra khắp địa bàn quận Dương Kinh để khắc phục lưới điện.
“Bão tàn phá rất ác liệt. Chúng tôi phải cắt hết hạ áp và phụ tải để cứu trung tải”, anh Hoành nói.
Theo anh Hoành, hiện nay, rất nhiều cột điện trên địa bàn bị gãy đổ, nhiều trạm biến áp cũng đổ xuống ruộng. Nhân lực không đủ nên họ đang phải quên ăn quên ngủ để sửa chữa.
“Trước mắt, những trạm đổ ngập sẽ bị loại bỏ (cắt điện) để ưu tiên đóng điện cho những khu vực chưa thiệt hại”, anh Hoành chia sẻ giải pháp đề ra của ngành điện lực tại Hải Phòng.