Năm 2021, Bộ Nội vụ phối hợp với các cơ quan liên quan triển khai đo lường sự hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước nhằm đánh giá khách quan chất lượng cung ứng dịch vụ công, chất lượng phục vụ của các cơ quan hành chính nhà nước. Thông qua đó giúp các cơ quan nhà nước nắm bắt được thực trạng chất lượng dịch vụ công, nhu cầu và mong đợi của người dân, tổ chức để làm cơ sở xác định, thực hiện các biện pháp cải thiện chất lượng dịch vụ công.
Đối tượng xác định chỉ số CCHC năm 2021 bao gồm ở Trung ương là 19 bộ, cơ quan ngang bộ (trừ Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Văn phòng Chính phủ). Tại địa phương, có 63 UBND các tỉnh, thành phố.
Kết quả chỉ số CCHC 2021 được phân thành 3 nhóm điểm. Cụ thể, kết quả CCHC trên 90% gồm 3 đơn vị là Bộ Tư pháp, Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước; chỉ số CCHC từ trên 80% đến dưới 90% có 13 đơn vị; chỉ số dưới 80% có Bộ KH-CN.
Theo Ban chỉ đạo, trong 10 năm đánh giá thì kết quả chỉ số CCHC tiếp tục duy trì xu hướng tăng, năm 2021 tăng cao hơn 10,69% so với năm 2012.
Chỉ số CCHC 2021 của các tỉnh, thành phố cho thấy, nhóm A với kết quả trên 90% có 3 tình, thành phố; nhóm B từ 80 đến dưới 90% có 59 tỉnh, thành phố; nhóm C từ 70 đến dưới 80% có 1 tỉnh.
Khoảng cách chênh lệch kết quả chỉ số giữa đơn vị cao nhất và thấp nhất tiếp tục duy trì xu hướng giảm, năm 2021 khoảng cách này là 11,83%, giảm 5,96% so với năm 2020 (17,79%).
Số liệu công bố tại hội nghị cho thấy, kết quả xếp hạng chỉ số CCHC 2021 dẫn đầu là TP Hải Phòng với kết quả đạt hơn 91%; xếp thứ 2 là tỉnh Quảng Ninh. Trong khi đó, TP Đà Nẵng có sự trở lại ấn tượng trong nhóm 5 địa phương dẫn đầu sau 2 năm vắng bóng, năm 2021 đạt 90,25% xếp vị trí thứ 3/63.
Đứng cuối bảng xếp hạng chỉ số CCHC năm 2021 là tỉnh Kiên Giang, đạt 79,97% và là địa phương duy nhất có kết quả chỉ số CCHC dưới 80%. Đây cũng là năm thứ 2 liên tiếp Kiên Giang nằm trong nhóm 5 địa phương có kết quả thấp nhất cả nước.
Trong 10 năm qua, chỉ số CCHC luôn được khẳng định qua thực tiễn là một trong những công cụ có ý nghĩa quan trọng trong chỉ đạo, điều hành triển khai chương trình tổng thể CCHC nhà nước giai đoạn 2011 - 2020. Thông qua chỉ số CCHC, Chính phủ, các bộ, ngành và địa phương xác định được mục tiêu, định hướng, nội dung, nhiệm vụ và giải pháp cho CCHC giai đoạn tiếp theo.
Thứ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo CCHC của Chính phủ cho biết, năm 2021 mặc dù chịu tác động nặng nề của đại dịch Covid-19, nhưng công tác CCHC tiếp tục được quan tâm, chỉ đạo xuyên suốt, linh hoạt, sáng tạo và kịp thời thích ứng với tình hình mới.
Cũng theo bà Phạm Thị Thanh Trà, đây cũng là năm đầu thực hiện Chương trình tổng thể CCHC nhà nước giai đoạn 2021 - 2030 theo Nghị quyết số 76 của Chính phủ. Nhìn lại năm 2021, CCHC là một trong những giải pháp trọng tâm để thực hiện phát triển kinh tế - xã hội.