Đầu mối nhiều tuyến kết nối khu vực
Khu vực phía Nam TP Dĩ An đa phần tiếp giáp TP Thủ Đức và một phần địa phận tỉnh Đồng Nai, là địa bàn triển khai thực hiện các dự án hạ tầng giao thông lớn của cả vùng Đông Nam bộ, có nhiều tuyến giao thông quan trọng đi qua. Hiện trạng kết nối giao thông giữa TP Thủ Đức và TP Dĩ An gồm một số vị trí kết nối liên vùng như: Tỉnh lộ 43, nút giao Sóng Thần, đường Đào Trinh Nhất - đường An Bình, hàng chục vị trí kết nối dân sinh và 21 vị trí kết nối trực tiếp với khu đô thị Đại học Quốc gia TPHCM. Đáng kể nhất là dự án đường Vành đai 3-TPHCM đi qua TP Dĩ An đang đẩy nhanh tiến độ chi trả bồi thường, bàn giao mặt bằng cho đơn vị thi công. Tính đến ngày 16-8, địa phương đã phê duyệt 3 đợt hồ sơ với 85 trường hợp, số tiền hơn 1.142 tỷ đồng; dự kiến trong tháng 8 sẽ phê duyệt xong đợt 4, chi bồi thường giải phóng mặt bằng khoảng 40 tỷ đồng. Ngành chức năng đã hoàn thành chi trả cho 68/85 trường hợp (gần 980 tỷ đồng) và thực hiện các bước để hoàn tất bồi thường thực hiện dự án.
Đầu tư cầu vượt bằng thép ở khu vực ngã tư 550, TP Dĩ An |
Ngoài ra, nhiều tuyến đường kết nối đang được xúc tiến triển khai như: đường Thống Nhất mở rộng thêm 20m, từ tuyến nội tỉnh phát triển thành tuyến kết nối liên vùng với khu đô thị Đại học Quốc gia TPHCM, bến xe Miền Đông mới và Khu Công nghệ cao TPHCM; nâng cấp, mở rộng đường D5-D8; dự án đường trục chính Đông - Tây (đoạn từ Bến xe miền Đông mới đến giáp quốc lộ 1K); đường Bắc - Nam 3; đường Vành đai Đông Bắc 2. Các dự án này khi đưa vào sử dụng sẽ giúp mở rộng giao thương hàng hóa, thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển, nhất là khi TP Dĩ An đã trở thành đô thị loại 2, với định hướng phát triển là dịch vụ - tài chính - giáo dục - logistics, có sức hút lớn về dân cư, đầu tư trong và ngoài nước.
Sớm tháo gỡ vướng mắc
Với chủ trương đẩy mạnh phát triển mạng lưới giao thông hiện đại và đầu tư hạ tầng đi trước một bước, TP Dĩ An đang triển khai hàng loạt dự án khác như: nghiên cứu tiền khả thi nút giao cầu vượt Sóng Thần và mở rộng đường An Bình kết nối đường Phạm Văn Đồng, giải quyết được tình trạng chia cắt giữa trung tâm TP Dĩ An và phường An Bình, kết nối giao thông thông suốt với TP Thủ Đức, TPHCM. Không chỉ vậy, UBND TP Thủ Đức và UBND TP Dĩ An, Thuận An cũng đã tổ chức các cuộc họp để phân tích, trao đổi định hướng phát triển kết nối giao thông, rà soát việc kết nối giao thông trong quá trình triển khai lập quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2.000, kỳ vọng các địa bàn này sẽ trở thành hạt nhân và đầu mối phát triển trong tương lai. Tuy vậy, có thể thấy trước các khó khăn về công tác giải phóng mặt bằng khiến tiến độ chưa như kỳ vọng, nguyên nhân do một số chủ sử dụng đất chưa chủ động hợp tác, xác định pháp lý về đất, tài sản trên đất…
Đường Lý Thường Kiệt, TP Dĩ An sau khi được nâng cấp khá thông thoáng |
Việc vào cuộc, tháo gỡ các vướng mắc nêu trên sẽ tạo cú hích trong giải ngân vốn đầu tư, đẩy nhanh tiến độ thi công, sớm đưa các công trình vào sử dụng. UBND TP Dĩ An cũng vừa kiến nghị tỉnh ưu tiên tháo gỡ vướng mắc về xác định đối tượng, mức bồi thường, hỗ trợ, nhất là liên quan đến công tác xây dựng các khu tái định cư. Cụ thể, TP đề nghị tỉnh chỉ đạo đơn vị liên quan khẩn trương tháo dỡ, di dời tài sản trên đất, bàn giao mặt bằng triển khai thi công hạ tầng khu đất công Đông Hòa, để nhanh chóng bố trí tái định cư cho các hộ dân bị ảnh hưởng của dự án Vành đai 3-TPHCM; riêng khu vực 32ha ở phường Tân Bình phục vụ tái định cư các dự án lớn, kiến nghị tỉnh cho vay hoặc mượn vốn từ Quỹ đầu tư phát triển tỉnh để chủ động thực hiện nhiệm vụ.
Theo ông Võ Văn Hồng, Chủ tịch UBND TP Dĩ An, để đảm bảo triển khai các công việc đúng tiến độ, chất lượng, TP đang kiến nghị tỉnh xem xét tăng xây dựng biên chế cho khối hành chính, nhằm thực hiện tốt các nhiệm vụ đô thị loại 2. Cùng đó, kiến nghị UBND tỉnh tăng kinh phí để đầu tư chỉnh trang đô thị, thực hiện đề án chuyển đổi số, đề án 06, lắp đặt camera an ninh, Trung tâm giám sát, điều hành thông minh (IOC).