Bí thư Thành ủy TP Cần Thơ Nguyễn Văn Hiếu cùng lãnh đạo địa phương đã đi khảo sát các điểm sạt lở bờ sông trên địa bàn Trà Nóc (quận Bình Thủy), sông Ô Môn qua địa bàn quận Ô Môn và huyện Thới Lai vào chiều 9-11.
Qua thực địa, Bí thư Thành ủy TP Cần Thơ Nguyễn Văn Hiếu cho rằng, nếu xây kè hết các điểm sạt lở thì kinh phí không thể kham nổi, do đó chỉ làm ở những vị trí khẩn cấp. Đối với những điểm sạt lở gây mất đường giao thông, cần nhanh chóng khắc phục để đảm bảo đi lại của người dân.
"Khi làm đường, cần mở rộng mặt đường so với trước đó, vừa khắc phục sạt lở, vừa kết hợp chỉnh trang đô thị để người dân có thể kinh doanh, buôn bán, phát triển kinh tế địa phương", Bí thư Thành ủy TP Cần Thơ yêu cầu.
Dự án Phát triển TP Cần Thơ và tăng cường khả năng thích ứng của đô thị đã phát huy hiệu quả khi giúp nhiều tuyến đường thoát cảnh ngập nặng do triều cường |
Theo Ban Chỉ huy Phòng thủ dân sự - Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn TP Cần Thơ, trong 10 tháng năm 2023, địa bàn xảy ra 39 vụ sạt lở làm bị thương 2 người, sạt hoàn toàn 8 căn nhà, sạt một phần 21 căn. Tổng chiều dài các điểm sạt lở là gần 2.100m, thiệt hại tài sản ước tính hơn 30 tỷ đồng. Sạt lở trên các tuyến sông ở Cần Thơ tăng 30 vụ so với cùng kỳ năm 2022.
Tùy vị trí địa lý các địa phương mà tình hình sạt lở ở những mức độ khác nhau. Sạt lở bờ sông diễn ra phổ biến, gây thiệt hại lớn đối với các quận, huyện nằm cặp theo sông Hậu, sông Cần Thơ, như quận Bình Thủy, Cái Răng, Ô Môn, Thốt Nốt và huyện Phong Điền, Thới Lai, Vĩnh Thạnh. Ngoài ra, các hoạt động của con người làm gia tăng tải trọng lên mép bờ sông, như xây nhà, lấp đất lấn chiếm lòng sông cũng là một trong những nguyên nhân khiến sạt lở ngày càng nghiêm trọng.
Ven các tuyến sông Trà Nóc, Bình Thủy, Ô Môn, Cái Sắn, Rạch Tắc Ông Thục, kênh Thơm Rơm... rất nhiều nhà xây quá sát mép bờ sông, thậm chí lấn hẳn ra lòng sông. Cộng hưởng với sóng do tàu thuyền gây ra, việc khai thác cát sỏi trái phép, địa chất yếu… cũng làm tình hình sạt lở ngày càng phức tạp.
Theo Ban Chỉ huy Phòng thủ dân sự - Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn TP Cần Thơ, các điểm sạt lở cặp theo các con sông lớn, có địa hình phức tạp, diễn biến sạt lở nhanh, như sông Cần Thơ, Trà Nóc, Bình Thủy, Ô Môn… và các cồn, cù lao trên sông Hậu là những điểm có nguy cơ sạt lở đặc biệt nguy hiểm, cần được ưu tiên đầu tư kè chống sạt lở.
Để nhanh chóng cải thiện tình trạng trên, Bí thư Thành ủy TP Cần Thơ Nguyễn Văn Hiếu chỉ đạo: "UBND TP Cần Thơ nhanh chóng hoàn thành các thủ tục để giải ngân nguồn vốn Trung ương vừa bổ sung cho các địa phương ĐBSCL chống sạt lở; hoàn thiện thủ tục đầu tư dự án, giao kế hoạch vốn theo quy định của Luật Đầu tư công và các quy định pháp luật chuyên ngành liên quan".