Đây là một trong những hoạt động thực hiện Đề án bảo tồn và phát huy di sản văn hóa phi vật thể TP Cần Thơ, giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030.
Tham dự giảng dạy là các nhạc sĩ, nghệ nhân đến từ Trường ĐH Sân khấu – Điện ảnh TPHCM và các tỉnh Tây Ninh, Tiền Giang. Lớp học sẽ kéo dài đến ngày 20-10-2024. Các học viên đến từ ban nhạc lễ các quận/huyện trên địa bàn, được giới thiệu một số nhạc cụ tiêu biểu của dàn nhạc lễ Nam bộ của người Việt; học các chuyên đề “Nhạc lễ Nam bộ trong sinh hoạt cộng đồng của người Việt”, lồng ghép phần lý thuyết và thực hành 1 số bài bản trong Tế + Tang.
Phát biểu tại lễ khai giảng, ông Nguyễn Minh Tuấn, Giám đốc Sở VH-TT-DL TP Cần Thơ cho biết, hiện nay, bên cạnh những loại hình di sản văn hóa phi vật thể về diễn xướng dân gian như nghệ thuật đờn ca tài tử, hò Cần Thơ, hát ru… tồn tại trong cộng đồng, còn có một số loại hình di sản có nguy cơ mai một, trong đó có Nhạc lễ Nam bộ. Ở Cần Thơ nói riêng và Nam bộ nói chung, trước đây Nhạc lễ được sử dụng trong các dịp quan – hôn – tang – tế. Ngày nay, Nhạc lễ có phần giản lược, được thực hành chủ yếu vào các dịp cúng kỳ yên tại đình, miếu, cúng tế trong đám tang và tồn tại sử dụng một số nhạc cụ trong dịp cúng tại các chùa.
Trong những năm qua, TP Cần Thơ đã và đang thực hiện nhiều đề tài, dự án liên quan đến nghiên cứu, bảo tồn và phát huy di sản văn hóa phi vật thể. Hiện TP Cần Thơ có hơn 120 loại hình di sản văn hóa của 3 dân tộc Kinh, Hoa, Khmer ở 9 quận, huyện trên địa bàn; 5 di sản thuộc danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia (Văn hóa chợ nổi Cái Răng, Lễ hội kỳ yên đình Bình Thủy, Hò Cần Thơ, Hát ru của người Việt ở Cần Thơ và nghề làm bánh tráng Thuận Hưng).
Theo ông Nguyễn Minh Tuấn, Giám đốc Sở VH-TT-DL TP Cần Thơ, lớp học là bước cụ thể thực hiện Dự án “Khôi phục và truyền dạy Nhạc lễ của người Việt ở thành phố Cần Thơ, năm 2024”, nhằm bồi dưỡng về kỹ năng thực hành Nhạc lễ truyền thống cho một số cá nhân, nhóm, đội, ban nhạc lễ, ban nghi thức tại các di tích đình, miếu trên địa bàn TP Cần Thơ. Qua đó góp phần giúp các địa phương bổ sung, hoàn thiện đội, nhóm thực hành nhạc lễ nhằm thực hiện tốt nghi lễ truyền thống tại cộng đồng, góp phần giữ gìn, trao truyền và phát huy những giá trị đặc sắc về nhạc lễ của dân tộc. Đồng thời, nâng cao nhận thức, lòng tự hào và ý thức tự giác của người dân trong việc bảo tồn và phát huy loại hình nghệ thuật truyền thống của dân tộc và địa phương, phục vụ nhu cầu tín ngưỡng và nâng cao mức thụ hưởng văn hóa cho người dân.