Nói đến lịch sử hình thành vùng đất Biên Hòa, giới nghiên cứu nhắc ngay đến cái tên Trần Thượng Xuyên, người có công lao khai phá đất đai và mở mang thương mại vùng đất Đồng Nai - Gia Định, được nhà Nguyễn ban sắc truy phong chức Trấn Biên Đô đốc tướng quân. Để ghi nhớ công ơn ông, nhân dân trong vùng đã lập ngôi miếu nhỏ thờ ông trong khu vực thành cổ Biên Hòa. Trải qua nhiều lần di dời, xây dựng, trùng tu, ngày nay thành đình Tân Lân - một di tích văn hóa lịch sử cấp quốc gia - có mặt tiền nhìn ra sông Đồng Nai, trên con đường Nguyễn Văn Trị (dài hơn 1km) có công viên ven sông từ cầu Hóa An qua chợ Biên Hòa. Đây cũng là phố đi bộ được duy trì vài năm qua.
Anh H.P.K. (người sinh ra và lớn lên ở Biên Hòa) tỏ vẻ ngạc nhiên khi ở cù lao Phố có đền thờ Nguyễn Hữu Cảnh và bên sông có đình Tân Lân nhưng lại không có đường mang tên 2 vị tiền hiền có công khai phá xứ Trấn Biên này. Năm nay, kỷ niệm 325 năm Đồng Nai - Biên Hòa hình thành, thiết nghĩ nhu cầu chính đáng của người dân vùng đất này rất cần được giới chức có trách nhiệm của tỉnh Đồng Nai lẫn TP Biên Hòa lưu tâm.
Với những ai am hiểu, yêu quý lịch sử dân tộc đều cảm thấy thích thú khi tại khu vực quận 10, TPHCM có nhiều tên đường bố trí gần nhau giúp người ta nhớ về một triều Nguyễn gắn liền với các bậc tiền hiền như Nguyễn Kim, Đào Duy Từ, Nguyễn Lâm…Với TP Biên Hòa cũng vậy, nếu khu vực cù lao Phố (nay là phường Hiệp Hòa) có một con đường mang tên Nguyễn Hữu Cảnh sẽ rất dễ nhớ cho người dân vì gần đó đã có sẵn đền thờ của Đức Thành Hầu (di tích được xếp hạng quốc gia năm 1991). Hiện đang có dự án cầu, đường qua sông Đồng Nai nối khu quảng trường tỉnh với cù lao Phố nên chính quyền có thể nghiên cứu đặt tên mới cho công trình cầu, đường này khi hoàn thành.
Trở lại phía bên này sông, có ý kiến cho rằng, để dễ nhớ và tỏ lòng biết ơn tướng quân Trần Thượng Xuyên, nên có con đường mang tên ông. Với đạo lý uống nước nhớ nguồn và công lao của những bậc công thần mở đất như Trần Thượng Xuyên, thiết nghĩ nên có một con đường lớn, đẹp xứng với công lao của ông. Đó cũng là cách giáo dục thiết thực cho thế hệ trẻ bài học về lịch sử, đạo đức.