Tour du lịch “đội” giá vì vé máy bay

Giá trần vé máy bay nội địa được điều chỉnh tăng từ ngày 1-3 theo quy định mới của Bộ GTVT tại Thông tư 34/2023 sẽ tác động trực tiếp đến việc đi lại, vui chơi của người dân, các công ty du lịch… Ước tính từ một số hãng lữ hành, giá tour có thể “đội” lên khoảng 10%; đồng thời xu hướng du lịch nước ngoài cũng tăng.

Theo quy định mới, các đường bay có khoảng cách dưới 500km giữ nguyên mức giá trần 1,6 triệu đồng/ vé với đường bay phát triển kinh tế - xã hội và 1,7 triệu đồng/vé với các đường bay khác. Các đường bay từ 500km đến dưới 850km có mức giá trần 2,25 triệu đồng/vé (giá cũ 2,2 triệu đồng/vé); đường bay có khoảng cách từ 850km đến dưới 1.000km có giá vé tối đa 2,89 triệu đồng/vé (giá cũ 2,79 triệu đồng/vé). Đường bay từ 1.000km đến dưới 1.280km có giá trần 3,4 triệu đồng/vé (giá cũ 3,2 triệu đồng/vé) và đường bay có khoảng cách từ 1.280km trở lên 4 triệu đồng/vé (giá cũ 3,75 triệu đồng/ vé).

Từ ngày 1-3, giai đoạn được cho là thấp điểm, giá vé máy bay vẫn neo ở mức cao so với cùng kỳ những năm trước, trong đó, chặng Hà Nội đi TPHCM vẫn từ 3,277 triệu đồng/vé trở lên.

Từ giữa tháng 3 cho đến dịp cao điểm hè, giá vé chặng này vẫn giữ mức từ khoảng 1,4 triệu đồng/ vé trở lên. Giá vé máy bay ở hầu hết các chặng khác cũng trong tình trạng tương tự, người dân khó có cơ hội mua được vé siêu rẻ như những năm trước. Mức giá tối đa bao gồm các chi phí hành khách phải trả cho một vé máy bay, trừ thuế giá trị gia tăng; các khoản thu hộ doanh nghiệp cung ứng dịch vụ, như: giá phục vụ hành khách, giá đảm bảo an ninh hành khách, hành lý; giá dịch vụ đối với các hạng mục tăng thêm.

b7a-6710.jpg
Khách xếp hàng làm thủ tục lên máy bay tại sân bay Tân Sơn Nhất. Ảnh: GIA HÂN

Việc tăng giá trần sẽ ảnh hưởng lớn đến người tiêu dùng, nhất là trong các giai đoạn cao điểm. Ngành hàng không Việt Nam có 2 giai đoạn cao điểm là tết và hè, các hãng sẽ bán mức giá tối ưu để bù đắp cho giai đoạn thấp điểm. Như vậy, hè năm nay, vé máy bay một số chặng, một số ngày được dự báo là kịch trần, cao hơn hiện tại 50.000-250.000 đồng. Theo thông tin từ các đại lý vé máy bay, thời gian cao điểm sau tết đã kéo dài hơn dự kiến khi vé máy bay khan hiếm và giá vé tăng cao.

Giá vé máy bay tăng trần cũng ảnh hưởng không nhỏ đến ngành du lịch. Trường hợp anh Lê Xuân, ngụ đường Nguyễn Kiệm (quận Gò Vấp, TPHCM) là một ví dụ. Gia đình anh Xuân dự tính đi du lịch Côn Đảo vào ngày 4-3, nhưng giá vé máy bay khá cao, ở mức 2,7-2,99 triệu đồng/vé, trong khi trước đó chỉ từ 1,7-1,8 triệu đồng/vé.

“Nhẩm tính, giá vé máy bay khứ hồi hết gần 6 triệu đồng/người cho chuyến bay Côn Đảo. Trong khi đó, du lịch đến Thái Lan trọn gói 5 ngày 4 đêm chỉ khoảng 8 triệu đồng/người nên gia đình tôi dự định chuyển hướng”, anh Lê Xuân nói.

b7b-3955.jpg
Đoàn khách Việt Nam du lịch nước ngoài do Saigontourist tổ chức. Ảnh: HÂN GIA

Đánh giá về tác động khi tăng trần giá vé máy bay nội địa, một số doanh nghiệp lữ hành lo ngại khách trong nước “chuyển hướng” du lịch nước ngoài, khiến du lịch nội địa mất sức hút. Theo bà Trần Thị Bảo Thu, Giám đốc Tiếp thị - Truyền thông Lữ hành Vietluxtour, việc thay đổi giá trần vé máy bay sẽ ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh sản phẩm du lịch nội địa. Chính vì vậy, doanh nghiệp lữ hành cân nhắc khá kỹ kế hoạch giữ trước lượng vé cho các mùa cao điểm.

Ông Phạm Anh Vũ, Giám đốc truyền thông Công ty Du lịch Việt, cho rằng, việc điều chỉnh trần giá vé buộc doanh nghiệp phải điều chỉnh giá tour trong bối cảnh du lịch nội địa đang phải “chật vật” thu hút khách. Có thể nói, đây là một “cú bồi” khiến ngành du lịch khó khăn hơn.

Tin cùng chuyên mục