
Tour đi chợ
Chợ Hàn, chợ Cồn (quận Hải Châu, TP Đà Nẵng) giờ đây không chỉ là nơi giao thương, mà còn là một điểm đến du lịch hấp dẫn. Du khách đến đây không chỉ mua sắm, mà còn trải nghiệm một phần cuộc sống bản địa sống động và gần gũi. Những tiếng rao hàng quen thuộc, mùi thơm của các món ăn dân dã, những quầy hàng đầy ắp đặc sản khiến không gian chợ luôn nhộn nhịp và cuốn hút.

Theo chị Park Ga Yeon (24 tuổi, du khách Hàn Quốc), các gian hàng lưu niệm được bày biện đẹp mắt, món ăn luôn sạch sẽ và hấp dẫn, như một lễ hội vị giác thu nhỏ. Người bán niềm nở và thân thiện, thi thoảng pha vài câu tiếng Hàn, tiếng Anh, hay tiếng Thái.
Chợ Hàn là điểm đến ưa thích của khách quốc tế, đặc biệt là du khách Hàn Quốc, Trung Quốc, Thái Lan. Mỗi ngày, nơi đây đón từ 4.000 đến 6.000 lượt khách. Bà Trần Thị Kiều Tiên (62 tuổi), tiểu thương bán đồ lưu niệm tại chợ Hàn cho biết, không chỉ chất lượng sản phẩm mà thái độ phục vụ, ứng xử văn minh thương mại là yếu tố quan trọng để thu hút du khách, giúp họ có trải nghiệm đáng nhớ. Ngoài việc niêm yết giá rõ ràng, chợ còn cung cấp dịch vụ đóng gói nhanh, may áo dài cấp tốc giúp khách kịp giờ lên máy bay.
Ở miền Trung, ngoài chợ Hàn và chợ Cồn còn có chợ Đông Ba (TP Huế) cũng là điểm đến hấp dẫn du khách trong và ngoài nước. Nằm dọc bờ Bắc sông Hương, chợ Đông Ba không chỉ nổi tiếng với các đặc sản Huế, mà còn với sự niềm nở của tiểu thương. Chị Nguyễn Thị Mận, tiểu thương bán hàng lưu niệm tại chợ Đông Ba chia sẻ, ngày ngày tiếp xúc và nói với người nước ngoài, thành ra mình biết nói lúc nào không hay.

Thay đổi để thích ứng
Chợ Đông Ba có vai trò đặc biệt quan trọng đối với TP Huế, nơi lưu giữ nhiều giá trị truyền thống lịch sử, văn hóa Huế. Theo ông Võ Lê Nhật, Bí thư Quận ủy Phú Xuân (TP Huế), với vị trí địa lý và giao thông thuận lợi, chợ Đông Ba sớm trở thành trung tâm thương mại dịch vụ, giao lưu, trao đổi hàng hóa lớn, có sức ảnh hưởng và đóng góp tích cực đối với kinh tế xã hội của TP Huế. Cùng với định hướng phát triển du lịch thương mại, chợ Đông Ba còn là địa điểm thu hút du khách trong và ngoài nước tham quan, mua sắm mỗi lần đến Huế. Mỗi ngày, nơi đây đón tiếp hàng ngàn lượt khách tham quan, mua sắm. Chợ có hơn 2.700 lô hàng, hơn 3.000 tiểu thương kinh doanh buôn bán hơn 60 ngành hàng. Tuy nhiên, từng có thời điểm chợ mang “tiếng xấu” vì tình trạng chèo kéo, nói thách, ứng xử thiếu thân thiện khiến du khách e dè.
Năm 2021, bà Hoàng Thị Như Thanh – khi đó là Trưởng Ban quản lý chợ – đã khởi xướng cuộc “cách mạng thái độ” với khẩu hiệu “3 không, 2 có” (không chèo kéo, không nói thách, không mì xưa; có uy tín, có chất lượng) và “Nụ cười Đông Ba”. Nhờ đó, tiểu thương thay đổi hành vi, niêm yết giá rõ ràng, cấm hàng rong, thưởng nóng cho ai phát hiện tình trạng “chặt chém”.

Tương tự vậy, để đáp ứng xu thế hiện đại, chợ Hàn cải tạo nhiều khu vực, sơn sửa quanh mặt tiền chợ, đặc biệt là hình thành khu ẩm thực từ phía đường Bạch Đằng đi vào chợ. Trong khi đó, chợ Cồn đã được chỉnh trang khu vực hàng rong tạo điểm nhấn đặc sắc; chỉnh trang, sắp xếp quầy kệ, ki-ốt; khu ẩm thực hàng ăn tại đình 15A bảo đảm các quy định về văn minh thương mại, an toàn thực phẩm.
Ông Diệp Hoàng Thông Anh, Phó Giám đốc Công ty Quản lý và phát triển các chợ Đà Nẵng cho biết, việc xây dựng chợ điểm phục vụ du lịch không chỉ là việc nâng cấp, cải tạo, sắp xếp ngành hàng mà còn phải chuyển đổi về năng lực và tư duy kinh doanh cho viên chức, người lao động làm công tác quản lý chợ, các hộ kinh doanh ở chợ theo hướng văn minh, hiện đại, ứng dụng chuyển đổi số để tạo ra hình ảnh đẹp trong mắt du khách.
“Chúng tôi chú trọng xây dựng và phát triển sản phẩm, thương hiệu chợ điểm phục vụ du lịch thông qua việc xây dựng bộ nhận diện phân biệt giữa chợ du lịch và các chợ truyền thống khác. Các chợ cũng duy trì và phát triển các điểm bán, quầy trưng bày sản phẩm OCOP, sản phẩm đặc trưng, sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu, làng nghề… của Đà Nẵng”, ông Diệp Hoàng Thông Anh thông tin.

TP Đà Nẵng phê duyệt đề án Nghiên cứu đề xuất hình thành một số chợ điểm phục vụ du lịch trên địa bàn với mục tiêu hình thành hệ thống chợ du lịch hiện đại, mang bản sắc đô thị, tạo ra sản phẩm du lịch độc đáo của địa phương. Theo đó, đến năm 2030, Đà Nẵng sẽ hình thành 11 chợ điểm phục vụ du lịch tập trung chủ yếu ở khu vực ven sông Hàn và bờ đông (ven biển Sơn Trà - Ngũ Hành Sơn); hướng bán đảo Sơn Trà, đèo Hải Vân và phía tây thành phố; vịnh Đà Nẵng và các khu vực biển Thọ Quang, Mỹ Khê, Non Nước.