Ý kiến này được một số người đồng tình vì đáp ứng thời gian đào tạo ngành kỹ thuật, công nghệ cho học sinh. Tuy nhiên, theo chúng tôi, không nên đưa mô hình sau lớp 9 cộng thêm 5 năm nữa thành CĐ (gọi là mô hình 9+5) vào cơ cấu hệ thống giáo dục. Bởi những lý do sau:
Một là, cơ cấu hệ thống giáo dục hiện nay giống với hầu hết cơ cấu giáo dục của các quốc gia trên thế giới và phù hợp với phân loại tiêu chuẩn giáo dục của UNESCO - ISCED 2011. Việc chen vào cơ cấu hệ thống giáo dục hệ 9+5 sẽ làm mất đi tính tiêu chuẩn của một hệ thống (ngay ở Nhật Bản cũng không đưa vào cơ cấu hệ thống giáo dục mà chỉ coi là một chương trình đào tạo kỹ thuật công nghệ) và phá vỡ Khung trình độ quốc gia.
Hai là, việc đưa mô hình 9+5 vào Luật Giáo dục là thừa, bởi vì Luật Giáo dục, Luật GDNN và Luật Giáo dục đại học (GDĐH) đều đã đề cập đến liên thông trong hệ thống. Khi học xong ở trình độ nào (đạt được chuẩn đầu ra và số tín chỉ tương đương) thì hoàn toàn được liên thông lên trình độ tiếp theo.
Ba là, những học sinh học nghề nói chung thường nghèo, khả năng học tập hạn chế, động lực học không cao nên rất dễ bỏ học. Vì thế, việc thiết kế và tổ chức thực hiện chương trình hấp dẫn là quan trọng. Những em không có điều kiện, chỉ cần học kỹ năng trong thời gian ngắn để đi làm kiếm sống thì cấp chứng chỉ. Những em có điều kiện kinh tế hơn, muốn học dài hơn thì học. Thời gian 5 năm sau bậc THCS rất dài, tâm sinh lý, nhu cầu thay đổi, nên sau 18 tuổi rất có thể bỏ học. Kinh nghiệm ở nước Bỉ về việc thiết kế ở bậc trung học một số đơn vị năng lực với sự tham gia của doanh nghiệp, nếu học sinh bỏ học sớm thì chỉ cần có được 2 chứng chỉ là có thể tham gia thị trường lao động, cũng đáng để chúng ta học tập.
Bốn là, mô hình 9+5 để phân luồng cũng chưa thuyết phục mà mới chỉ là giả thiết, vì phân luồng là bài toán mang tính hệ thống, không chỉ chịu chi phối bởi hệ thống giáo dục đào tạo chia cắt mà còn chịu ảnh hưởng của điều kiện, môi trường kinh tế, văn hóa cùng các cơ chế của Nhà nước. Việc phân luồng mà thiếu sự tham gia của Bộ GD-ĐT và các bộ, chính quyền địa phương liên quan thì dòng chảy vào GDNN vẫn chịu ảnh hưởng tiêu cực nhiều của 2 dòng chảy giáo dục THPT và GDĐH. Quan niệm phân luồng cần thay đổi phù hợp với nền kinh tế và bản chất của học nghề là vì mục tiêu việc làm và thu nhập. Ở đây, Nhà nước cần chú ý cơ chế khuyến khích, đẩy mạnh tư nhân hóa GDNN để các doanh nghiệp tham gia đào tạo kỹ năng cho người lao động.
Năm là, kinh nghiệm thế giới các nước trong giai đoạn công nghiệp hóa và ngay cả các nước đã công nghiệp hóa như Hàn Quốc hay Hoa Kỳ thì vai trò nhân lực có trình độ trung học (9+3) rất lớn, chiếm 45% - 50%, trong khi ở ta thì trình độ này ít được quan tâm và do thiết kế chương trình, thực hiện không tốt nên tỷ lệ bỏ học khá cao. Nếu cần chấn chỉnh thì rất cần tái phục hồi lại trường trung học nghề và trung học kỹ thuật dạy cả văn hóa và dạy cả kỹ năng (như Hàn Quốc hay Đài Loan), phân luồng ngay trên địa bàn cấp quận, huyện gắn với công, nông nghiệp địa phương…
Sáu là, việc đề nghị mô hình 9+5 lại rất dễ rơi vào “khuyết tật” của Luật GDNN khi mang văn bằng ra “nhử” người học, sau THCS 1, 2 năm cũng cấp bằng trung cấp như văn bằng trung cấp 9+3 là cách làm không đi từ thị trường lao động và mang tính áp đặt, khiến cho không thể thiết kế chương trình và rất khó được công nhận loại văn bằng này ở khu vực cũng như trên thế giới.
Trước mắt nên quy hoạch phát triển GDNN, thiết kế chương trình GDNN đa dạng, linh hoạt và có một hệ thống đánh giá kỹ năng, đảm bảo chất lượng công nhận năng lực nghề nghiệp ở mỗi chương trình. Ai có điều kiện kinh tế và năng lực học tập sẽ được công nhận và tiếp tục học đến các chương trình CĐ hay ĐH. Việc liên thông hiện nay đang có một số bất cập cần kiến nghị Thủ tướng để sửa đổi, tìm ra nguyên nhân căn cốt việc liên thông, phân luồng đang bị nghẽn, chứ không nên làm phức tạp hệ thống giáo dục khi đưa thêm mô hình vào Luật Giáo dục. Việc hợp tác phối hợp giữa Bộ GD-ĐT và Bộ LĐTB-XH cho thấy là điều kiện rất cần thiết để thực hiện công tác phân luồng.