Ngày 27-3, Anphabe tổ chức hội nghị công bố Nơi làm việc tốt nhất Việt Nam, chủ đề “Together towards tomorrow – Đồng hành vững bước tương lai” với sự tham gia của 650 CEO và giám đốc nhân sự đến từ các doanh nghiệp trong cả nước.
Khảo sát được bảo trợ bởi Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và đây là năm thứ 6 thực hiện công bố những nơi làm việc hấp dẫn người lao động.
Kết quả, Vinamilk hai lần liên tiếp được bình chọn là nơi làm việc tốt nhất năm 2018. Ở từng ngành nghề, người lao động cũng chọn được nhiều doanh nghiệp có nơi làm việc tốt nhất. Trong ngành nông – lâm – ngư nghiệp là Cargill Việt Nam; ngành dịch vụ tài chính là KPMG Việt Nam; bất động sản, ẩm thực nghỉ dưỡng và bán sỉ - bán lẻ - thương mại là Tập đoàn Vingroup; trong ngành dược, Abbott Laboratories dẫn đầu; ngành ô tô phụ tùng, nơi làm việc hấp dẫn nhất là Công ty TNHH Mercedes-Benz Việt Nam; ở ngành thương mại điện tử, TIKI là nơi làm việc hấp dẫn nhất…
Trong hội nghị, cập nhật về xu hướng nhân sự và sự gặp gỡ, gắn kết giữa người lao động với doanh nghiệp, bà Thanh Nguyễn, Giám đốc điều hành và truyền cảm hứng hạnh phúc Anphabe chia sẻ, xu hướng thất thoát nhân tài ngày càng nghiêm trọng. Không phải nhân viên đi làm rồi nghỉ việc mới là mất mát, khảo sát "Nơi làm việc tốt nhất Việt Nam" nhấn mạnh tình trạng thất thoát nhân tài đã diễn ra liên tục ngay từ trước khi họ gia nhập doanh nghiệp. Trung bình một doanh nghiệp có thể mất tới 99% nhân tài mục tiêu, bởi trong 100 người lao động thì có đến 99 người lần lượt “thất thoát” qua 5 vòng.
Phân tích cụ thể, bà Thanh Nguyên cho hay, trung bình trong 100 người thì có tới 34 người không biết hay chưa từng nghe về doanh nghiệp (thất thoát nhận biết); 53 người biết nhưng không quan tâm làm việc tại doanh nghiệp (thất thoát quan tâm); 6 người quan tâm nhưng không nộp đơn ứng tuyển (thất thoát ứng tuyển); 2 người nộp đơn nhưng không xác định doanh nghiệp là nơi làm việc lý tưởng (thất thoát khát khao) và 3 người dù được doanh nghiệp chọn nhưng lại không chọn doanh nghiệp mà chọn doanh nghiệp khác cùng đợt tuyển dụng (thất thoát ưu tiên chọn). Sự thất thoát này thực sự đáng báo động, khiến doanh nghiệp khó tuyển được người lao động phù hợp.
Không những thế, sự thất thoát vẫn tiếp diễn sau khi người lao động gia nhập công ty với mức nguy hiểm, lên tới 51% nguồn nhân lực theo 3 hình thức. Trong đó, 17% nhân viên không nỗ lực và sẽ ra đi; 5% nhân viên dù nỗ lực nhưng vẫn ra đi vì nhiều lý do và đây thực sự là thất thoát đáng tiếc cho doanh nghiệp; 29% nhân viên “Zombie” dù ít nỗ lực, làm việc không hiệu quả nhưng lại không ra đi – và đó cũng là sự thất thoát, thách thức về hiệu suất công việc và văn hóa làm việc.