Tuy nhiên, Bộ Công thương cũng khuyến cáo, các doanh nghiệp muốn tăng trưởng, mở rộng thị phần xuất khẩu tại EU cần tuân thủ nghiêm ngặt các quy định của EU đưa ra. Cụ thể, phải đảm bảo quy tắc xuất xứ khi xuất khẩu vào EU. Các quy định về truy xuất nguồn gốc cũng được nêu rõ là ngày càng chặt chẽ và khắt khe hơn. Trường hợp để xảy ra hàng Việt bị “mượn danh” xuất sang EU sẽ gây ra nhiều hệ lụy, khiến hàng hóa Việt xuất vào EU có thể bị áp thuế chống bán phá giá cao. Do đó, các doanh nghiệp cần chú trọng vào các vấn đề đảm bảo quy tắc xuất xứ khi xuất khẩu vào EU.
Một vấn đề khác, thị trường EU rất chú trọng vấn đề an toàn, vệ sinh thực phẩm. Doanh nghiệp xuất khẩu cần tham khảo và điều chỉnh hoạt động sản xuất sao cho đáp ứng các tiêu chuẩn, quy trình quản lý do EU quy định. Ngoài ra, quy định về trách nhiệm xã hội, minh bạch hóa thông tin về lao động, môi trường sản xuất cũng được EU xem xét như yếu tố bắt buộc để được xuất hàng vào thị trường. Riêng đối với hàng thủy sản, ngoài những lưu ý trên cần hết sức tuân thủ các quy tắc IUU về chống đánh bắt cá bất hợp pháp, không khai báo và không đăng ký.
Đồng thuận về vấn đề này, ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam, cho rằng để chuẩn bị cho các điều kiện rào cản kỹ thuật trên, từ đầu năm 2018, hiệp hội đã hỗ trợ các doanh nghiệp tiếp cận quỹ tài chính để cải thiện hệ thống sản xuất theo hướng thân thiện với môi trường, giảm thiểu phát thải chất gây ô nhiễm môi trường, sử dụng năng lượng sạch thay cho nhiên liệu hóa thạch… Tuy nhiên, vấn đề chung mà doanh nghiệp trong nước đang gặp khó là chủ động nguồn nguyên liệu sản xuất. Trên thực tế, hiện có đến hơn 60% nguồn nguyên liệu sản xuất của các ngành dệt may, da giày, nhựa, thực phẩm… đều phải nhập khẩu. Về lâu dài, nếu không khắc phục sẽ khó để doanh nghiệp tận dụng được lợi thế thuế suất khi xuất khẩu hàng hóa vào các thị trường mà Việt Nam đã ký kết hiệp định thương mại tự do.