Tối 22-10, tại TPHCM, Anphabe tổ chức hội nghị Nơi làm việc tốt nhất Việt Nam với chủ đề Vượt chướng ngại – Mở lối riêng (New Race – New Way).
Hơn 650 CEO và giám đốc nhân sự đến từ các doanh nghiệp trong cả nước tham dự lễ trao giải và cùng bàn thảo trong nhiều phiên nội dung về các vấn đề quản lý nguồn nhân lực, tái cấu trúc tổ chức hậu Covid-19, những xu hướng làm việc trong tương lai.
Nhiều doanh nghiệp Việt Nam là nơi làm việc hấp dẫn
Khảo sát được bảo trợ bởi Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và đây là năm thứ 7 thực hiện công bố những nơi làm việc hấp dẫn người lao động. Năm nay, khảo sát đo lường sức hấp dẫn thương hiệu nhà tuyển dụng của 559 doanh nghiệp thuộc 20 ngành nghề với sự “chấm điểm” của gần 71.500 người đi làm có kinh nghiệm.
Kết quả, Vinamilk tiếp tục được bình chọn là Nơi làm việc tốt nhất Việt Nam năm 2020.
Xét theo ngành nghề, dẫn đầu ngành bảo hiểm là Manulife Việt Nam (3 năm liên tiếp); ngành nông – lâm – ngư nghiệp dẫn đầu là Công ty Cổ phần Greenfeed Việt Nam; ngành dịch vụ tài chính là VinaCapital.
Bảng xếp hạng năm nay tiếp tục có tên của các doanh nghiệp lớn thuộc các ngành nghề, nhiều doanh nghiệp đã có sự thăng hạng và nhiều tên tuổi mới lọt TOP 100 nơi làm việc tốt nhất Việt Nam.
Trong TOP 50, nhiều doanh nghiệp Việt Nam hiện diện như: Tổ hợp DatVietVAC, NutiFood, Yeah1 Group, chứng khoán Bảo Việt… Điều đó cho thấy, nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã chú trọng cải thiện môi trường làm việc, xây dựng văn hóa doanh nghiệp, quản trị nhân sự, chi trả lương thưởng, phúc lợi cho người lao động có tính cạnh tranh với các doanh nghiệp hàng đầu trong cả nước.
Đặc biệt, lần đầu tiên 10 doanh nghiệp có nguồn nhân lực hạnh phúc được vinh danh. Đây là những nơi người lao động cảm nhận được hạnh phúc khi đến làm việc.
Doanh nghiệp với "khủng hoảng kép" về kinh doanh và gắn kết nhân viên
Về thị trường lao động hậu Covid-19, bà Thanh Nguyễn, Giám đốc điều hành và truyền cảm hứng hạnh phúc của Anphabe, cho hay, khi dịch Covid-19 ập đến, khoảng 40% doanh nghiệp Việt Nam thừa nhận chi phí trả công lao động là gánh nặng lớn nhất tại thời điểm này.
Trong 6 tháng kể từ khi Covid-19 bắt đầu, có tới 51% nguồn nhân lực bị ảnh hưởng bởi các hình thức cắt giảm mạnh tay. Cụ thể, 37% người lao động bị giảm lương, 32% nhân sự bị mất việc, 11% nhân viên tại các công ty bị chuyển từ vị trí toàn thời gian sang lao động tự do, thời vụ…
Theo số liệu từ Tổng cục Thống kê, tính đến quý 2-2020, Việt Nam có gần 1,3 triệu lao động thất nghiệp, cao nhất trong 10 năm qua.
Bức tranh cắt giảm lao động trong 6 tháng đầu năm 2020 chưa từng có tiền lệ, diễn ra không chỉ ở những ngành bị ảnh hưởng bởi Covid-19 như du lịch, hàng không, ẩm thực nghỉ dưỡng... mà kể cả các ngành có cơ hội phát triển như bảo hiểm, nông nghiệp, hay công nghệ thông tin.
Trong những tháng cuối năm 2020, xu hướng “tinh giản nhân lực theo lộ trình” vẫn diễn ra một cách chủ động để giảm thiểu chi phí trước những biến động khó lường sắp tới.
Song song với việc cắt giảm nhân sự, bà Thanh Nguyễn cho hay, nhiều doanh nghiệp nhanh chóng chủ động thay đổi để thích ứng. 6 xu hướng chuyển đổi đang và sẽ diễn ra mạnh mẽ: làm việc từ xa, thay đổi yêu cầu về công việc và năng lực, tái cấu trúc theo hướng phẳng và gọn, đẩy nhanh chuyển đổi số, học tập trực tuyến, đẩy mạnh phát triển thị trường mới.
Trong vòng xoáy của những thay đổi, bà Thanh Nguyễn chia sẻ, hơn 81% người đi làm ghi nhận tổ chức có nhiều đổi thay đang diễn ra để ứng phó với VUCA (môi trường kinh doanh bất định). Tuy nhiên, 55% người đi làm không đánh giá cao những nỗ lực dẫn dắt thay đổi này. “Chính vì thế, hiện nay các doanh nghiệp Việt Nam đang phải đối mặt với khủng hoảng kép – khủng hoảng kinh doanh và khủng hoảng gắn kết nhân viên”, Giám đốc điều hành và truyền cảm hứng hạnh phúc của Anphabe đánh giá.
Phân tích sâu hơn, bà Thanh Nguyễn cho hay, các công ty chỉ tập trung cắt giảm mà không thay đổi, khiến tâm lý nhân viên xáo động, mức gắn kết nhân viên rất thấp (33%). Nhóm công ty có cắt giảm và đồng thời có thay đổi thì mức gắn kết cao hơn, nhưng chỉ đạt 47%. Chỉ có nhóm không cắt giảm nhân sự mà chuyên tập trung vào thay đổi thì mức gắn kết cao hơn hẳn hai nhóm còn lại (63%). Tuy vậy, chỉ có khoảng 44% công ty thuộc nhóm “may mắn” này và dàn trải nhiều lĩnh vực.
Chuyển đổi thế nào khi doanh thu “bổ nhào”?
“Doanh nghiệp cần hành động thế nào để lành lặn vượt qua cơn bão này và sẵn sàng hơn cho tương lai?” Trả lời câu hỏi này, các doanh nghiệp cho rằng, trước hết cần linh hoạt ứng biến nhanh. Trong đó, có 5 chuyển đổi tiên phong để trở nên linh hoạt, ứng biến nhanh (Agile).
Cụ thể, chuyển đổi từ “bộ máy cấp bậc cứng nhắc” sang “hệ sinh thái sống động”. Trong giai đoạn khủng hoảng, cấu trúc kim tự tháp đã không còn phù hợp vì làm chậm và giảm chất lượng quyết định, thiếu gắn kết, kìm hãm sự sáng tạo, chủ động và năng suất. Khi chuyển sang cấu trúc nhóm trao quyền linh hoạt, các công ty này có thể hoạt động theo nhiều nhóm.
Đồng thời, chuyển dịch cơ cấu từ “định phí cao” sang “biến phí linh hoạt”. Khi doanh thu “bổ nhào” do ảnh hưởng của Covid-19 và phải gồng gánh hàng loạt chi phí cố định, nhất là chi phí nhân lực vẫn còn nguyên đó, các doanh nghiệp tiên phong đã tìm nhiều cách để chi phí có thể linh hoạt “lên xuống” sát theo doanh thu. Đầu tiên là thay đổi cấu trúc lương, đặc biệt là các vị trí hỗ trợ cho bộ phận bán hàng để chuyển một phần lương cứng thành lương kinh doanh kết hợp đào tạo để nhóm này góp phần trực tiếp tạo ra doanh thu. Hoặc, sử dụng nhân lực chia sẻ dạng làm việc tự do theo dự án, thay vì đầu tư vào nhân viên toàn thời gian.
Cùng với đó, chuyển đổi từ hoạt động “dự báo" sang năng lực “dự cảm, đón đầu”; chuyển đổi số - từ “trải nghiệm khách hàng” tới “trải nghiệm nhân viên”; chuyển đổi văn hóa – từ “nói” đến “thực hành” tư duy Agile.
Cùng ngày, Anphabe và VCCI phối hợp với ba hiệp hội doanh nghiệp nước ngoài lớn nhất tại Việt Nam là Amcham, Eurocham và Auscham chính thức khởi động chương trình Chứng nhận Vietnam Excellence. Kết quả sẽ được công bố vào năm 2021. Chứng nhận có 2 hạng mục lớn: HR EXCELLENCE - Giải thưởng Nhân sự xuất sắc năm 2021, ghi nhận chiến lược và hành động xuất sắc trong quản trị nhân sự; và CEO EXCELLENCE - Giải thưởng CEO xuất sắc năm 2021, ghi nhận thành tích xuất sắc trong dẫn dắt nguồn nhân lực để phát triển con người và tạo đột phá. “Mục tiêu là tìm kiếm và vinh danh các lãnh đạo và tổ chức đã có thành tựu xuất sắc trong việc chuyển hóa kinh doanh, thông qua phát triển con người và môi trường làm việc. Những lựa chọn ưu tú đạt giải sẽ trở thành tấm gương truyền cảm hứng thay đổi cho cộng đồng doanh nghiệp”, Tiến sĩ Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI, đánh giá. |