Ngày 24-6, 57 triệu cử tri trong tổng số 81 triệu người dân Thổ Nhĩ Kỳ bắt đầu đi bỏ phiếu bầu tổng thống và 600 nghị sĩ quốc hội nước này trong cuộc bầu cử sớm được đánh giá là quan trọng nhất trong hàng chục năm qua vì không chỉ ảnh hưởng tới nội bộ đất nước mà còn liên quan đến vấn đề Iraq và cuộc chiến ở Syria.
Nhiều ứng viên đối lập
Tháng 4 vừa qua, Tổng thống Recep Tayyip Erdogan đã kêu gọi tổng tuyển cử sớm, thay vì diễn ra vào cuối năm 2019. Theo lý giải của ông Erdogan, việc có thêm các quyền lực mới sẽ giúp ông dễ dàng giải quyết những thách thức kinh tế mà đất nước đang đối mặt trong đó có việc đồng nội tệ lira mất giá chóng mặt so với đồng USD, cũng như thỏa thuận với lực lượng nổi dậy người Kurd ở phía Đông Nam Thổ Nhĩ Kỳ cũng như tại các nước láng giềng Iraq và Syria.
Đây là cuộc bầu cử mang tính bước ngoặt, nhằm cụ thể hóa những thay đổi căn bản trong Hiến pháp Thổ Nhĩ Kỳ, được thông qua trong cuộc trưng cầu dân ý năm 2017, theo đó chuyển từ chế độ chính trị nghị viện sang chế độ tổng thống. Cuộc bầu cử này sẽ vẽ lại diện mạo mới trên bàn cờ chính trị Thổ Nhĩ Kỳ.
Cũng theo hiến pháp sửa đổi, tân Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ sẽ có quyền hạn rất lớn, ít chịu sự kiểm soát và giữ quyền phế truất thủ tướng, bổ nhiệm các phó tổng thống và các bộ trưởng, bổ nhiệm các thành viên của tòa án hiến pháp, hội đồng thẩm phán và công tố viên. Vì điều này, cuộc trưng cầu dân ý về sửa đổi hiến pháp từng gặp rất nhiều sóng gió, bị phe đối lập tại Thổ Nhĩ Kỳ cũng như nhiều quốc gia, tổ chức quốc tế lên tiếng chỉ trích gay gắt, thậm chí cáo buộc gian lận...
Trong cuộc bầu cử tổng thống, ông Erdogan sẽ phải cạnh tranh với 5 ứng cử viên, bao gồm Muharrem Ince, đại diện cho đảng Nhân dân cộng hòa (CHP); Meral Aksener - cựu Bộ trưởng Nội vụ, đại diện đảng Tốt đẹp (Iyi); Selahattin Demirtas của đảng Dân chủ nhân dân (HDP) ủng hộ người Kurd; Temel Karamollaoglu, đại diện đảng Saadet (SP) theo đường lối Hồi giáo - dân chủ và ứng cử viên đảng Yêu nước (VP), theo đường lối dân tộc chủ nghĩa Dogu Perincek.
Bên tám lạng, người nửa cân
Cuộc bầu cử quốc hội sẽ lựa chọn 600 nghị sĩ, tăng 50 nghị sĩ so với trước thời điểm sửa đổi hiến pháp. Đây là cuộc cạnh tranh giữa liên minh đảng AKP - đảng Phong trào dân tộc (MHP) và liên minh CHP- Iyi - SP. Kết quả thăm dò trước bầu cử cho thấy cả hai liên minh đều đang ở thế tương đối cân bằng, có khả năng giành được từ 40% - 45% phiếu bầu.
Những dấu hiệu suy thoái và bất ổn kinh tế đang tác động tới tâm lý cử tri Thổ Nhĩ Kỳ, khi lạm phát ở mức gần 11% vào tháng 4-2018, đồng nội tệ lira mất giá hơn 30% so với đồng USD, thâm hụt tài khoản vãng lai lên tới 53,3 tỷ USD trong 12 tháng qua... Tuy nhiên, các chiến dịch quân sự với danh nghĩa xóa bỏ mối đe dọa ở biên giới, điều động quân đội tiến vào khu vực Afrin ở phía Bắc Syria và giành thắng lợi quân sự đã làm phấn chấn tinh thần của người dân. Tâm lý dân tộc chủ nghĩa ở Thổ Nhĩ Kỳ xuất hiện làn sóng mới dâng cao, tỷ lệ ủng hộ ông Erdogan và đảng Công lý và Phát triển (AKP) cũng gia tăng trở lại.
Các cuộc thăm dò dư luận cho thấy nhiều khả năng Tổng thống Erdogan sẽ không hội đủ số phiếu cần thiết trong vòng 1, song có thể giành chiến thắng trong vòng 2 dự kiến diễn ra vào ngày 8-7 tới.
Lực lượng đối lập tại Thổ Nhĩ Kỳ đang làm hết sức những gì có thể với hy vọng sẽ ngăn cản được ông Erdogan tái đắc cử tổng thống cũng như AKP chiếm đa số tại quốc hội. Đây rõ ràng không phải là một mục tiêu có thể mang lại cho Thổ Nhĩ Kỳ sự ổn định và phát triển trong trường hợp phe đối lập giành chiến thắng. Do đó, hai cuộc bầu cử tổng thống và nghị viện đang đặt Thổ Nhĩ Kỳ trước những thách thức không nhỏ.
Nếu ông Erdogan và đảng AKP chiến thắng và chiếm đa số tại quốc hội, đời sống chính trị Thổ Nhĩ Kỳ sẽ tiếp tục diễn biến theo chiều hướng như hiện nay, theo đường lối dân tộc chủ nghĩa cực đoan.
Ngược lại, nếu phe đối lập giành chiến thắng, hy vọng về việc khôi phục nền dân chủ nghị viện là có thể, song cũng sẽ mở ra một thời kỳ bất ổn chính trị ở Thổ Nhĩ Kỳ do sự khác biệt sâu sắc giữa các đảng phái trong chính phe đối lập.