Báo cáo tổng hợp ý kiến thảo luận tại tổ về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TPHCM vừa được Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường gửi đến các vị đại biểu Quốc hội.
Đã đánh giá khá toàn diện về tất cả các nội dung đề xuất
Theo Tổng Thư ký, không khí thảo luận tại 19 tổ đại biểu sôi nổi, thẳng thắn, trí tuệ, trách nhiệm. Đã có 128 ý kiến thảo luận. Hầu hết (115 ý kiến) đều tán thành với tờ trình của Chính phủ và báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tài chính-Ngân sách (TC-NS) của Quốc hội, cho rằng các báo cáo được chuẩn bị công phu, đánh giá khá toàn diện về tất cả các nội dung đề xuất trình Quốc hội cho thực hiện thí điểm để phát triển TPHCM.
Hầu hết các ý kiến đều nhất trí về sự cần thiết ban hành và thông qua Nghị quyết thay thế Nghị quyết số 54/2017/QH14 (Nghị quyết 54) thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TPHCM tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV và cho rằng, việc ban hành Nghị quyết nhằm thể chế hóa Nghị quyết số 31-NQ/TW ngày 30-12-2022 của Bộ Chính trị (Nghị quyết 31) và chủ động đối với việc thực hiện Nghị quyết số 76/2022/QH15 của Quốc hội nhằm tăng cường nguồn lực tài chính, cơ chế tự chủ và tạo cơ sở pháp lý để phát huy tiềm năng, lợi thế, tạo đột phá về phát triển kinh tế - xã hội xây dựng TPHCM trở thành thành phố văn minh, hiện đại, với vai trò đô thị đặc biệt, đi đầu trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đóng góp ngày càng lớn với khu vực và cả nước.
Một số ý kiến đề nghị cần nghiên cứu, để xây dựng Luật Đô thị đặc biệt hoặc Luật về phát triển TPHCM với các chính sách đặc thù, xứng đáng với vị thế, vai trò, ý nghĩa của thành phố mang tên Bác.
Chỉ có duy nhất 1 ý kiến đề nghị không ban hành Nghị quyết và cho phép TPHCM tiếp tục thực hiện các chính sách quy định tại Nghị quyết 54.
“Đa số ý kiến cho rằng, hồ sơ dự thảo Nghị quyết cơ bản đã bảo đảm đủ điều kiện trình Quốc hội xem xét, thông qua tại kỳ họp thứ 5 theo trình tự quyết định tại một kỳ họp. Có ý kiến đề nghị đánh giá tác động đầy đủ, chi tiết hơn, nhất là đối với các chính sách liên quan đến quốc phòng, an ninh, đến nguồn lực ngân sách và các quy định mới so với các chính sách mà Quốc hội đã quyết định cho các địa phương”, Tổng Thư ký nêu rõ.
Về quan điểm, nguyên tắc ban hành Nghị quyết, nhiều ý kiến nhất trí về quan điểm, nguyên tắc ban hành Nghị quyết như trong báo cáo thẩm tra của Ủy ban TC-NS. Có ý kiến đề nghị bổ sung quy định về tăng cường giám sát, thanh tra, kiểm tra việc thực hiện; tăng tính đồng thuận của nhân dân, hạn chế tối đa việc khiếu nại, khiếu kiện của người dân.
Cầu Thủ Thiêm, TPHCM |
Nghiên cứu thêm để có chính sách thu đặc thù, hợp lý, khả thi
Bàn về nội dung cụ thể của dự thảo Nghị quyết, đại đa số (98 ý kiến) cho rằng nội dung các quy định trong dự thảo phù hợp với các nghị quyết của Bộ Chính trị và Quốc hội, các chính sách khá toàn diện trên nhiều lĩnh vực, bảo đảm tính kế thừa Nghị quyết 54, đồng thời tích hợp một số chính sách mới tương đồng với các chính sách đặc thù của các tỉnh, thành phố đã được Quốc hội cho phép áp dụng.
Nhiều ý kiến cho rằng, Dự thảo Nghị quyết tập trung nhiều vào chính sách chi ngân sách, trong khi các chính sách thu ngân sách (thuế, phí…), chính sách khai thác nguồn lực vẫn còn hạn hẹp, trong điều kiện Thành phố lại có đặc thù, tiềm năng, lợi thế rất lớn trong việc khai thác nguồn thu. Vì vậy, về lâu dài, đề nghị nghiên cứu thêm để có chính sách thu đặc thù, hợp lý, khả thi, bảo đảm góp phần cân đối nguồn lực cho những chính sách chi (32 ý kiến).
Nhiều ý kiến cho rằng, số lượng chính sách tại dự thảo Nghị quyết tương đối rộng, tuy nhiên, chưa rõ đã đủ tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về thể chế, chính sách pháp luật để TPHCM phát huy tối đa khả năng, tiềm lực hay chưa và đề nghị cần quy định có trọng tâm, trọng điểm, tránh dàn trải, chỉ quy định những nội dung đã rõ về căn cứ thực tiễn, rõ về nội hàm, đúng thẩm quyền để có bước đột phá thực sự, thể hiện đúng tinh thần chỉ đạo của Bộ Chính trị.
Một số ý kiến cho rằng cần rà soát lại các chính sách có tác động trực tiếp đến ngân sách trung ương để đảm bảo sự phù hợp với bối cảnh hiện nay, tránh tạo khoảng cách, chênh lệch quá lớn về thu nhập, chế độ, tiêu chuẩn giữa người lao động của Thành phố với các địa phương khác...
Đáng lưu ý, nhiều ý kiến nhất trí cho phép TPHCM được sử dụng nguồn tăng thu ngân sách địa phương để bổ sung nguồn lực chi đầu tư bố trí cho các dự án đầu tư công mới; nhiều ý kiến nhất trí với quy định bố trí vốn đầu tư công để hỗ trợ giảm nghèo, giải quyết việc làm cho người dân trong TP.
Về thí điểm mô hình phát triển đô thị theo định hướng phát triển giao thông, có tới 71 ý kiến nhất trí với chủ trương thí điểm mô hình phát triển đô thị theo định hướng phát triển giao thông, vì phù hợp với Nghị quyết số 31-NQ/TW ngày 30-12-2022, Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 16-6-2022 của Bộ Chính trị.
Đa số ý kiến nhất trí với với quy định như dự thảo nhằm tháo gỡ khó khăn cho TP trong việc tạo các khu đất sạch để triển khai các dự án phát triển đô thị theo quy hoạch được cấp có thẩm quyền phê duyệt, tạo sự đồng bộ trong phát triển đô thị và giao thông.
Nhất trí đặt hệ thống điện mặt trời trên mái nhà các trụ sở là tài sản công
Về các dự án đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP), đa số ý kiến nhất trí cho phép Thành phố được áp dụng đầu tư theo phương thức đối tác công tư đối với các dự án đầu tư trong lĩnh vực thể thao, văn hóa và giao cho HĐND TPHCM quy định quy mô tổng mức đầu tư tối thiểu. Nhiều ý kiến đề nghị áp dụng PPP đối với cả lĩnh vực giáo dục, y tế, khoa học, công nghệ.
Cũng có nhiều ý kiến cho rằng, mặt bằng giá đất tại TP cao hơn nhiều so với nhiều địa phương khác trên cả nước nên nhiều dự án PPP có chi phí giải phóng mặt bằng chiếm trên 50% tổng mức đầu tư của dự án, vì vậy, đồng ý cho phép HĐND TPHCM được quyết định tăng tỷ lệ vốn nhà nước tham gia dự án PPP không lớn hơn 70% tổng mức đầu tư của dự án trong trường hợp chi phí bồi thường giải phóng mặt bằng chiếm tỷ trọng lớn hơn 50% trong tổng mức đầu tư của dự án và phương án tài chính sơ bộ của dự án PPP không đảm bảo khả năng hoàn vốn.
Nhiều ý kiến đồng ý cho phép TPHCM thực hiện dự án BT và được thanh toán bằng ngân sách nhằm đa dạng hóa hình thức đầu tư và tạo cơ sở pháp lý, huy động tối đa nguồn lực xã hội.
Về công ty đầu tư tài chính nhà nước TPHCM (HFIC), đa số ý kiến nhất trí với chủ trương cần có quy định để phát triển HFIC thành công ty tài chính lớn mạnh của TP; đồng ý bố trí nguồn thu từ cổ phần hóa các doanh nghiệp 100% vốn nhà nước thuộc TP và được phép giữ lại lợi nhuận còn lại để tăng vốn điều lệ cho HFIC; đồng thời, bố trí vốn đầu tư công từ ngân sách TP để hỗ trợ lãi suất đối với các dự án đầu tư được HFIC cho vay thuộc lĩnh vực ưu tiên phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn TP.
Về sử dụng mái nhà các trụ sở là tài sản công để đặt hệ thống điện mặt trời, nhiều ý kiến nhất trí với chủ trương đặt hệ thống điện mặt trời trên mái nhà các trụ sở là tài sản công nhằm tiết kiệm điện năng, góp phần phát triển xanh, phát huy lợi thế của TP.
HĐND Thành phố quyết định chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa dưới 500ha
Nhiều ý kiến nhất trí cho phép HĐND TPHCM quyết định chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa dưới 500ha theo trình tự do HĐND TPHCM quy định. Tuy nhiên, cũng có một số ý kiến đề nghị cân nhắc, vì TPHCM có vị trí đặc biệt quan trọng đối với cả vùng Đông Nam bộ và cả nước, diện tích đất trồng lúa của TP không nhiều.
Liên quan đến quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị, nhiều ý kiến nhất trí cho phép TP được Thủ tướng Chính phủ phân cấp điều chỉnh quy hoạch để phù hợp với tình hình thực tế; một số ý kiến đề nghị cho phép TP được thực hiện điều chỉnh quy hoạch theo trình tự, thủ tục do TP quy định và cho phép rút gọn các bước lập quy hoạch nhằm đẩy nhanh tiến độ lập, điều chỉnh quy hoạch.
Đối với dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội, nhiều ý kiến nhất trí với quy định tại dự thảo về các cơ chế, chính sách đối với dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội, vì cần có cơ chế dành quỹ đất bên cạnh quỹ đất xây dựng nhà ở thương mại để xây dựng cho khu vực nhà ở xã hội. Có ý kiến cho rằng, cần cập nhật các quy định để thống nhất với quy định tại Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), Luật Nhà ở (sửa đổi) và đề nghị không chỉ áp dụng việc dành quỹ đất để xây dựng nhà ở xã hội cho TPHCM mà cho cả các địa phương khác.
Về hệ số điều chỉnh giá đất, nhiều ý kiến nhất trí cho phép TP xây dựng và ban hành hệ số điều chỉnh giá đất phù hợp với tình hình thực tiễn.
Về nguyên tắc bồi thường về đất khi Nhà nước thu hồi đất, nhiều ý kiến nhất trí với quy định về nguyên tắc bồi thường về đất khi Nhà nước thu hồi đất và quy định này cũng phù hợp với quy định tại Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi).
Về thanh toán hợp đồng BT, nhiều ý kiến nhất trí cho phép TP được thực hiện việc thu hồi đất đối với các quỹ đất do nhà nước quản lý thuộc trường hợp sắp xếp lại, xử lý tài sản công đã được xác định tại Hợp đồng BT để xử lý những vấn đề tồn tại nhiều năm qua và đề nghị nghiên cứu để áp dụng chung đối với các địa phương khác trên cả nước.
Miễn thuế thu nhập doanh nghiệp 5 năm cho thu nhập từ hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo
Trong nhóm chính sách tài chính, nhiều ý kiến nhất trí với việc miễn thuế thu nhập doanh nghiệp trong thời hạn 5 năm từ thời điểm phát sinh thuế thu nhập phải nộp đối với thu nhập từ hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo cho doanh nghiệp.
Một số ý kiến đề nghị cần quy định về việc TP trình Chính phủ quy định, quyết định tiêu chí, điều kiện, lĩnh vực, mức hỗ trợ đối với tổ chức, cá nhân khởi nghiệp sáng tạo và không giao cho HĐND TPHCM quy định, quyết định.
Về tổ chức bộ máy của TP, nhiều ý kiến nhất trí với việc cho thành lập Sở An toàn thực phẩm tại TPHCM. Nhiều ý kiến nhất trí cho phép UBND Thành phố quyết định thành lập, tổ chức lại, giải thể các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc UBND Thành phố nhằm thực hiện chủ trương đẩy mạnh phân cấp cho Thành phố, phù hợp với tình hình thực tiễn.