Không đảm bảo an ninh
Phát biểu bên lề Hội nghị An ninh Munich lần thứ 61, ông Zelensky nhấn mạnh quyết định này được đưa ra để bảo vệ lợi ích quốc gia và tương lai của người dân Ukraine. Thỏa thuận nói trên được đề xuất chỉ một ngày sau khi phía Ukraine gửi bản dự thảo cho Washington; 3 ngày sau cuộc điện đàm giữa Tổng thống Donald Trump và Tổng thống Nga Vladimir Putin.

Tổng thống Zelensky giải thích, dù thỏa thuận đã được thông qua ở cấp bộ trưởng, nhưng với tư cách là người đứng đầu đất nước, ông có quyền và trách nhiệm đảm bảo chất lượng của văn bản. “Tài nguyên này thuộc về nhân dân Ukraine và phải được bảo vệ cho các thế hệ tương lai”, ông Zelensky nói. Động thái này diễn ra trong bối cảnh ông Donald Trump, người đang chỉ trích gay gắt việc Mỹ viện trợ cho Ukraine, đã cử Bộ trưởng Bộ Tài chính Scott Bessent tới Kiev để thúc đẩy việc tiếp cận nguồn đất hiếm của Ukraine. Tuy nhiên, Kiev thể hiện sự kiên quyết rằng bất kỳ thỏa thuận nào cũng phải đi kèm với các đảm bảo an ninh cụ thể và được soạn thảo chặt chẽ về mặt pháp lý.
Theo Bộ trưởng S.Bessent, thỏa thuận về khoáng sản với Washington sẽ giúp Ukraine có được “lá chắn an ninh” hậu chiến. Ukraine cũng đứng trước lo ngại đánh mất sự ủng hộ của Mỹ, khi Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Mỹ Pete Hegseth cho rằng mục tiêu Kiev giành lại toàn bộ lãnh thổ, hoặc trở thành một thành viên của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây dương (NATO) là không thực tế.
Ông Zelensky cho biết đang đề xuất quan hệ đối tác hai bên cùng có lợi để cùng khai thác tài nguyên, chứ không phải “cho không”. Ukraine đã đề xuất một dự thảo thỏa thuận mới, mở cửa cho đầu tư của Mỹ vào các khoáng sản quan trọng như đất hiếm, titanium, uranium và lithium. Dù vậy, vẫn còn nhiều chi tiết cần được thống nhất, đặc biệt là về các đảm bảo an ninh mà Ukraine yêu cầu.
Nỗ lực đàm phán
Trong diễn biến liên quan, Nhóm 7 nước công nghiệp phát triển (G7) cam kết tiếp tục nỗ lực nhằm đạt được hòa bình cho cuộc xung đột tại Ukraine, đồng thời tái khẳng định quan điểm ủng hộ một khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương “tự do, rộng mở và an toàn”. Trong tuyên bố chung sau cuộc họp, các ngoại trưởng G7 nhấn mạnh cam kết hợp tác để đạt được một nền hòa bình lâu dài tại Ukraine, qua đó kiến tạo tương lai phát triển và thịnh vượng cho Ukraine. Đồng thời, các ngoại trưởng tái khẳng định tầm quan trọng của việc xây dựng các bảo đảm an ninh nhằm ngăn chặn nguy cơ xung đột tái diễn.
Trong khi các nhà lãnh đạo châu Âu đang nỗ lực đảm bảo sự tham gia trong tiến trình đàm phán về cuộc xung đột tại Ukraine, Bộ trưởng Bộ Tài chính Nga Anton Siluanov đã đến Saudia Arabia trước thềm cuộc đàm phán giữa Nga và Mỹ tại vương quốc này, dự kiến diễn ra vài ngày tới. Kênh truyền hình Fox News đưa tin, đại diện của Ukraine cho đến nay không hề được thông báo và cũng không nhận được lời mời đến cuộc đàm phán Nga - Mỹ về xung đột ở Ukraine. Đặc phái viên của Tổng thống Mỹ về Nga và Ukraine Keith Kellogg trước đó phát biểu tại Hội nghị An ninh Munich, đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc đối thoại với Moscow trong nỗ lực chấm dứt cuộc xung đột Nga - Ukraine, đồng thời cho biết Mỹ không cho rằng Liên minh châu Âu nên tham gia các cuộc đàm phán hòa bình cho Ukraine.