Tổng thống Trump hoãn áp thuế 90 ngày: Liệu có đủ cứu nền kinh tế Mỹ?

Quyết định tạm dừng áp dụng phần lớn thuế quan trong 90 ngày của Tổng thống Mỹ Donald Trump đã tạo ra cú hích lịch sử cho thị trường chứng khoán, nhưng các chuyên gia kinh tế hàng đầu cảnh báo rằng, nguy cơ suy thoái vẫn hiện hữu rõ ràng, theo kênh CNN ngày 10-4.

Cảng hàng hóa Los Angeles, bang California, Mỹ. Ảnh: THX/TTXVN
Cảng hàng hóa Los Angeles, bang California, Mỹ. Ảnh: THX/TTXVN

Thị trường phục hồi mạnh mẽ nhưng chưa đủ

Thời điểm sau khi Tổng thống Trump thông báo lệnh tạm dừng áp thuế đã trở thành một trong những ngày "tốt nhất" trong lịch sử thị trường Mỹ. Chỉ số Dow Jones tăng thêm 2.900 điểm (gần 8%), S&P 500 tăng vọt 9,5% - mức tăng mạnh nhất kể từ năm 2008, còn Nasdaq có ngày tăng điểm thứ hai mạnh nhất từ trước đến nay với mức tăng hơn 12%.

Tuy nhiên, các chuyên gia chỉ ra rằng đây không phải là chiến thắng thực sự mà chỉ đơn thuần là "thở oxy" sau một tuần tổn thất nặng nề. Giá trị cổ phiếu Mỹ đã mất tới 6 nghìn tỷ USD trong tuần trước đó, khi các nhà đầu tư lo lắng trước tương lai bất định dưới các chính sách thương mại mới.

Ngân hàng JPMorgan Chase vẫn giữ nguyên dự báo về 60% khả năng xảy ra suy thoái ở Mỹ và toàn cầu, bất chấp động thái mới từ Nhà Trắng. Các nhà kinh tế của tổ chức này nhận định: "Kết hợp với sự hỗn loạn chính sách đang diễn ra về thương mại và các vấn đề tài chính trong nước, cùng với những tổn thất lớn trên thị trường chứng khoán và niềm tin bị ảnh hưởng, vẫn khó có thể thấy Mỹ tránh được suy thoái".

JPMorgan thừa nhận rằng quyết định bãi bỏ mức thuế quan "khắc nghiệt" là điều tích cực, nhưng tình hình thực tế vẫn đáng lo ngại. Ngân hàng này đánh giá mức thuế quan phổ cập 10% vẫn được áp dụng là một "cú sốc lớn" – gấp 7,5 lần cú sốc trong cuộc chiến thương mại giai đoạn 2018-2019.

Đặc biệt, mức tăng thuế quan đối với Trung Quốc lên tới 125% được xem là "gây sốc hơn", tương đương với khoản tăng thuế khoảng 860 tỷ USD.

Về phần mình, nhà đầu tư công nghệ Dan Ives cho biết, thông báo của ông Trump là tin tức mà "mọi người trên Phố Wall đang chờ đợi". Nhưng ông gọi cuộc chiến thương mại với Trung Quốc là "một thảm họa kinh hoàng" đã gây ra thiệt hại thực sự cho nền kinh tế.

Tổng thống Donal Trump vẫn giữ nhiều mức thuế quan lớn

Kế hoạch "tạm dừng" mới của chính quyền Donal Trump không phải là sự rút lui hoàn toàn. Nhiều mức thuế quan mạnh mẽ vẫn được duy trì, bao gồm: Thuế 10% đối với hầu hết hàng nhập khẩu vào Mỹ; thuế 125% đối với hàng nhập khẩu từ Trung Quốc; thuế 25% đối với một số hàng hóa từ Mexico và Canada; thuế 25% đối với hàng nhập khẩu thép và nhôm.

Trong ba tháng tới, Nhà Trắng dự kiến sẽ đàm phán với hàng chục nước để đạt được các thỏa thuận dài hạn, một quá trình phức tạp có thể khiến ngay cả chính quyền kỷ luật nhất cũng choáng ngợp.

Joe Brusuelas, thuộc công ty tư vấn RSM, chia sẻ với CNN: "Cảm nhận của tôi ở đây là nền kinh tế Mỹ vẫn có khả năng rơi vào suy thoái, xét đến mức độ các cú sốc đồng thời mà nền kinh tế này phải chịu."

Trước khi Tổng thống Trump tạm dừng áp thuế, RSM đã nâng tỷ lệ suy thoái từ 20% lên 55%. Chuyên gia Brusuelas cho biết suy thoái có khả năng xảy ra trong vài tháng tới, khi các doanh nghiệp đang cảm nhận được cú sốc về nguồn cung và tăng giá theo chính sách Nhà Trắng.

Theo chuyên gia Brusuelas, dựa trên các cuộc thảo luận với khách hàng, nhiều doanh nghiệp sẽ chọn cách để lại sản phẩm ở bến tàu vì không có đủ tiền mặt để trả thuế.

Trong số các dấu hiệu cảnh báo tài chính, thị trường trái phiếu được xem là đáng lo ngại nhất. Trong điều kiện bình thường, cổ phiếu và trái phiếu không giảm cùng lúc. Tuy nhiên, gần đây các nhà đầu tư trên toàn thế giới đã bán tháo cả cổ phiếu lẫn trái phiếu, đẩy giá cổ phiếu giảm và lợi suất trái phiếu tăng cao.

Hiện tượng này có thể cho thấy nhà đầu tư đang đặt câu hỏi về sự ổn định lâu dài của chính phủ Mỹ, hoặc đang phải củng cố tiền mặt để trang trải các khoản đầu tư. Bộ trưởng Tài chính Mỹ Scott Bessent gọi đây là "cơn co giật giảm đòn bẩy".

Tín hiệu này chỉ xuất hiện một vài lần trong lịch sử - gần đây nhất là vào những năm khủng hoảng 2008 và 2020, báo hiệu những thời kỳ bất ổn kinh tế nghiêm trọng. Dù thị trường chứng khoán đã có ngày hồi phục mạnh mẽ, các chuyên gia vẫn cảnh báo rằng cần nhiều hơn một ngày tăng giá để khắc phục những thiệt hại mà các chính sách thương mại gây ra cho nền kinh tế và danh tiếng của Mỹ.

Tin cùng chuyên mục