Tổng thống Nga thảo luận với Đặc phái viên Mỹ về vấn đề Ukraine

Ngày 12-4, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã gặp Đặc phái viên của Tổng thống Mỹ Steve Witkoff tại TP St. Petersburg (Nga) để thảo luận về xung đột tại Ukraine. Điện Kremlin xác nhận cuộc thảo luận kéo dài 4 giờ rưỡi, tập trung vào nhiều khía cạnh để giải quyết xung đột Ukraine.

Tổng thống Nga Vladimir Putin (phải) tiếp Đặc phái viên Tổng thống Mỹ Steve Witkoff tại Saint Petersburg. Ảnh: TTXVN
Tổng thống Nga Vladimir Putin (phải) tiếp Đặc phái viên Tổng thống Mỹ Steve Witkoff tại Saint Petersburg. Ảnh: TTXVN

Chưa có đột phá

Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cùng ngày cho biết về mặt lý thuyết, cuộc điện đàm giữa Tổng thống Nga Vladimir Putin và Tổng thống Mỹ Donald Trump có khả năng diễn ra sau cuộc gặp của nhà lãnh đạo Nga với Đặc phái viên Witkoff.

Trước cuộc gặp với Tổng thống Putin, ông Witkoff đã có cuộc thảo luận với ông Kirill Dmitriev, Giám đốc Quỹ đầu tư trực tiếp, Đặc phái viên về đầu tư của Nga. Ông Dmitriev đánh giá cuộc gặp với ông Witkoff là “hiệu quả”. Hoạt động trên diễn ra trong khuôn khổ chuyến công tác 1 ngày của Đặc phái viên Witkoff đến Nga.

Hãng tin Nga RIA dẫn lời Giám đốc Vụ Cộng đồng các quốc gia độc lập (SNG) 2 thuộc Bộ Ngoại giao Nga Alexey Polishchuk, cho biết một kênh trao đổi công hàm về các vấn đề lãnh sự và pháp lý đã được thiết lập giữa Nga và Ukraine thông qua các đại sứ quán của hai nước tại Belarus. Đại sứ quán Ukraine tại Moscow ngừng tiếp công dân từ tháng 2-2022, ngày Nga bắt đầu chiến dịch quân sự đặc biệt. Sau đó, Bộ Ngoại giao Ukraine thông báo tất cả lãnh sự quán Ukraine đóng cửa văn phòng tại Nga. Kiev cũng cắt đứt quan hệ ngoại giao với Moscow.

Châu Âu tăng viện

Các đồng minh châu Âu đang nỗ lực củng cố vị thế của Ukraine. Trong khi Anh công bố khoản viện trợ hỗ trợ quân sự mới trị giá 450 triệu bảng Anh (580 triệu USD) cho Ukraine, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Ukraine Rustem Umerov cho biết Đức sẽ cung cấp 11 tỷ EUR (khoảng 12 tỷ USD) hỗ trợ quân sự cho Kiev đến năm 2029. Trong bài đăng trên nền tảng xã hội X, Bộ trưởng Umerov tuyên bố các đợt chuyển giao theo kế hoạch trong năm nay sẽ giúp tăng cường hoạt động phòng không cho Ukraine và hỗ trợ quân đội Kiev trên chiến trường.

Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Thụy Điển Pal Johnson cho biết Stockholm có ý định mua máy bay không người lái (UAV) của Ba Lan để phục vụ nhu cầu của Ukraine. Ông Pal Johnson cũng nhấn mạnh, Thụy Điển và Ba Lan nên có mối quan hệ mua bán vũ khí cân bằng hơn và đó là lý do trong gói viện trợ mới nhất của Stockholm cho Ukraine, Thụy Điển đã dành một phần quỹ để mua từ ngành công nghiệp quốc phòng Ba Lan.

Trong khi đó, Liên minh châu Âu (EU) và Ukraine vừa đạt được thỏa thuận gia hạn Hiệp định Vận tải đường bộ đến ngày 31-12 năm nay. Quyết định này được đánh giá là một bước đi quan trọng, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho Ukraine tiếp cận thị trường toàn cầu, đồng thời củng cố mối quan hệ thương mại giữa hai bên trong bối cảnh xung đột vẫn đang diễn ra. Hiệp định này đóng vai trò then chốt trong việc hỗ trợ “Hành lang đoàn kết” EU - Ukraine, một sáng kiến đảm bảo việc vận chuyển hàng hóa thiết yếu như nhiên liệu và viện trợ nhân đạo đến Ukraine.

Tin cùng chuyên mục