Thúc đẩy quan hệ song phương
Trước chuyến công du này, ông Putin mới chỉ có chuyến thăm duy nhất đến Riyadh vào năm 2007. Trong khi đó, vua Saudi Arabia Salman bin Abdul-Aziz Al Saud có chuyến thăm lịch sử đầu tiên đến Moscow vào năm 2017.
Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov khẳng định, cuộc gặp thượng đỉnh Nga - Saudi Arabia sẽ tạo động lực mạnh hơn nữa cho quan hệ hợp tác nhiều mặt giữa hai nước, đóng góp vào sự tăng trưởng về chất và tăng cường hiểu biết giữa hai dân tộc.
Hãng Reuters nhận định, việc Nga ký kết với Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) về cắt giảm sản lượng cung dầu toàn cầu thực sự đã giúp Moscow - Riyadh đẩy mạnh quan hệ song phương trong những năm gần đây. Nga và Saudi Arabia đã cố gắng ổn định giá dầu bằng cách cùng tác động và giám sát thị trường. Ước tính, Nga thu về 100 tỷ USD từ hợp tác với Saudi Arabia.
Đầu tháng 10, Bộ trưởng Năng lượng Nga Alexander Novak cho biết, trong chuyến công du đến Saudi Arabia lần này, khoảng 30 thỏa thuận và hợp đồng sẽ được ký kết. Những dự án đầu tư này có trị giá hàng tỷ USD.
Kirill Dmitriev, CEO của Quỹ Đầu tư trực tiếp Nga (RDIF), cho biết thêm, các thỏa thuận hợp tác giữa hai bên thuộc về lĩnh vực năng lượng cũng như công nghệ, văn hóa và đầu tư. Trong số các dự án đầy tiềm năng, hai bên sẽ đề cập đến việc Aramco, “gã khổng lồ” khai thác dầu của Saudi Arabia, mua lại phần lớn cổ phần tại Novomet, nhà sản xuất thiết bị bơm dầu của RDIF. Trong khi đó, Tập đoàn Năng lượng Gazprom sẽ thảo luận về các dự án chuyển đổi khí đốt tự nhiên...
Với việc tăng cường hợp tác Riyadh trong lĩnh vực khai thác dầu, Moscow đang muốn khẳng định rằng cùng Saudi Arabia và Mỹ, Nga có đủ tiềm lực chi phối thị trường dầu mỏ thế giới bên cạnh lĩnh vực khí đốt.
An ninh khu vực
Ngoài thúc đẩy hợp tác về kinh tế, cuộc gặp thượng đỉnh Nga - Saudi Arabia sẽ tập trung giải quyết một loạt vấn đề liên quan đến an ninh khu vực. Chuyến thăm của ông Putin trùng với thời điểm Riyadh đang nỗ lực giảm bớt căng thẳng tại vùng Vịnh.
Thái tử Saudi Arabia Mohammed bin Salman được cho là đã đồng ý với việc để các nhà lãnh đạo của Pakistan và Iraq đóng vai trò trung gian hòa giải giữa Saudi Arabia và Iran. Moscow có thể cũng tham gia quá trình này. Các bước đi của Riyadh và tuyên bố sẵn sàng xuống thang với Tehran của Saudi Arabia khớp với đề xuất về khung an ninh tập thể cho vùng Vịnh của Bộ Ngoại giao Nga.
Trong khi đó, Yemen cũng là vấn đề an ninh nổi bật mà hai bên quan tâm. Ngoại trưởng Nga Lavrov từng nêu rõ quan điểm chính thức của Moscow về vấn đề này là: các cuộc đàm phán toàn diện là cách duy nhất để giải quyết tình hình khó khăn tại Yemen, nơi mà theo Liên hiệp quốc là đang đối mặt với một thảm họa nhân đạo. Dù Saudi Arabia và Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) tuyên bố nỗ lực tìm kiếm sự gắn kết tại Yemen, nhưng đến nay kết quả gần như là con số 0.
Trên thực tế, Nga dường như đang nghiêng về phía UAE và Hội đồng chuyển tiếp miền Nam - đang nắm giữ quyền lực từ chính phủ của Tổng thống Abed Rabbo Mansour Hadi. Tuy nhiên, Moscow vẫn duy trì liên lạc với các bên liên quan khác tại Yemen, trong đó có liên minh Sanaa do lực lượng Houthi lãnh đạo. Chính sách bình đẳng đang góp phần giúp Moscow có được sợi dây liên kết với tất cả các bên tại Yemen.
Ngoài ra, Riyadh và Moscow cũng sẽ bàn thảo về tiến trình hòa bình tại Syria. Trong bối cảnh Iran và Thổ Nhĩ Kỳ đang “lên ngôi” tại khu vực, Nga muốn Saudi Arabia đóng một vai trò tích cực hơn bởi điều đó đặc biệt quan trọng với cán cân quyền lực ở Syria.