Ngày 13-7, hãng Reuters đưa tin, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã đến Pháp bắt đầu chuyến công du 2 ngày, thảo luận cùng người đồng cấp nước chủ nhà Emmanuel Macron về nhiều vấn đề, trong bối cảnh hai bên mong muốn gạt sang một bên những bất đồng về thương mại và chống biến đổi khí hậu để tìm tiếng nói chung.
Làn gió mới
Sau khi đặt chân đến thủ đô Paris, Tổng thống Donald Trump đã đến tư dinh của Đại sứ Mỹ tại Pháp và có buổi ăn trưa, làm việc với các lãnh đạo quân đội Mỹ. Sau đó, Tổng thống Donald Trump và người đồng cấp Pháp Emmanuel Macron cùng đi thăm Điện Invalides trước khi có cuộc hội đàm chính thức.
Trong cuộc gặp, ngoài các vấn đề song phương, hai nhà lãnh đạo thảo luận các giải pháp cho cuộc khủng hoảng tại Syria và những chiến lược chống khủng bố ở quy mô rộng lớn hơn. Trước khi trở về Mỹ ngày 14-7, Tổng thống Donald Trump sẽ tham dự lễ kỷ niệm Quốc khánh Pháp.
Với tựa đề Làn gió mới trên Đại Tây Dương, tờ L’Express nhấn mạnh, chuyến thăm Pháp lần này của Tổng thống Mỹ đã đưa ra một thông điệp rằng Pháp là đồng minh gắn bó nhất với Mỹ, đồng thời cho thấy vị thế của Pháp với tư cách cường quốc bậc trung hàng đầu thế giới.
Bài viết cho rằng, việc Tổng thống Mỹ nhận lời mời tham dự Quốc khánh Pháp có thể khiến nhiều người ngạc nhiên nhưng mối gắn bó truyền thống lâu đời của Mỹ với Pháp thực ra mạnh hơn nhiều so với quan điểm riêng của Tổng thống Donald Trump, vốn có chủ trương rút khỏi các hợp tác với châu Âu. Tổng thống Pháp hiểu rõ nhân duyên lịch sử này, đồng thời khai thác được thời điểm mà chính người đồng cấp Mỹ đang cần sửa sang lại hình ảnh của bản thân sau khi ít nhiều làm sứt mẻ tình cảm với các đồng minh NATO. Song điều chính yếu, nổi bật trong chuyến thăm mang nhiều ý nghĩa này đó là quyết tâm của Pháp, sẵn sàng thay thế Anh, can dự cùng Mỹ tại các mặt trận nóng bỏng như Syria.
Ghi điểm
Quyết định của Tổng thống Donald Trump rút Mỹ khỏi Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu hồi tháng trước đã gây dư luận bất bình khắp châu Âu. Nhiều cuộc biểu tình phản đối ông Donald Trump đã được lên kế hoạch trong thời gian ông ở thăm Paris 2 ngày. Thế nhưng, Tổng thống Pháp lại mời người đồng cấp đến dự lễ Quốc khánh. Bình luận về động thái này, nhà báo nổi tiếng người Anh Piers Morgan cho rằng “ông Marcon quá khôn ngoan”.
Theo ông Morgan, trong lúc châu Âu “ghét bỏ” Tổng thống Mỹ, Paris trải thảm đỏ đón ông Donald Trump và kết quả, Paris sẽ có được một thỏa thuận hợp tác đặc biệt với Mỹ, đúng vào lúc nước Pháp đang khó khăn với khủng bố, rất cần đến sự hậu thuẫn của “những người bạn hùng mạnh”.
Chuyến thăm của ông Donald Trump tiếp tục là môt cú ghi điểm trên chính trường Pháp của vị tổng thống trẻ nhất nước Pháp tính đến thời điểm hiện tại. Những xì xào về non kinh nghiệm chính trị đã phần nào được ông Macron đáp trả bằng hai cuộc gặp với những lãnh đạo bị châu Âu “ghét bỏ” là Tổng thống Nga Vladimir Putin và Tổng thống Mỹ Donald Trump.
Nếu chủ nhân điện Kremlin được khoản đãi trong cung son điện ngọc, thì chủ nhân Nhà Trắng sẽ được chào đón với lễ nghi quân cách trên đại lộ Champs-Elysees. Cũng như khi dùng xe quân sự mui trần cho ngày nhậm chức, Tổng thống Emmanuel Macron muốn nói là ông gắn bó với những hình ảnh biểu trưng sức mạnh của nước Pháp và nước Pháp là cường quốc hạt nhân, là thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc, ngang hàng với Mỹ.
Để đạt được mục tiêu này, theo Tổng thống Pháp, cần phải vượt lên trên tâm lý “tranh hơn thua” để hợp tác chống khủng bố, giải quyết khủng hoảng Syria và chống biến đổi khí hậu. Để thực hiện những mục tiêu lớn này thì không thể thiếu nước Mỹ. Bên cạnh đó, Tổng thống Pháp còn muốn đặt mình trong vai trò lãnh đạo Liên minh châu Âu trên chính trường quốc tế.