Giải quyết tranh chấp
Theo giới quan sát, thông qua chuyến đi, Tổng thống Mỹ Biden muốn “cam kết lại” với các đồng minh, tạo một liên minh vững chắc với các nước châu Âu. Về phần mình, Liên minh châu Âu (EU) cũng hy vọng chuyến công du của Tổng thống Biden sẽ giúp hai bên đạt “tiến bộ quyết định” trong việc giải quyết tranh chấp về thuế quan đối với sản phẩm nhôm, thép, cũng như cuộc tranh cãi kéo dài gần 2 thập niên đối với vấn đề trợ cấp cho 2 hãng sản xuất máy bay Airbus và Boeing.
Mạng Politico nhận định, “khôi phục những cây cầu hợp tác” (vốn đã suy yếu nhiều dưới thời Tổng thống Donald Trump) giữa Mỹ và EU để thúc đẩy các hợp tác kinh tế, thương mại xuyên Đại Tây Dương là thách thức khẩn cấp hiện nay. Một nhà ngoại giao châu Âu cho Politico biết, các thương lượng về thuế là điều quan trọng nhất. Các nước thành viên EU đang là đối tượng của các đòn trả đũa thương mại từ Mỹ. Các nỗ lực thương lượng vẫn đang được thúc đẩy dù các đáp trả của Mỹ với EU hiện đã tạm ngừng. Phó Chủ tịch Ủy ban châu Âu, kiêm Ủy viên phụ trách thương mại của EU, ông Valdis Dombrovskis, từng khẳng định, EU và Mỹ cần giảm leo thang và giải quyết các tranh chấp thương mại, như một biện pháp xây dựng lòng tin. Theo Reuters, trong dự thảo tuyên bố được chuẩn bị cho hội nghị thượng đỉnh tại Brussels, các nhà lãnh đạo EU và Mỹ sẽ cam kết dỡ bỏ thuế thép trước ngày 1-12-2021 và tránh để xảy ra thêm bất kỳ tranh chấp thương mại xuyên Đại Tây Dương nào.
Bên cạnh đó, từ tháng 3-2020, các du khách châu Âu đã bị cấm nhập cảnh vào Mỹ vì dịch Covid-19. Còn EU vừa mở cửa biên giới với du khách Mỹ, muốn đề nghị Mỹ “có qua có lại”. Tuy nhiên, Washington vẫn lừng khừng, lấy lý do chờ ý kiến của giới chuyên môn y tế và khoa học. Cũng không thể không nhắc tới việc EU và Mỹ vẫn đang bất đồng về bản quyền vaccine. Trong khi EU phản đối đề xuất đình chỉ bản quyền vaccine Covid-19, Mỹ lại ủng hộ.
Liên minh công nghệ số
Công nghệ số là lĩnh vực EU và Mỹ muốn thúc đẩy như một trụ cột của kế hoạch siết chặt hợp tác. Dự án lập liên minh Âu - Mỹ trong lĩnh vực công nghệ số là một đề xuất từ phía EU, được Ủy ban châu Âu công bố hồi đầu tháng 12-2020, chỉ ít tuần sau cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ. Dự án đặt hy vọng vào việc “các giá trị chung” mà Mỹ và EU cùng chia sẻ (quyền cá nhân, các nguyên tắc dân chủ..) khiến hai bên có thể cùng nhau khai thác được các cách tân công nghệ nhanh chóng và hóa giải được các thách thức đặt ra từ các hệ thống điều hành kỹ thuật số mang tính đối địch. Mạng Politico dẫn 2 nguồn tin là giới chức cao cấp của EU cho biết, trong khuôn khổ chuyến công du của ông Biden, EU và Mỹ sẽ công bố một dự án hợp tác quy mô lớn về công nghệ và thương mại “nhằm đẩy lùi Trung Quốc”.
Dù chủ trương đổi mới quan hệ Âu - Mỹ, tái lập hợp tác được lãnh đạo hai phía hết sức ủng hộ, nhưng trên thực tế thì không dễ. Trang mạng Le Grand Continent chuyên về địa chiến lược cho rằng, để có được một hợp tác giữa các đối tác, chứ chưa nói ở mức đồng minh, trong lĩnh công nghệ số, EU cần xác lập được một chính sách công nghệ đủ khả năng cân bằng với Mỹ trong tương quan lực lượng. Bởi nếu tương quan lực lượng quá bất lợi, thì các điểm đồng thuận về lý thuyết có thể tìm thấy với Washington, trên thực tế sẽ trở thành các lĩnh vực có lợi nhiều hơn cho Mỹ… Các bất đồng trong nội bộ EU về chiến lược quan hệ với Trung Quốc cũng là một thách thức, một ẩn số khác với dự án liên minh công nghệ số Âu - Mỹ.