Thông tin giả?
Theo tờ Washington Post, vụ lộ thông tin mật diễn ra ngày 10-5, trong cuộc gặp giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov. Washington Post dẫn lời hai quan chức tình báo cấp cao của Mỹ cho biết Tổng thống Mỹ D. Trump đã tiết lộ thông tin tối mật về chiến dịch chống Tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng với Ngoại trưởng Nga Lavrov. Nga là một quốc gia không thuộc liên minh chống IS do Mỹ đứng đầu. Những thông tin mà Tổng thống Mỹ D. Trump chuyển cho phía Nga là do một đối tác của Mỹ cung cấp thông qua thỏa thuận chia sẻ thông tin tình báo và được đánh giá là nhạy cảm đến mức không thể chia sẻ với các đồng minh, thậm chí hạn chế chặt chẽ ngay cả trong nội bộ Chính phủ Mỹ. Tổng thống Mỹ D. Trump đã tiết lộ chi tiết về mối đe dọa khủng bố IS liên quan đến việc sử dụng máy tính xách tay trên máy bay và tên thành phố nơi thông tin tình báo được thu thập. Sau cuộc gặp của Tổng thống Mỹ D. Trump với giới chức Nga, các quan chức cấp cao của Nhà Trắng đã có các biện pháp ngăn chặn tổn thất, đồng thời thông báo tình hình với Cục Tình báo Trung ương (CIA) và Cơ quan An ninh quốc gia (NSA).
Ngày 16-5, trên mạng xã hội Twitter, Tổng thống Mỹ D. Trump khẳng định đã chia sẻ với Nga những thông tin thực tế nhằm chống khủng bố và an toàn hàng không. Tổng thống D.Trump cho rằng việc này hoàn toàn nằm trong quyền hạn của Tổng thống. Tổng thống D. Trump khẳng định ông làm vậy là vì các lý do nhân đạo, ngoài ra ông cũng muốn Nga đẩy mạnh hơn nữa cuộc chiến chống khủng bố cũng như tổ chức IS. Phản ứng trước thông tin trên, Nhà Trắng tuyên bố rằng đây là thông tin giả. Phó cố vấn An ninh quốc gia Dina Powell khẳng định Tổng thống Mỹ D. Trump chỉ thảo luận về mối đe dọa chung mà hai nước đang phải đối mặt. Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson, Cố vấn An ninh quốc gia H.R McMaster lên tiếng khẳng định thông tin trên là sai lệch.
Cùng ngày, Bộ Ngoại giao Nga tuyên bố, những bản tin cho rằng Tổng thống D. Trump tiết lộ thông tin mật cho Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov chỉ là tin vịt.
Những rủi ro
Theo BBC, với vai trò là một tổng tư lệnh, tổng thống Mỹ có quyền đánh giá một thông tin hay tài liệu nào đó là tối mật hay quyết định ai được phép tiếp cận thông tin tối mật. Theo Hiến pháp Mỹ, bất cứ ai trong chính phủ, ngoại trừ tổng thống và phó tổng thống, làm lộ thông tin mật, sẽ phải đối mặt án tù giam. Tuy nhiên, một câu hỏi đang được đặt ra là vụ tiết lộ thông tin mật sẽ dẫn đến những rủi ro nào. Các quan chức Mỹ cho biết, việc Tổng thống Mỹ D. Trump hành động mà không tham vấn đồng minh đã cung cấp thông tin tình báo có nguy cơ gây nguy hiểm cho thỏa thuận chia sẻ thông tin tình báo lâu nay.
Theo giới phân tích, thời điểm Tổng thống D. Trump tiết lộ thông tin cho Nga là không phù hợp do ông chuẩn bị có cuộc gặp với Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan, một đồng minh trong cuộc chiến chống IS, tại Nhà Trắng vào ngày 16-5. Nếu đúng, Tổng thống Mỹ D. Trump có thể tự đẩy mình vào tình thế khiến cộng đồng tình báo Mỹ cùng các chính trị gia nước này hoài nghi hơn vào năng lực điều hành của ông, cũng như mối quan hệ giữa ông với Nga, vốn đang bị FBI điều tra. Vụ nghi ngờ rò rỉ thông tin chỉ diễn ra thời gian ngắn sau khi Tổng thống Mỹ D. Trump bất ngờ sa thải Giám đốc FBI James Comey khiến uy tín của Tổng thống Mỹ D. Trump đang bị xuống thấp kỷ lục.
Theo kết quả cuộc khảo sát tiến hành từ ngày 10 đến 14-5 do Reuters/Ipsos thực hiện, 59% người tại Mỹ ủng hộ Quốc hội tiến hành cuộc điều tra độc lập giữa mối quan hệ của Tổng thống Mỹ D. Trump và Chính phủ Nga trong chiến dịch tranh cử của ông diễn ra năm 2016.