Ông Donald Trump tiếp tục khẳng định thông điệp nước Mỹ muốn thắt chặt quan hệ với các đồng minh nhưng cũng đồng thời muốn thu hẹp thâm hụt thương mại hàng năm giữa Mỹ và các nước khác. Cố vấn kinh tế cao cấp của Nhà Trắng và là người tháp tùng chuyến đi của Tổng thống Donald Trump, ông Gary Cohn, khẳng định chính sách nước Mỹ trước tiên chứ không phải nước Mỹ đơn độc. Trả lời báo giới tại WEF, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin nhấn mạnh nước Mỹ mong muốn hướng tới một nền thương mại tự do và công bằng, không muốn tạo ra các cuộc chiến tranh thương mại, song sẽ tìm cách bảo vệ lợi ích của Mỹ.
Chủ đề của WEF 2018 là “Tạo dựng tương lai chung trong một thế giới bị chia rẽ”. Khẩu hiệu này hoàn toàn trái ngược với chính sách “Nước Mỹ trước tiên” của Tổng thống Mỹ Donald Trump. Bên lề Diễn đàn Davos, ông Donald Trump tiến hành các cuộc hội đàm với Thủ tướng Anh Theresa May, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu, gặp Tổng thống Rwandan Paul Kagame (hiện giữ chức Chủ tịch Liên minh châu Phi (AU)) và Tổng thống Thụy Sĩ Alain Berbset.
Trước đó, Tổng thống Mỹ Donald Trump lần đầu tiên để ngỏ khả năng Mỹ trở lại hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) nay là Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) một năm sau khi rút khỏi. Trong bài trả lời phỏng vấn truyền hình CNBC ngày 25-1 bên lề Diễn đàn Kinh tế thế giới ở Davos, Tổng thống Donald Trump nói: “Mỹ sẽ tham gia TPP nếu chúng ta có một hiệp định tốt hơn trước”.
Do Nhật Bản dẫn đầu, các nước còn lại trong TPP tuần này đã đạt được một thỏa thuận cuối cùng để ký hiệp định CPTPP vào ngày 8-3. CPTPP vẫn để ngỏ khả năng để Mỹ tham gia một ngày nào đó. Thay vì loại bỏ hoàn toàn khỏi thỏa thuận, các nước còn lại đã “đóng băng” gần hai chục quy định còn nhiều bất đồng.
Mặc dù vậy, Bộ trưởng Tái thiết kinh tế Nhật Bản Toshimitsu Motegi khẳng định việc Mỹ để ngỏ khả năng quay trở lại đàm phán TPP sẽ không làm thay đổi lộ trình của Tokyo về việc ký kết CPTPP. Ông Motegi cũng hoan nghênh “thực tế rằng Mỹ đã công nhận tầm quan trọng của TPP”.