AP cho biết, Tổng chưởng lý Brazil Rodrigo Janot ngày 26-6 chính thức cáo buộc tham nhũng với Tổng thống Temer và đệ trình hồ sơ lên Hạ viện. Nếu 2/3 nghị sĩ Hạ viện thông qua, Tổng thống Temer sẽ bị đình chỉ chức vụ trong 180 ngày khi phiên tòa diễn ra. Chủ tịch Hạ viện Rodrigo Maia, một đồng minh của ông Temer, sẽ là quyền Tổng thống.
Tổng chưởng lý Janot cho biết, Tổng thống Temer đã nhận hối lộ khoảng 150.000 USD trong thời gian giữa tháng 3 và 4 năm nay từ Joesly Batista, cựu Chủ tịch JBS, tập đoàn đóng gói thịt lớn nhất thế giới.
Vào tháng 5, Tổng chưởng lý Janot đã mở cuộc điều tra Tổng thống Temer tham nhũng, cản trở công lý và tham gia tổ chức tội phạm.
Một bản ghi âm cho thấy Tổng thống Temer trong một cuộc nói chuyện đêm khuya với Batista vào đầu năm nay đã xác nhận khoản tiền hối lộ với cựu Chủ tịch Hạ viện Eduardo Cunha, một cựu đồng minh của ông Temer, đang thụ án 15 năm tù vì tội tham nhũng.
Tổng thống Temer đã phủ nhận mọi hành vi sai trái và tuyên bố không từ chức dù có rất nhiều lời kêu gọi và tỷ lệ ủng hộ ông giảm mạnh.
Tổng chưởng lý Janot cho biết, ông Temer đã sắp xếp để có thể nhận đến khoảng 12 triệu USD từ JBS trong 9 tháng sau đó.
Tổng chưởng lý Janot viết trong quyết định 64 trang cáo buộc Tổng thống Temer tham nhũng: "Hoàn cảnh cuộc họp với Batista vào ban đêm và không hề đăng ký trong lịch làm việc chính thức của Tổng thống cho thấy ý định xóa dấu vết các hành động phạm tội đã thực hiện".
Ông Temer trở thành Tổng thống Brazil vào tháng 5 năm ngoái sau khi bà Dilma Rousseff bị luận tội và bị bãi nhiệm.
Thăm dò của Viện Datafolha cho thấy hiện tỷ lệ ủng hộ ông Temer chỉ 7%, thấp nhất với một Tổng thống Brazil từ năm 1989, thời Tổng thống Jose Sarney với cuộc khủng hoảng siêu lạm phát.
Ngay cả các đồng minh chính cũng bắt đầu quay lưng với Tổng thống Temer. Cựu Tổng thống Fernando Henrique Cardoso tuyên bố trên nhật báo Folha de S.Paulo ngày 26-6 rằng ông Temer có thể chấm dứt khủng hoảng bằng cách tiến hành cuộc bầu cử sớm trước khi kết thúc nhiệm kỳ kéo dài đến năm 2018.