Chiều 31-5, phát biểu tại buổi thảo luận tổ của Quốc hội về Luật PCTN sửa đổi, Tổng Thanh tra Chính phủ (TTCP) Lê Minh Khái cho biết, tổng kết 10 năm thi hành Luật PCTN đã ánh giá là kiểm soát kê khai tài sản, thu nhập không hiệu quả. Luật hiện hành giao cho cơ quan tổ chức cán bộ kiểm soát tài sản, thu nhập của cán bộ mà thuộc diện phải kê khai.
“Chúng ta đang quản lý trên 1 triệu bản kê khai, nhưng do yếu tố trong nội bộ còn nể nang nên việc xác minh xem kê khai có đầy đủ hay không còn hạn chế. Đòi hỏi cần có một cơ quan chuyên trách để giao cơ quan này thực hiện kiểm soát tài sản, thu nhập sẽ hiệu quả hơn”, Tổng TTCP nói.
Theo Cơ quan Phòng chống ma túy và tội phạm của Liên hợp quốc - UNODC (là đầu mối hỗ trợ các quốc gia thành viên thực thi Công ước Liên hợp quốc về chống tham nhũng trên phạm vi toàn cầu), trong các nước thành viên, có 74 quốc gia (chiếm 60%) giao cho một cơ quan độc lập thực hiện nhiệm vụ kiểm soát tài sản, thu nhập. Sau khi nghiên cứu, cân nhắc, ban soạn thảo đưa ra 2 phương án. Phương án đầu tập trung ở mức độ cao. Trong điều kiện hiện nay, nếu thành lập 1 cơ quan mới thì không đúng với chủ trương sắp xếp bộ máy, tinh giản biên chế. Căn cứ theo điều kiện thực tế thì Chính phủ đề nghị giao cho hệ thống cơ quan thanh tra Nhà nước, trong đó có TTCP, thanh tra bộ, thanh tra tỉnh. Trong đó, đối với cơ quan thanh tra Nhà nước hiện có một bộ phận chuyên trách về PCTN, tham gia vào quá trình thực hiện Luật PCTN, như TTCP thì có Cục PCTN. Theo phương án náy thì sẽ phân cấp: TTCP kiểm soát tài sản, thu nhập của người giữ chức vụ từ giám đốc sở và tương đương trở lên; còn trở xuống thì thanh tra bộ; ở địa phương là thanh tra tỉnh. Đây là phương án thứ nhất, cũng là phương án Chính phủ chọn.
Phương án thứ 2 thì vừa tập trung, vừa phân tán, theo đó giao cho hệ thống thanh tra Nhà nước kiểm soát tài sản khối hành chính. Các khối khác thì giữ như luật hiện hành; còn một số cơ quan khác là giao cho cơ quan tổ chức cán bộ. Trong báo cáo thẩm tra thì Ủy ban Tư pháp chọn phương án 2.
Dự thảo luật cũng quy định mở rộng đối tượng kê khai, nhưng phương thức thì khác đi. Có 4 phương thức: kê khai lần đầu, nghĩa là cán bộ lần đầu vào cơ quan và viên chức từ phó phòng trở lên; kê khai bổ sung, có những tài sản phát sinh có giá trị 300 triệu đồng trở lên mà theo cơ quan chống rửa tiền có dấu hiệu đáng nghi ngờ thì phải kê khai bổ sung để kiểm soát kịp thời; kê khai hàng năm; kê khai phục vụ công tác cán bộ. Riêng kê khai phục vụ công tác bổ nhiệm, bầu cử thì không phải kê khai và xác minh trước khi bổ nhiệm. Nhưng khi bổ nhiệm nếu có yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền hay có dấu hiệu gì như kê khai không trung thực, không đầy đủ thì cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập tiến hành xác minh, xong rồi mới tiến hành bổ nhiệm. Trong vấn đề này thì có tính toán rất cẩn thận để bảo đảm tính khả thi.
Về xử lý tài sản bất minh, Tổng TTCP cho biết ban soạn thảo cũng tranh cãi rất nhiều. “Lần trước dự thảo trình vào tháng 10 kỳ họp 4 không có quy định này nhưng theo ý kiến của ĐBQH thì cần phải có chế tài để xử lý tài sản không chứng minh được nguồn gốc tài sản hợp lý - chứ không nói là tài sản bất hợp pháp”, Tổng TTCP cho hay. Ví dụ đối với tài sản bất hợp pháp và bất minh mà cơ quan chức năng xác định được thì căn cứ vào luật pháp hiện hành như luật Hình sự, Luật Dân sự... để đưa ra tòa tuyên bố xử lý những tài sản hình thành từ vi phạm pháp luật. Nhưng hiện nay, có khoản tài sản hình thành trong điều kiện thực tế của Việt Nam như cho biếu tặng, làm thêm… “Phát hiện có 1 khoản thu nhập đó, một là không kê khai, hoặc có kê khai rồi nhưng anh chứng minh nguồn gốc với những khoản thu nhập và hoạt động hợp pháp của anh thì không hợp lý. Loại tài sản này chúng ta không khẳng định là bất hợp pháp. Nếu bất hợp pháp thì xử lý tịch thu chứ cần gì phải thu thuế”, Tổng TTCP giải thích.
Vẫn theo Tổng TTCP, khi không chứng minh được là tài sản bất hợp pháp thì coi như là hợp pháp; tương tự, chưa chứng minh được là hợp lý thì là chưa hợp lý. Tức là cả người sở hữu tài sản và Nhà nước cũng chưa chứng minh được tài sản đó. Theo Hiến pháp, pháp luật hình sự, nghĩa vụ chứng minh đó là của Nhà nước, nếu muốn xử hình sự thì anh phải chứng minh là bất hợp pháp. “Chính vì vậy phải nghiên cứu loại tài sản, thu nhập này để chế tài xử lý cho phù hợp. Nếu xử lý hình sự thì phải hình sự hóa tội này nhưng luật hiện hành không có tội này; nếu muốn làm thì phải sửa luật mà Luật Hình sự vừa sửa đổi. Còn kiện dân sự thì Nhà nước phải chứng minh được tài sản này của Nhà nước. Vấn đề là mình có chứng minh được không, chưa chứng minh được thì làm sao đòi dân sự xử được”, Tổng TTCP cho biết.
Từ thực tế đó, ban soạn thảo nghiên cứu 2 phương thức để xử lý tài sản bất minh: xử vi phạm hành chính và nộp thuế. “Qua nghiên cứu thì xử phạt hành chính cũng rất khó. Mà nếu không có chế tài gì để xử lý tài sản này thì vẫn như luật cũ. Cân nhắc mãi cuối cùng chúng tôi đề xuất 2 phương án để ĐBQH cho ý kiến”, ông Lê Minh Khái cho hay.