Tổng sản phẩm nội địa tại TPHCM 9 tháng đạt hơn 903.000 tỷ đồng

Theo báo cáo của UBND TPHCM, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) 9 tháng đầu năm ước đạt 903.652 tỷ đồng, tăng 7,89% (cùng kỳ tăng 7,87%). 

Trong đó khu vực dịch vụ tăng 8,0%, khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 7,92%, khu vực nông nghiệp tăng 6,18%, thuế sản phẩm tăng 7,44%. 

Về cơ cấu ngành trong GRDP, khu vực dịch vụ chiếm tỷ trọng 61,2%, khu vực công nghiệp và xây dựng chiếm tỷ trọng 23,0%, khu vực nông nghiệp chiếm tỷ trọng 0,7%, thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm chiếm 15,1%.

Cơ cấu kinh tế thành phố tiếp tục tăng dần tỷ trọng các ngành dịch vụ chất lượng cao, giá trị gia tăng lớn, có lợi thế cạnh tranh là 9 nhóm ngành dịch vụ chủ yếu có tiềm năng và là thế mạnh của thành phố như: thương mại, tài chính - ngân hàng - bảo hiểm, du lịch, thông tin truyền thông, vận tải - cảng - kho bãi, khoa học - công nghệ, kinh doanh bất động sản, giáo dục và y tế. 

Tổng sản phẩm nội địa tại TPHCM 9 tháng đạt hơn 903.000 tỷ đồng ảnh 1  Bất động sản là một trong ba nhóm ngành chiếm tỷ trọng cao trong tổng GRDP của TPHCM
Tỷ trọng 9 nhóm ngành dịch vụ chủ yếu chiếm tỷ trọng cao nhất, chiếm 55,9% trong tổng GRDP. Trong đó, 3 nhóm ngành gồm: bất động sản; thương mại và vận tải kho bãi tiếp tục chiếm tỷ trọng cao 33,7% trong tổng GRDP.

Về tốc độ phát triển dịch vụ, một số ngành có mức tăng cao hơn so cùng kỳ: Thương mại tăng 9,1% (cùng kỳ tăng 8,1%); du lịch tăng 9,0% (cùng kỳ tăng 5,0%); thông tin và truyền thông tăng 7,2% (cùng kỳ tăng 6,5%); Ngành tài chính – ngân hàng và bảo hiểm, bất động sản có mức tăng tương đương cùng kỳ. 

Riêng ngành vận tải kho bãi tăng 7,4% (cùng kỳ tăng 10,5%); giáo dục – đào tạo tăng 8,9% (cùng kỳ tăng 9,2%), khoa học công nghệ tăng 7,2% (cùng kỳ tăng 8,3%); y tế tăng 7,5% (cùng kỳ tăng 9,8%). Tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của doanh nghiệp 9 tháng đầu năm ước đạt 28,2 tỷ USD, tăng 7,7% so cùng kỳ (cùng kỳ tăng 15,7%). 

Nếu không tính giá trị dầu thô, kim ngạch ước đạt 26,2 tỷ USD, tăng 10,0% (cùng kỳ tăng 15,0%). Thị trường xuất khẩu một số nước tăng nhanh như: Indonesia tăng 62,5%; Đài Loan (Trung Quốc) tăng 64,4%; Úc tăng 47%; Ấn Độ tăng 39,9%;... Riêng thị trường Mỹ, Đức, Malaysia,  Singapore… xuất khẩu chậm lại. 

Mặt hàng xuất khẩu của một số mặt hàng được duy trì và có mức tăng: Máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện chiếm 26,5%, tăng 13,9%; Gạo chiếm 2,7%, tăng 9,3%; rau quả chiếm 1,8%, tăng 29,8%; thủy sản chiếm 2,6%, tăng 13,9%;...

Kim ngạch nhập khẩu hàng hóa 9 tháng đầu năm ước đạt 34,8 tỷ USD, tăng 10,5% so cùng kỳ (cùng kỳ tăng 16,9%). Mặt hàng nhập khẩu nhiều từ các quốc gia: Trung Quốc tăng 20,1%; Malaysia tăng 18,9%;… và ngành hàng nhập khẩu chủ yếu là trang thiết bị, nguyên vật liệu cho sản xuất như: Máy móc, thiết bị, dụng cụ và phụ tùng tăng 22,0%; chất dẻo nguyên liệu tăng 7,8%….

Tin cùng chuyên mục