Tuy nhiên, do ảnh hưởng của giá thế giới hoặc việc tăng thuế nhập khẩu với một số mặt hàng nguyên liệu đầu vào đầu năm 2021 đã ảnh hưởng đến giá một số mặt hàng thành phẩm như nông sản, sữa, thực phẩm chế biến. Giá các mặt hàng nhiên liệu năng lượng như xăng dầu tiếp tục được điều hành theo hướng bám sát diễn biến của giá thế giới, hạn chế biên độ biến động để bình ổn thị trường trong nước.
Tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tháng 4-2021 đạt hơn 409,4 tỷ đồng, tăng 2,3% so với tháng trước. Ước 4 tháng đầu năm đạt hơn 1.695 tỷ đồng, tăng 10,2% so với cùng kỳ. Trong các nhóm dịch vụ, du lịch, bắt đầu tăng trong thời gian gần đây nhưng lũy kế 4 tháng vẫn giảm khá mạnh, mức 49,2%; nhóm dịch vụ lưu trú và dịch vụ khác phục hồi tốt, tăng đều trên 10%. Loại trừ yếu tố tăng giá, tổng mức bán lẻ hàng hóa dịch vụ 4 tháng đầu năm tăng 9,03%, là mức tăng khá tốt trong bối cảnh hoạt động kinh tế còn khó khăn do Covid-19... Dự báo, thị trường hàng hóa thế giới đang có xu hướng phục hồi, tuy còn chậm và chịu ảnh hưởng của dịch bệnh. Do ảnh hưởng của giá thế giới, một số loại hàng trong nước sẽ tiếp tục có biến động.
Nhằm tiếp tục ổn định thị trường hàng hóa và dịch vụ, Tổ điều hành thị trường trong nước kiến nghị các bộ, ngành, địa phương thực hiện nghiêm chỉ thị của Chính phủ về phòng chống dịch Covid-19, tiếp tục thực hiện mục tiêu kép vừa phòng chống dịch hiệu quả, vừa phát triển kinh tế. Cần phối hợp chặt chẽ trong điều hành thị trường, giá cả các loại hàng hóa do Nhà nước quản lý, phối hợp thông tin tuyên truyền nhằm tạo sự đồng thuận trong dư luận với công tác điều hành của Nhà nước và bình ổn thị trường.