Tuy nhiên, trong ngày 31-10, tại các huyện miền núi của tỉnh Quảng Nam có mưa to, việc sạt lở các tuyến đường khả năng vẫn xảy ra. Công tác tìm kiếm các nạn nhân còn lại gặp rất nhiều khó khăn.
Ngày 31-10: Chưa tìm thấy thêm thi thể nào
Tại hiện trường vụ sạt lở tại nóc Ông Đề, xã Trà Leng, bộ đội thuộc Quân khu 5, Công an tỉnh Quảng Nam và lực lượng tại chỗ đã chia làm nhiều tổ tìm kiếm dọc sông Leng và lòng hồ thủy điện Sông Tranh 2 để tìm kiếm các nạn nhân. Lượng đất đá tại hiện trường sạt lở cũng đã được các xe cơ giới chuyển sang nơi khác nhằm hạ độ cao phục vụ công việc tìm kiếm. Đồng thời, Quân khu 5 sử dụng máy bơm nước áp lực cao phun rửa bùn đất, phục vụ công tác tìm kiếm.
Do thời tiết xấu, mưa lớn và có nguy cơ sạt lở cao nên lực lượng chức năng phong tỏa hiện trường vụ sạt lở ở Trà Leng. Trong ngày, lực lượng cứu hộ không tìm thấy thêm thi thể nạn nhân nào. Như vậy, sau 3 ngày nỗ lực tìm kiếm, đến nay, lực lượng cứu hộ đã phát hiện 8 thi thể bị vùi lấp.
Hiện lực lượng cứu hộ với nòng cốt là cán bộ, chiến sĩ Quân khu 5 đã được tăng cường nhiều phương tiện, thiết bị, chạy đua với thời gian trước khi bão số 10 đổ bộ vào đất liền.
Dưới trời mưa to, Trung tướng Thái Đại Ngọc, Tư lệnh Quân khu 5, dẫn đầu đoàn công tác đến hiện trường tại thôn 1, xã Trà Leng để trực tiếp chỉ đạo, động viên lực lượng cứu hộ. Trung tướng ra lệnh: Tất cả các lực lượng cứu hộ phải tận dụng thời điểm thời tiết thuận lợi với quyết tâm chưa tìm được hết thi thể các nạn nhân thì chưa dừng công việc.
Báo cáo nhanh với đoàn công tác của Quân khu 5, Chủ tịch UBND huyện Nam Trà My Trần Trí Dũng cho biết, mặc dù thời tiết diễn biến bất lợi nhưng các mũi cứu hộ vẫn tiếp tục mở rộng khu vực tìm kiếm ở dưới lòng sông, khe suối.
Ông Phan Việt Cường, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam, nhấn mạnh: Thiệt hại của đồng bào là không thể đo đếm được. Cả hệ thống chính trị đã, đang và sẽ quyết liệt vào cuộc vì cộng đồng. Do vậy, nhiệm vụ của chúng ta bây giờ là phải tìm kiếm cho bằng được tất cả những người mất tích. Về lâu dài, chính quyền địa phương phải tiếp tục xây dựng khu tái định cư an toàn và ổn định cho đồng bào.
Trong vụ sạt lở tại xã Trà Leng, huyện Nam Trà My, hiện có 12 nạn nhân được cứu sống đang điều trị tại Bệnh viện huyện Bắc Trà My và Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Nam. Bên cạnh đó, cơ quan chức năng còn thành lập một bệnh viện dã chiến tại chỗ để xử lý những ca chấn thương nhẹ và sơ cứu ban đầu.
Bác sĩ Trần Lâm, Trưởng khoa Nội tim mạch, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Nam, cho biết, trong tình hình hiện nay, bệnh viện luôn sẵn sàng ứng cứu và nỗ lực hết sức để cứu sống các bệnh nhân.
Ngày 31-10, UBND huyện Phước Sơn, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Quảng Nam, Quân khu 5, Sư đoàn Không quân 372 đưa ra nhiều phương án tìm kiếm người bị nạn và tiếp tế lương thực cho người dân 2 xã Phước Thành, Phước Lộc (huyện Phước sơn) đang bị cô lập.
Trung tá Nguyễn Trung Kiên, Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy Quân sự huyện Phước Sơn, cho biết, hiện tuyến đường từ Phước Thành đến Phước Lộc có hàng loạt điểm sạt lở, mất 4 - 5 giờ đi bộ. Hiện nay, mưa lớn liên tục nên phương án cắt rừng, gùi lương thực, thực phẩm vào tiếp tế cho hàng ngàn hộ dân xã Phước Thành và Phước Lộc chưa thể thực hiện. Vì vậy, lương thực sẽ được tập kết tại xã Phước Kim và Phước Công để tiếp tục chuyển vào xã Phước Lộc vào ngày 1-11. Về tiếp tế lương thực cho người dân 2 xã Phước Thành và Phước Lộc, hiện lực lượng chức năng đã chuẩn bị 30 tấn hàng tại sân bay Đà Nẵng để trực thăng chuyển hàng lên Phước Sơn, tuy nhiên do thời tiết đang rất xấu nên phương án này chưa được triển khai.
Ông Nguyễn Văn Quảng, Phó Chủ tịch phụ trách UBND huyện Phước Sơn, cho biết, ngày 31-10, lực lượng chức năng đã đưa toàn bộ 217 kỹ sư, công nhân thi công Nhà máy thủy điện Đăk Mi 2 bị mắc kẹt do sạt lở núi và lũ ra ngoài. Cũng trong chiều 31-10, tỉnh Quảng Nam đã đưa 20 tấn gạo, 650 thùng mì tôm, thực phẩm và 500 bộ chăn màn do các tổ chức, cá nhân quyên góp lên Phước Sơn để sẵn sàng gùi vào cho người dân xã Phước Lộc và Phước Thành đang bị cô lập vì sạt lở núi.
Tối 31-10, ông Hồ Quang Bửu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, cho biết, sáng nay 1-11, tỉnh Quảng Nam sẽ huy động 20 thuyền máy để tham gia công tác tìm kiếm cứu nạn tại các sông suối và lòng hồ thủy điện Sông Tranh 2.
Theo Văn phòng thường trực Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai, đến nay, bão số 9 đã gây hậu quả nặng nề. Trên biển, có 13 tàu cá bị chìm, vẫn còn 23 ngư dân mất tích. Số liệu cập nhật đến 18 giờ tối 31-10 cho biết tổng số nạn nhân chết và mất tích do bão số 9 và mưa lũ sau bão là 79 người. Trước đó, từ ngày 6 đến 21-10 đã có 150 người chết và mất tích. Trong đó, 65 người do lũ, 64 người do sạt lở đất, 21 người do sự cố tàu trên biển và nguyên nhân khác. |