Để đảm bảo an toàn cho người dân, Thủ tướng đã có Công điện số 1063 yêu cầu các tỉnh, TP kể từ ngày 31-7 tuyệt đối không để người dân di chuyển khỏi tỉnh, TP nơi cư trú cho đến hết giãn cách. Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên cũng kêu gọi người dân các tỉnh đang sinh sống, học tập và làm việc tại TPHCM ở lại trong giai đoạn này. Do vậy, công tác an sinh xã hội đang là bài toán đặt ra cho TPHCM và các địa phương cùng chung tay giải quyết cho người dân vượt qua đại dịch này.
Để người dân yên tâm
Trong căn phòng trọ nhỏ tại phường 15, quận Bình Thạnh (TPHCM), bà Trần Thị Thu Nga (quê Bến Tre) dọn bữa cơm cho hai vợ chồng. Mâm cơm có đĩa trứng chiên, ít rau muống luộc, tô canh từ nước luộc rau. Bà Nga nói: “Trong dịch bệnh mà gia đình còn có bữa cơm thế này cũng là quý rồi”. Bà Nga - người phụ nữ miền Tây lên TPHCM lao động tự do đã không còn thu nhập suốt mấy tháng nay. Hơn 10 ngày trước, mấy người cùng quê điện thoại rủ vợ chồng bà đăng ký chuyến xe về quê tránh dịch. Nhưng tính đi tính lại, bà Nga thấy ở lại TPHCM vẫn hơn. Gia đình bà nằm trong số khoảng 55% người nhập cư trong tổng số dân hơn 500.000 người của quận Bình Thạnh.
"Các địa phương rà soát, thống kê, có biện pháp hỗ trợ, chia sẻ để người dân các tỉnh bám trụ lại TPHCM. Việc hỗ trợ cho các đối tượng khó khăn, hộ nghèo cần kịp thời, tránh để sót bằng kinh nghiệm và cách làm sáng tạo của mỗi địa phương" - Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên |
TPHCM là nơi có số lượng rất lớn công nhân, người lao động, sinh viên từ các tỉnh đến sinh sống, học tập, làm việc. Các quận, huyện, TP Thủ Đức đang tổng lực chăm lo cho người dân các tỉnh ở lại TPHCM trong thời điểm tiếp tục giãn cách thêm 14 ngày (từ 0 giờ ngày 2-8). Huyện Bình Chánh hiện có hơn 58.000 phòng trọ, với số công nhân lao động tạm trú là hơn 128.000 người, trong đó có 49.000 hộ gặp khó khăn do dịch bệnh. Bí thư Huyện ủy Trần Văn Nam cho biết, thời gian tới, huyện tập trung chăm lo cho 49.000 hộ tạm trú khó khăn này. Tại quận Gò Vấp, Chủ tịch UBND quận Nguyễn Trí Dũng cho biết, hiện nay số người có nhu cầu về quê không nhiều. Quận nắm chắc số hộ khó khăn và cơ bản quận không để người lao động thiếu lương thực, thực phẩm. Tại quận 12, mỗi phường tổ chức một đội lo về an sinh xã hội; quận có đội phản ứng nhanh giải quyết thông tin an sinh xã hội và xử lý thông tin trong ngày.
Tại TP Thủ Đức có 260.000 công nhân, người lao động ở các khu nhà trọ, trong đó, có gần 194.000 người thuộc diện công nhân, người lao động khó khăn cần hỗ trợ. Đối với trường hợp ở trọ, người khó khăn đột xuất thì MTTQ các phường tham mưu cấp ủy, chính quyền hỗ trợ ngay gói lương thực, thực phẩm tùy điều kiện của từng người. Đến nay, các phường đã hỗ trợ đột xuất gần 33,6 tỷ đồng. Với hơn 30.000 công nhân còn trụ lại, quận 7 đã vận động các chủ nhà trọ giảm giá thuê, đến nay có gần 8.000 phòng được miễn giảm với số tiền gần 4 tỷ đồng. Bên cạnh đó, quận tập trung hỗ trợ về lương thực, nhu yếu phẩm, đảm bảo người dân không phải ra khỏi nhà.
Cam kết không để ai thiếu đói
Giám đốc Sở LĐTB-XH TPHCM Lê Minh Tấn cho biết, hiện nay có rất đông người lao động nghèo ở nhà trọ, xóm lao động, khu phong tỏa. Người dân không có việc làm, không có tích lũy nên cuộc sống rất khó khăn. Do đó, ấp, khu phố, tổ dân phố xem xét các trường hợp khó khăn đề xuất phường, xã hỗ trợ, mức hỗ trợ từ 1-1,5 triệu đồng/hộ. “Đây là những diện khó khăn cần được hỗ trợ ngay, không thể chậm trễ. Chính quyền TPHCM sẽ không để ai đói khổ”, ông Lê Minh Tấn khẳng định.
Theo ông Lê Minh Tấn, đến thời điểm này, lao động nghèo có mặt tại TPHCM thì được hỗ trợ, không phân biệt tạm trú hay thường trú, do đây là cứu trợ đột xuất ngắn hạn vì dịch Covid-19. Tính đến ngày 3-8, có gần 42.000 lao động hoãn việc, nghỉ việc đã nhận hỗ trợ hơn 84 tỷ đồng; hơn 334.000 lao động tự do nhận hỗ trợ với số tiền hơn 501 tỷ đồng… Chăm lo cho người lao động sinh sống và làm việc tại TPHCM, không phân biệt hộ khẩu cũng là yêu cầu mà Phó Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Hồ Hải vừa chỉ đạo các Quận ủy, Huyện ủy, Thành ủy TP Thủ Đức vào chiều 2-8. TPHCM cũng lập Trung tâm tiếp nhận và cấp phát, hỗ trợ nhu yếu phẩm cho người dân ở cả 3 cấp (cấp thành phố, cấp quận huyện và cấp phường xã thị trấn). Trong những ngày giãn cách, TPHCM sẽ thực hiện cấp phát lương thực thực phẩm - các túi an sinh xã hội - tới người dân có hoàn cảnh khó khăn.
Trưởng Ban Dân vận Thành ủy TPHCM Nguyễn Hữu Hiệp cho biết, mỗi túi an sinh xã hội trợ giúp các gia đình từ 2-4 người, hoặc phòng trọ 4 người có thể sử dụng 1 tuần lễ. Túi an sinh xã hội gồm lương thực (phần cứng) với 10 kg gạo, mì gói và thực phẩm, nước tương, nước mắm, dầu ăn, bột nêm… (phần mềm). “Chúng tôi cam kết không để ai thiếu đói. Tất cả người dân có hoàn cảnh khó khăn đều được thống kê để hỗ trợ”, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TPHCM Phan Văn Mãi nhấn mạnh thông điệp khi trao đổi với báo chí sáng 3-8.
Sở LĐTB-XH TPHCM đề xuất hỗ trợ lần 2 cho những ngày TPHCM giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 đối với 334.000 lao động tự do với số tiền dự kiến là 501 tỷ đồng. Trước đó, trong đợt hỗ trợ lần 1 (tháng 7-2021), những lao động này đã nhận hỗ trợ lần 1 cho 30 ngày TPHCM giãn cách xã hội theo Chỉ thị 15. Cùng với đó, trong đợt này, sở cũng đề xuất hỗ trợ đối với 90.000 hộ nghèo, cận nghèo trên địa bàn TPHCM và 170.000 hộ lao động khó khăn ở các nhà trọ, xóm nghèo với mức 1 triệu đồng/hộ. Như vậy, tổng quy mô đề xuất hỗ trợ lần này là khoảng 760 tỷ đồng. |