Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam lý giải việc trao quyền quyết định biên chế cán bộ công đoàn

Giải trình trước Quốc hội, Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Nguyễn Đình Khang cho biết, thời gian vừa qua, biên chế của cán bộ công đoàn có rất nhiều bất cập. Có những tỉnh, thành có quan hệ lao động phức tạp với số lượng doanh nghiệp, đoàn viên công đoàn đông nhưng số lượng cán bộ công đoàn bố trí không đáp ứng yêu cầu.

Sáng 18-6, Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự án Luật Công đoàn (sửa đổi).

Cán bộ công đoàn nơi thừa, nơi thiếu

Liên quan đến tổ chức, cán bộ làm công tác công đoàn, ĐB Hà Phước Thắng (TPHCM) cho rằng, thời gian qua, các quy định về tổ chức bộ máy công đoàn, cơ chế quản lý cán bộ công đoàn đã bộc lộ một số điểm chưa phù hợp.

3f6ebc91825721097846.jpg
ĐB Hà Phước Thắng (TPHCM). Ảnh: QUANG PHÚC

Cơ chế giao cho cơ quan có thẩm quyền tại địa phương giao biên chế cho tổ chức công đoàn địa phương trong biên chế chung, được cấp trên giao cho khối Mặt trận Tổ quốc và đoàn thể chính trị. Việc này dẫn đến sự không đồng bộ về biên chế trong cùng một cấp công đoàn.

Bên cạnh đó, việc phân bổ biên chế do cơ quan có thẩm quyền tại địa phương quyết định, trong khi việc đảm bảo nguồn tài chính lại do công đoàn cấp trên quyết định. Điều này dẫn tới thiếu đồng bộ trong phân bổ nhân lực và nguồn lực.

Tình trạng không điều tiết được từ nơi thừa sang nơi thiếu biên chế cán bộ công đoàn trong phạm vi cả nước hay trong phạm vi của tỉnh, thành phố… cũng là vấn đề bất cập trong quản lý biên chế cán bộ công đoàn hiện nay.

f8a3a40b11ceb290ebdf.jpg
ĐBQH dự phiên họp ngày 18-6. Ảnh: QUANG PHÚC

Mặt khác, trong bối cảnh xuất hiện cạnh tranh công đoàn, đẩy mạnh hội nhập quốc tế và sự phát triển nhanh về số lượng doanh nghiệp, người lao động, đoàn viên công đoàn, nhiệm vụ của công đoàn đặc thù và ngày càng nặng nề, nhưng biên chế công đoàn lại rất thấp so với yêu cầu nhiệm vụ đề ra.

Do đó, việc đề xuất tăng thẩm quyền cho Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam (LĐLĐVN) trong công tác cán bộ như trong dự thảo Luật Công đoàn (sửa đổi) là phù hợp với tinh thần hiện nay và phù hợp định hướng phát triển của công đoàn, thời gian tới.

Cùng quan điểm trên, ĐB Nguyễn Hoàng Uyên (Long An) đề nghị bổ sung quy định cơ chế quản lý biên chế phù hợp trong Luật Công đoàn (sửa đổi) nhằm tăng quyền chủ động của công đoàn trong việc bố trí cán bộ công đoàn. Hiện nay, biên chế cho cán bộ công đoàn chuyên trách có giới hạn trong khi số lượng đoàn viên và công đoàn cơ sở ngày càng tăng.

Một số công đoàn cấp trên chỉ có 1-2 cán bộ chuyên trách trong khi có đến 6.000 công đoàn viên. Một số công đoàn khu công nghiệp, Liên đoàn Lao động cấp huyện quản lý trên 130.000 đoàn viên nhưng biên chế cho cán bộ chuyên trách chỉ từ 7-8 người, ĐB Nguyễn Hoàng Uyên dẫn chứng và cho rằng với biên chế này sẽ rất khó khăn cho công tác quản lý, điều hành, kiểm tra, giám sát của hoạt động công đoàn.

ĐB đề nghị cần quan tâm, bố trí cán bộ công đoàn cơ sở hoạt động chuyên trách theo quy mô, số lượng công đoàn viên cho phù hợp trong các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp.

9d89be0563c1c09f99d0.jpg
ĐB Nguyễn Duy Minh (Đà Nẵng). Ảnh: QUANG PHÚC

ĐB Nguyễn Duy Minh (Đà Nẵng) đồng tình việc sửa đổi, bổ sung quy định giao quyền cho Tổng LĐLĐVN chủ động đề xuất số lượng cán bộ công đoàn là cán bộ, công chức, viên chức trong hệ thống nhằm tạo ra sự đồng bộ về biên chế trong hệ thống công đoàn.

Theo ĐB, điều này còn khắc phục tình trạng các địa phương có các điều kiện giống nhau nhưng lại giao biên chế khác nhau và khắc phục được tình trạng cào bằng trong phân bổ biên chế.

Quyết định biên chế hợp đồng

Giải trình trước Quốc hội, Chủ tịch Tổng LĐLĐVN Nguyễn Đình Khang cho biết, dự thảo luật đã quy định theo hướng công đoàn các cấp được đảm bảo về tổ chức và số lượng cán bộ công đoàn để thực hiện được đầy đủ chức năng, quyền và trách nhiệm.

Đồng thời, cho phép Tổng LĐLĐVN quyết định số lượng cán bộ chuyên trách là người làm việc theo hợp đồng lao động trong các cơ quan chuyên trách của công đoàn và công đoàn cơ sở.

a0c04d5ddb9b78c5218a.jpg
Toàn cảnh phiên thảo luận tại hội trường. Ảnh: QUANG PHÚC

Theo Chủ tịch Tổng LĐLĐVN, thời gian vừa qua, biên chế của cán bộ công đoàn có rất nhiều bất cập. Có những tỉnh, thành có quan hệ lao động phức tạp với số lượng doanh nghiệp, đoàn viên công đoàn đông nhưng số lượng cán bộ công đoàn bố trí không đáp ứng yêu cầu.

Ngược lại, một số tỉnh, thành có số lượng doanh nghiệp ít và số lượng đoàn viên công đoàn ít và quan hệ lao động không phức tạp lại được bố trí cán bộ công đoàn không tương xứng với đặc điểm như vậy.

Cho nên Tổng LĐLĐ đề nghị có số lượng cán bộ hợp đồng, đây là cho những đơn vị sự nghiệp của công đoàn.

fd4ac5d15317f049a906.jpg
Chủ tịch Tổng LĐLĐVN Nguyễn Đình Khang giải trình trước Quốc hội. Ảnh: QUANG PHÚC

Theo Chủ tịch Tổng LĐLĐVN, tại các công đoàn cơ sở có đông công nhân lao động rất mong muốn sẽ được hợp đồng để có cán bộ công đoàn chuyên trách ở cơ sở.

Chủ tịch Tổng LĐLĐVN dẫn chứng, tại TPHCM, Thành ủy TPHCM đã cho tổ chức công đoàn 22 biên chế để cử xuống làm chủ tịch công đoàn chuyên trách ở các cơ sở có đông công nhân lao động và quan hệ lao động phức tạp.

Tin cùng chuyên mục