Liên quan đến việc Tổng Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Việt Nam buộc Trường ĐH Tôn Đức Thắng - đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc Tổng LĐLĐ Việt Nam phải trích nộp đến 30% chênh lệch thu - chi, có thể lên đến vài chục tỷ đồng/năm, gây xôn xao dư luận mấy ngày gần đây, chiều 10-6 tại Hà Nội, Tổng LĐLĐ Việt Nam đã tổ chức cuộc họp khẩn để phản hồi về thông tin này.
Đại diện Tổng LĐLĐ Việt Nam giải thích rằng, về vấn đề Trường ĐH Tôn Đức Thắng nói Tổng LĐLĐ Việt Nam “buộc”, “đòi” trường nộp 30% chênh lệch thu chi năm 2017, Đoàn Kiểm tra của Tổng LĐLĐ Việt Nam đã tiến hành kiểm tra công tác quản lý tài chính, tài sản của nhà trường có kiến nghị: “Tổng LĐLĐ Việt Nam hàng năm phê duyệt dự toán thu, chi của trường và giao nghĩa vụ phải nộp lên Tổng LĐLĐ Việt Nam theo quy định”. Theo quy định tại Quy định 1684 năm 2006 của Tổng LĐLĐ Việt Nam thì “đơn vị tự bảo đảm kinh phí hoạt động phải trích nộp cơ quan quản lý cấp trên trực tiếp tối đa không quá 30% kết quả tài chính sau khi đã nộp thuế, mức cụ thể do cơ quan quản lý cấp trên trực tiếp quyết định”.
Trong văn bản góp ý của Tổng LĐLĐ Việt Nam đối với quy chế tổ chức, hoạt động của nhà trường có tiếp tục nêu lại nội dung này. Tuy nhiên, căn cứ Quyết định 158 ngày 29-1-2015 của Thủ tướng Chính phủ, Thường trực Tổng LĐLĐ Việt Nam đã quyết định không thu của trường. Việc nêu nội dung trên chỉ là kiến nghị của đoàn kiểm tra và ý kiến của Ban chuyên môn Tổng LĐLĐ Việt Nam, không phải là chỉ đạo của Thường trực Đoàn Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam. Hàng năm, Tổng LĐLĐ Việt Nam cũng không giao dự toán phải nộp nghĩa vụ cho trường và thực tế đến nay hoàn toàn không thu của trường khoản tiền nào.
“Về việc lãnh đạo nhà trường cho rằng, Tổng LĐLĐ Việt Nam yêu cầu trường nộp 30% chênh lệch thu chi để xây dựng thiết chế công đoàn là thông tin hoàn toàn sai sự thật” - thông cáo của Tổng LĐLĐ Việt Nam sau cuộc họp báo nêu rõ.
Theo Tổng LĐLĐ Việt Nam, TDTU tiền thân là Trường ĐH Công nghệ dân lập Tôn Đức Thắng do LĐLĐ TPHCM sáng lập, được thành lập theo Quyết định 787/TTg ngày 24-9-1997 của Thủ tướng Chính phủ; sau đó chuyển thành trường bán công và đổi tên thành Trường ĐH Bán công Tôn Đức Thắng, trực thuộc UBND TPHCM theo Quyết định 18/2003/QĐ-TTg ngày 28-1-2003 của Thủ tướng Chính phủ. Tiếp đó, trường này được chuyển thành trường ĐH công lập trực thuộc Tổng LĐLĐ Việt Nam theo Quyết định 747/QĐ-TTg ngày 11-6-2008 của Thủ tướng Chính phủ. TDTU được hình thành từ chủ trương của LĐLĐ TPHCM nhằm thực hiện nhiệm vụ chính trị của tổ chức công đoàn và của TPHCM trong những năm đầu đổi mới, dù qua nhiều lần thay đổi nhưng toàn bộ tài sản, cơ sở vật chất với giá trị đầu tư gần 3.000 tỷ đồng và trên 100ha đất cùng bộ máy, nhân sự kể từ ngày đầu thành lập cho đến nay đều thuộc về tổ chức công đoàn.