Nhân dịp kỷ niệm 30 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Hoa Kỳ, phóng viên Báo SGGP đã có cuộc phỏng vấn bà Susan Burns, Tổng Lãnh sự Hoa Kỳ tại TPHCM.

Một sự chuyển đổi đáng kinh ngạc
PHÓNG VIÊN: Năm 2025 đánh dấu kỷ niệm 30 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Hoa Kỳ. Bà đánh giá thế nào về mối quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ trong 3 thập niên qua?
Tổng Lãnh sự SUSAN BURNS: Tôi thực sự trân trọng cơ hội được nói đôi chút về kỷ niệm 30 năm quan hệ ngoại giao giữa Hoa Kỳ và Việt Nam. Tôi nghĩ rằng khởi đầu của cuộc đối thoại giữa Hoa Kỳ và Việt Nam diễn ra xung quanh những gì chúng ta gọi là vấn đề “di sản chiến tranh”, đó là sự giúp đỡ của Chính phủ Việt Nam trong việc tìm kiếm người Mỹ mất tích trong chiến tranh. Điều đó đã xảy ra ngay cả trước năm 1995, và đó là nền tảng để hai nước có thể bắt đầu giao tiếp và xây dựng lại lòng tin, là cách quan trọng để thiết lập mối quan hệ ngoại giao mà chúng ta đã làm.
Từ đó chúng ta đã có sự hợp tác trong rất nhiều lĩnh vực khác nhau được xây dựng theo thời gian. Đặc biệt, thương mại song phương tăng trưởng đáng kinh ngạc. Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam. Về thời điểm khởi đầu giao thương của chúng ta, vào năm 1994 và đầu năm 1995, ngay sau khi Hoa Kỳ dỡ bỏ lệnh cấm vận thương mại, thương mại song phương của chúng ta ước tính là 451 triệu USD và bây giờ là gần 150 tỷ USD. Vì vậy, đây thực sự là một sự chuyển đổi đáng kinh ngạc trong một thời gian rất ngắn vì 30 năm không phải là quá dài. Về mối quan hệ ngoại giao nhân dân hai nước, rất nhiều người Mỹ đến thăm Việt Nam và rất nhiều người Việt Nam đang sinh sống, học tập, làm việc tại Hoa Kỳ, điều đó đã thực sự củng cố mối quan hệ song phương.
Hoa Kỳ và Việt Nam đã chuyển từ đối thủ thành đối tác, từ kẻ thù thành bạn bè. Theo bà, mối quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ có thể là một kiểu mẫu cho quan hệ quốc tế?
Tôi vừa có cuộc trò chuyện về đề tài này với một vài người làm việc cho một công ty Hoa Kỳ ở TPHCM. Vai trò của người dân Việt Nam rất lớn với khả năng hòa giải và tha thứ của họ, điều mà tôi nghĩ là đáng kinh ngạc. Theo quan điểm của tôi, công lao phần lớn của sự hòa giải đến từ quan điểm của người Việt Nam.
Tôi cũng đánh giá cao những người có tầm nhìn xa trông rộng ở cả hai phía, điều đó cần thiết trong bất kỳ hình thức hòa giải nào. Với những cá nhân cụ thể ở phía Hoa Kỳ như các cựu chiến binh Hoa Kỳ, những người rất nổi tiếng như Thượng nghị sĩ John McCain, Thượng nghị sĩ John Kerry, Thượng nghị sĩ Patrick Leahy…, chính họ là những người tin tưởng và góp công sức xây dựng mối quan hệ Hoa Kỳ - Việt Nam. Tương tự như vậy, Việt Nam cũng đã có những người trong suốt chiều dài lịch sử rất đầu tư vào việc cải thiện mối quan hệ này. Chúng ta đang ở năm thứ hai của quan hệ Đối tác Chiến lược toàn diện và phạm vi của mối quan hệ Hoa Kỳ - Việt Nam bao gồm rất nhiều lĩnh vực. Riêng tôi nhận định, mối quan hệ kinh tế giữa hai nước thực sự dẫn đầu.
Tôi đã đề cập đến thương mại hai chiều của chúng ta và chắc chắn chúng ta muốn thấy nhiều hàng nhập khẩu hơn từ Hoa Kỳ vào Việt Nam tương xứng với xuất khẩu của Việt Nam vào Hoa Kỳ. Bạn thấy đấy, ngày càng nhiều trái cây, rau quả và sản phẩm nông nghiệp của Hoa Kỳ có mặt ở Việt Nam. Hơn nữa, còn nhiều tiềm năng hơn cho công nghệ cao do chúng tôi sản xuất, trong đó có công nghệ y tế. Năng lượng cũng là lĩnh vực đáng nói, như khí đốt tự nhiên hóa lỏng từ Hoa Kỳ nhập khẩu Việt Nam cũng là một lựa chọn. Nhìn chung, tôi muốn nói rằng mối quan hệ thương mại song phương Hoa Kỳ - Việt Nam thực sự là một câu chuyện thành công lớn, và là một phần lớn trong sự phát triển mối quan hệ hai nước. Hợp tác về giáo dục cũng quan trọng không kém. Hiện tại, có khoảng 60 quan hệ đối tác giáo dục đại học giữa Hoa Kỳ và Việt Nam. Nhiều trường đại học Hoa Kỳ đã có quan hệ với các trường đại học Việt Nam. Tôi nghĩ điều đó thực sự quan trọng vì các trường đại học Hoa Kỳ có kinh nghiệm đào tạo nguồn nhân lực, giúp Việt Nam đạt được mục tiêu có thêm hàng ngàn kỹ sư bán dẫn vào năm 2030 và trở thành một quốc gia có thu nhập cao vào năm 2045.
Thúc đẩy Việt Nam cùng phát triển thịnh vượng
Theo bà, mối quan hệ giữa TPHCM và các thành phố của Hoa Kỳ, đặc biệt là thành phố kết nghĩa San Francisco đóng vai trò gì trong quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ?
Vâng, có rất nhiều người và tổ chức mà chúng ta phải cảm ơn trên chặng đường đã đưa chúng ta đến kỷ niệm 30 năm thiết lập quan hệ, và một trong số đó là quan hệ kết nghĩa TPHCM - TP San Francisco, bởi vì mối quan hệ đó bắt đầu rất sớm, trước khi hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao. Tôi ấn tượng về mối quan hệ này và ủng hộ TPHCM có thêm quan hệ kết nghĩa với các thành phố khác của Hoa Kỳ.
Nhân đây, tôi muốn nói rằng, Việt Nam nói chung và TPHCM nói riêng đã làm rất tốt trong việc thu hút người Mỹ gốc Việt trở về và làm việc tại Việt Nam. Tôi tình cờ tham dự một cuộc họp với UBND TPHCM vào năm 2024 với các công ty Hoa Kỳ trong lĩnh vực y tế. Theo đó, mỗi công ty trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe của Hoa Kỳ đều có một người Mỹ gốc Việt đứng đầu công ty. Ngay cả Phó Chủ tịch UBND TPHCM Võ Văn Hoan cũng rất ấn tượng với điều đó, nhưng tôi nghĩ đó thực sự là một dấu hiệu hữu hình về mối liên hệ đã được xây dựng giữa hai quốc gia chúng ta nhờ vào các mối quan hệ đối tác mà TPHCM đã phát triển với một số thành phố và khu kinh tế của Hoa Kỳ.
Khoa học - công nghệ là lĩnh vực hợp tác quan trọng giữa hai quốc gia. Bà đánh giá như thế nào về sự sẵn sàng của Chính phủ và doanh nghiệp Việt Nam đối với những tiến bộ trong lĩnh vực này, cũng như sự hợp tác với Hoa Kỳ trong lĩnh vực này?
Có một số lĩnh vực hợp tác chúng ta thực sự có thể mở rộng. Chúng tôi cũng muốn thúc đẩy việc mua thiết bị công nghệ cao để thực sự giúp hiện đại hóa lực lượng quốc phòng Việt Nam. Ngoài ra, chúng tôi chắc chắn đang tăng cường hợp tác một số lĩnh vực mà chính phủ Việt Nam rất quan tâm, chẳng hạn ngành công nghiệp bán dẫn. Chúng tôi mong muốn tập trung phát triển lực lượng lao động trong lĩnh vực này và điều đó sẽ có lợi cho cả nền kinh tế Việt Nam và nền kinh tế Hoa Kỳ. Mục tiêu của chúng tôi chắc chắn là tăng cường sự thịnh vượng của Hoa Kỳ nhưng chúng tôi nghĩ rằng chúng tôi có thể làm được điều đó khi thúc đẩy Việt Nam cùng phát triển và thịnh vượng.
Chúng tôi cũng thực sự quan tâm đến một số chính sách cần thiết để giúp Việt Nam tiếp tục chuyển đổi số. Vì vậy, chúng tôi chắc chắn sẽ làm việc với các ngành liên quan để cố gắng tư vấn cho Chính phủ Việt Nam về cách tốt nhất để thực hiện điều đó. Có rất nhiều điều cần phải diễn ra rất nhanh chóng để Việt Nam có thể tận dụng lợi thế của bối cảnh thông tin thay đổi nhanh trên toàn thế giới. Đối với TPHCM nói riêng, thành phố có mục tiêu trở thành trung tâm dịch vụ tài chính quốc tế, điều đó cũng đòi hỏi rất nhiều thay đổi về quy định khi mà việc chuyển tiền vào và ra hiện rất phức tạp. Chúng tôi muốn đơn giản hóa điều đó, vì vậy chúng tôi mong muốn được làm việc với chính quyền TPHCM về cách chúng tôi có thể hỗ trợ tốt nhất trong xây dựng thành phố trở thành trung tâm dịch vụ tài chính quốc tế.