Giải thưởng sáng chế TPHCM lần VII (2022-2023) được phát động từ tháng 9-2022. Ban tổ chức đã nhận được 33 hồ sơ tham dự, trong đó có 30 hồ sơ lọt vào vòng chấm giải ở các lĩnh vực như chế biến thực phẩm, lâm nghiệp, nông nghiệp, môi trường, y tế, cơ khí và tự động hoá.
Năm nay, không có hồ sơ đạt giải nhất và giải nhì; có 4 hồ sơ đạt giải ba và 4 hồ sơ đạt giải khuyến khích, cụ thể:
Giải ba thuộc về sáng chế: Cơ cấu bù xung đồng bộ cho động cơ Servo (nhóm tác giả Nguyễn Phi Bằng, Nguyễn Duy Bá); Thiết bị cân bằng động chi tiết quay (Trường Đại học Bách Khoa – ĐH Quốc gia TPHCM); Thiết bị sản xuất khí đốt từ trấu (Trung tâm Nghiên cứu và phát triển công nghệ máy công nghiệp, Trường Đại học Công nghiệp TPHCM); Quy trình sản xuất sản phẩm yến sào thực dưỡng ở dạng gói và dùng liền (nhóm tác giả Trần Thị Liệu, Phan Trần Đức Liên).
Giải khuyến khích thuộc về các sáng chế: Quy trình điều chế tinh thể nano curcumin phân tán trong dung dịch ở nồng độ cao bằng phương pháp nghiền ướt (Trung tâm Nghiên cứu triển khai Khu công nghệ cao); Xẻng cạp bùn (Công ty TNHH MTV Thoát nước đô thị TPHCM); Bàn chân giả với khớp mắt cá chân đa trục (Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật TPHCM); Phương xác định nguồn gốc địa lý và tuổi thành tạo tương đối của hổ phách tự nhiên (tác giả Lê Ngọc Năng).
Theo bà Nguyễn Thị Kim Huệ, Phó Giám đốc Sở KH-CN TPHCM, trong năm 2024, sở sẽ tiếp tục phát động và tiếp nhận hồ sơ dự thi Giải thưởng sáng chế TPHCM lần VIII. Để nâng cao chất lượng giải thưởng, Sở KH-CN TPHCM mong nhận được thêm nhiều hồ sơ dự thi của các nhà sáng chế, các doanh nghiệp, trường - viện, trung tâm nghiên cứu, nhằm góp phần thúc đẩy đổi mới sáng tạo của TPHCM nói riêng và Việt Nam nói chung.
Giải thưởng Sáng chế TPHCM do Sở KH-CN TPHCM phát động từ năm 2008, được tổ chức 2 năm một lần. Với mục tiêu thúc đẩy các hoạt động đổi mới sáng tạo, tiến bộ khoa học và công nghệ trong các tầng lớp nhân dân, các tổ chức và doanh nghiệp nhằm nâng cao năng lực, chất lượng, hiệu quả, tạo ra các giá trị mới thúc đẩy sản xuất kinh doanh. Bên cạnh đó, còn thúc đẩy gia tăng số lượng đơn đăng ký sáng chế, giải pháp hữu ích, tạo cơ sở cho việc thương mại hoá, chuyển giao kết quả đầu tư sáng tạo cho các ngành công nghiệp.