Đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ cách mạng trong tình hình mới, một trong những nhiệm vụ quan trọng của ngành Tuyên giáo trong thời gian tới là tiếp tục đẩy mạnh tổng kết thực tiễn, nghiên cứu lý luận, tiếp tục làm sáng tỏ hơn nữa lý luận về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta.
Trưa ngày 15-7, phát biểu kết luận Hội thảo khoa học: “Công tác Tuyên giáo của Đảng – 90 năm chặng đường vẻ vang - Thành tựu và Tầm nhìn”, đồng chí Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương đã trân trọng cảm ơn các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Ban Tuyên giáo Trung ương, các đồng chí đại diện lãnh đạo các ban, bộ, ngành, đoàn thể Trung ương và địa phương; các vị đại biểu, các nhà khoa học đã viết bài, tham dự, tham luận tại hội thảo, góp phần vào thành công của hội thảo quan trọng và rất ý nghĩa này.
Theo đồng chí Võ Văn Thưởng, kết quả của hội thảo thực sự là những đóng góp có ý nghĩa cho công tác nghiên cứu, tuyên truyền, giáo dục truyền thống của ngành; củng cố và nâng cao trách nhiệm, khơi dậy lòng tự hào và niềm tin của đội ngũ làm công tác tuyên giáo vào sự lãnh đạo của Đảng và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta.
Hội thảo cũng là dịp để chúng ta tưởng nhớ, kính trọng và biết ơn Chủ tịch Hồ Chí Minh - người thầy vĩ đại của ngành Tuyên giáo, đồng thời tri ân công lao của các thế hệ lãnh đạo, cán bộ Ngành Tuyên giáo như: các đồng chí Trường Chinh, Trần Huy Liệu, Tố Hữu, Hoàng Tùng, Đào Duy Tùng, Hà Xuân Trường, Trần Trọng Tân... Tấm gương của các đồng chí lãnh đạo tiền bối chính là động lực, khích lệ tinh thần, truyền thêm nhiệt huyết, thôi thúc sự dấn thân hành động trong mỗi cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và người lao động Ngành Tuyên giáo, tiếp bước, cống hiến hết mình vì sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc.
Đồng chí Võ Văn Thưởng phát biểu kết luận hội thảo. Ảnh: T.B
Đồng chí Võ Văn Thưởng cho biết, sau 6 tháng chuẩn bị, Ban Tổ chức Hội thảo đã nhận được hơn 90 bài tham luận của các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo, chuyên gia, nhà nghiên cứu trong và ngoài ngành Tuyên giáo.
Các bài tham luận đã khái quát lịch sử vẻ vang của ngành Tuyên giáo 90 năm qua, khẳng định những cống hiến, đóng góp quan trọng của các thế hệ cán bộ ngành tuyên giáo qua các thời kỳ; tổng kết, rút ra một số bài học kinh nghiệm có giá trị lý luận và thực tiễn quý báu, những nhiệm vụ và giải pháp, đáp ứng yêu cầu cách mạng trong giai đoạn mới.
Các tham luận cũng đã khẳng định công tác tuyên giáo là một trong những công tác trọng yếu của Đảng, đóng vai trò đi trước - mở đường, đi cùng – phát triển đối với tiến trình cách mạng của Đảng và dân tộc 90 năm qua, có ý nghĩa quan trọng trong công tác xây dựng Đảng. Ngay từ khi mới ra đời, Đảng đã rất quan tâm đến công tác chính trị tư tưởng và sớm thành lập cơ quan lãnh đạo công tác tư tưởng. Lịch sử đã chứng minh sức mạnh của công tác chính trị tư tưởng trong việc giác ngộ, tập hợp, tổ chức quần chúng, biến ý chí và tinh thần cách mạng thành sức mạnh vật chất, tạo nên các cao trào cách mạng dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, đưa cách mạng Việt Nam đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác.
Lãnh đạo Ban Tuyên giáo Trung ương qua các thời kỳ và một số đại biểu dự hội thảo chụp hình kỷ niệm. Ảnh: T.B Nhiều bài tham luận đã khẳng định chặng đường phát triển đầy tự hào, cũng như nhiều đóng góp hết sức quan trọng của ngành Tuyên giáo đối với tiến trình cách mạng của Đảng và dân tộc.
Trong lịch sử hình thành và phát triển, Ban Tuyên giáo Trung ương và ban tuyên giáo các địa phương đã mang nhiều tên gọi, có những thời gian được xây dựng thành nhiều ban có các vị trí quan trọng khác nhau, như: Ban Tuyên huấn, Ban Văn hóa, Ban Nghiên cứu văn học, lịch sử, địa lý, Ban Khoa giáo, Ban Văn nghệ, Ban Tư tưởng - Văn hoá...
Công tác tuyên giáo bao quát nhiều mặt trong lãnh đạo, quản lý đất nước và trong đời sống xã hội: nghiên cứu, giáo dục lý luận chính trị; bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác quan điểm sai trái, thù địch; tuyên truyền, cổ động; văn hóa – văn nghệ, báo chí – xuất bản, thông tin đối ngoại; giáo dục, khoa học, công nghệ, các vấn đề xã hội...
Những đóng góp toàn diện, quan trọng của công tác tuyên giáo đã góp vào quá trình đổi mới tư duy, hình thành đường lối Đổi mới của Đảng; xây dựng Cương lĩnh, đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, tổ chức các phong trào thi đua yêu nước sâu rộng trong các tầng lớp nhân dân, giáo dục, bồi dưỡng, xây đắp và củng cố niềm tin, định hướng giá trị, xây dựng thế giới quan khoa học cho cán bộ, đảng viên và nhân dân, thúc đẩy mọi người hành động tích cực, sáng tạo nhằm thực hiện thắng lợi mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.
Trải qua quá trình phát triển, công tác tư tưởng, lý luận ngày càng được đẩy mạnh: tổng kết thực tiễn, nghiên cứu lý luận, tích cực đổi mới về nội dung và phương pháp học tập, tuyên truyền; tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, chủ động đấu tranh phòng, chống “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch; tăng cường phòng ngừa, đấu tranh phê phán, ngăn chặn, đẩy lùi những biểu hiện suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ...; góp phần tạo sự thống nhất trong Đảng, sự đồng thuận trong xã hội, có ý nghĩa quan trọng, toàn diện đối với công tác xây dựng Đảng.
Đồng chí Võ Văn Thưởng và các đại biểu trao đổi về công nghệ xuất bản sách mới tại hội thảo. Ảnh: T.B Đồng chí Võ Văn Thưởng cho biết, các tham luận cũng đã chỉ ra các nhiệm vụ quan trọng của công tác tuyên giáo trong bối cảnh mới khi thời cơ, thuận lợi và khó khăn, thách thức đan xen, đòi hỏi sự nỗ lực cao hơn, quyết tâm mạnh mẽ hơn của toàn ngành Tuyên giáo. Từ đó, đề xuất những định hướng, giải pháp nhằm tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác Tuyên giáo, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ cách mạng trong tình hình mới.
Trên cơ sở phân tích bối cảnh, tình hình thế giới và trong nước, cũng như yêu cầu phát triển đất nước trong giai đoạn mới, các tham luận đã đề xuất những nhiệm vụ, giải pháp quan trọng của ngành Tuyên giáo trong thời gian tới. Đó là phải: Tiếp tục đẩy mạnh tổng kết thực tiễn, nghiên cứu lý luận, tiếp tục làm sáng tỏ hơn nữa lý luận về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta; Nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu quả công tác tuyên truyền, giáo dục lý luận chính trị; Tạo sự thống nhất cao trong Đảng, sự đồng thuận trong Nhân dân; Góp phần trực tiếp hơn nữa trong giải quyết những vấn đề xã hội bức xúc; Chủ động đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch; Thực hiện nghiêm túc những chỉ thị, quy định về bảo vệ Đảng, bảo vệ chính trị nội bộ; Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tuyên truyền, khoa giáo, báo chí, xuất bản, thông tin đối ngoại, văn hoá, văn nghệ, nắm bắt dư luận xã hội và góp phần giải quyết kịp thời, hiệu quả các vấn đề phức tạp, nhạy cảm...
Niên biểu tóm tắt ngành Tuyên giáo của Đảng 90 năm qua. Ảnh: T.B Từ những yêu cầu đặt ra cho ngành Tuyên giáo trong tình hình mới, các tham luận đã đề xuất những phương hướng, giải pháp tiếp tục đổi mới, sáng tạo để nâng cao tính chiến đấu, tính thuyết phục và hiệu quả công tác tuyên giáo. Những định hướng, giải pháp được đề xuất tập trung vào các vấn đề: Tiếp tục nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò, yêu cầu, nhiệm vụ của công tác tuyên giáo, kiên định những vấn đề về quan điểm có tính nguyên tắc đã được khẳng định trong Cương lĩnh, Điều lệ Đảng và các nghị quyết của Đảng; Gắn chặt công tác Tuyên giáo với thực tế đời sống, lấy thực tiễn làm gốc, đồng hành, tham gia trực tiếp hơn nữa vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, đối ngoại, xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị; Tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh gắn với thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII; Chủ động dự báo và định hướng thông tin, đẩy mạnh hơn nữa việc ứng dụng công nghệ thông tin, truyền thông vào các hoạt động tuyên giáo;…
“Công tác Tuyên giáo, công tác tư tưởng là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị, trước hết là của cấp ủy, tổ chức đảng, người đứng đầu, các cấp, các ngành, không thể “khoán trắng”, “phó mặc” cho cơ quan tuyên giáo các cấp. Mong muốn cấp ủy, tổ chức đảng quan tâm hơn nữa tới công tác xây dựng, củng cố đội ngũ cán bộ làm công tác tuyên giáo “vừa hồng, vừa chuyên”, đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới”, đồng chí Võ Văn Thưởng nhấn mạnh. |
TRẦN BÌNH