Theo Tổng cục Đường bộ Việt Nam, giải pháp sửa chữa mặt cầu Thăng Long sử dụng công nghệ lõi của châu Âu, do đội ngũ chuyên gia, kỹ sư trong nước làm chủ các nội dung chủ yếu của công tác thiết kế, thi công.
Toàn bộ quá trình nghiên cứu đề xuất giải pháp sửa chữa và tiến hành thi công đều được thực hiện bởi tư vấn và nhà thầu xây dựng trong nước với sự hỗ trợ kỹ thuật của các chuyên gia đầu ngành trong các lĩnh vực kết cấu, vật liệu trong nước, không phải nhận chuyển giao công nghệ từ bất cứ quốc gia nào. Vật tư thi công dự án cũng chủ yếu là nguồn vật liệu trong nước.
Tuy nhiên, máy trang rải, đầm bê tông, nhà thầu có thể phải nhập từ Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc, châu Âu… Việc lựa chọn thiết bị là do nhà thầu và sẽ được kiểm tra chặt chẽ theo đúng tiêu chuẩn kỹ thuật của dự án.
Do đó, dự án có 2 kỹ thuật viên người Trung Quốc thực hiện công tác bàn giao, hướng dẫn vận hành thiết bị theo hợp đồng mua sắm thiết bị rải và bảo dưỡng mặt đường của nhà thầu.
Hiện tại, các công tác chuẩn bị thi công bê tông vẫn được triển khai theo đúng tiến độ dự kiến và việc nhập cảnh của các kỹ thuật viên không ảnh hưởng đến tiến độ triển khai dự án.
GS. Trần Đức Nhiệm, Trường Đại học GTVT, là đơn vị tư vấn dự án cho biết thêm, công tác thiết kế dự án sửa chữa mặt cầu Thăng Long được tiến hành theo hai bước. Trong đó, bước lập dự án do các đơn vị của Trường Đại học Giao thông Vận tải và Công ty TECCO2 đảm nhiệm, bước thiết kế bản vẽ thi công do liên danh Công ty TNHH Giao thông Vận tải (Đại học Giao thông Vận tải) và Công ty CP Tư vấn thiết kế Cầu Lớn Hầm triển khai.
Do tính chất phức tạp của dự án, Bộ GTVT, Tổng cục Đường bộ Việt Nam đã thành lập Ban chỉ đạo dự án, đồng thời lập thêm một tổ cố vấn gồm các chuyên gia đầu ngành của Việt Nam trong lĩnh vực này.
Toàn bộ dự án từ bước kiểm định, đánh giá, phân tích nguyên nhân hư hỏng và đề xuất giải pháp, triển khai tổ chức thi công, công tác giám sát đến đội ngũ cố vấn dự án đều không có sự hiện diện của chuyên gia hay nội dung chuyển giao công nghệ nào của Trung Quốc.
Dự án sửa chữa cầu Thăng Long có tổng mức đầu tư gần 270 tỷ đồng, bắt đầu thi công từ ngày 16-8. Dự kiến, dự án sẽ hoàn thành vào cuối quý 4-2020.