Phát biểu tại buổi lễ, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Trùng Khánh nhấn mạnh, du lịch là ngành kinh tế tổng hợp, mang nội dung văn hóa sâu sắc, liên quan đến nhiều ngành, lĩnh vực khác. Đặc biệt, ngành du lịch có quan hệ gắn bó chặt chẽ với ngành thương mại - quản lý thị trường. Hai ngành đều có mục tiêu chung là phục vụ người tiêu dùng - khách du lịch với các sản phẩm, dịch vụ bảo đảm chất lượng theo quy định của pháp luật. Trong bối cảnh cả hai ngành đang tích cực ứng dụng công nghệ số, sẵn sàng cho tình trạng “bình thường mới”, thực hiện “mục tiêu kép” được Chính phủ giao, việc tăng cường phối hợp giữa hai ngành có ý nghĩa rất quan trọng.
Đặc biệt, một trong những sản phẩm đó là ứng dụng “Du lịch Việt Nam an toàn”, được triển khai theo chỉ đạo của Lãnh đạo Bộ VH-TT-DL. Qua đó, có thể thấy tiềm năng to lớn khi sản phẩm được kết nối với hệ thống thông tin, nghiệp vụ của Tổng cục Quản lý thị trường, cho phép hai tổng cục dễ dàng trao đổi thông tin, dữ liệu, phối hợp tiếp nhận phản hồi và xử lý phản hồi của khách du lịch.
Thông qua ứng dụng và quy chế phối hợp giữa hai bên, không chỉ Tổng cục Du lịch và Tổng cục Quản lý thị trường mà cả các Sở quản lý nhà nước về du lịch và các Cục quản lý thị trường ở địa phương có cơ sở hợp tác trong công tác quản lý nhà nước về thị trường phục vụ khách du lịch ở cơ sở.
Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Trùng Khánh tin tưởng sự kiện lễ ký kết phối hợp giữa hai bên là cơ sở để tạo ra đột phá mới trong công tác quản lý nhà nước về du lịch và quản lý thị trường. Sự phối hợp giữa hai bên sẽ tạo ra những sản phẩm ứng dụng công nghệ số thực sự mới mẻ, đột phá, đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới, giúp ngành du lịch phát triển mạnh mẽ, bền vững hơn.
Chia sẻ tại lễ ký kết, ông Trần Hữu Linh - Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường nhấn mạnh với hệ thống quản lý nhà nước trong lĩnh vực quản lý thị trường từ trung ương đến địa phương, sẽ phát huy hiệu quả cao trong việc phát hiện, xử lý, bảo đảm thị trường nội địa hoạt động lành mạnh.
Chia sẻ với những khó khăn của ngành du lịch trong năm 2020 trước ảnh hưởng của dịch Covid-19, ông Trần Hữu Linh khẳng định việc thúc đẩy kích cầu du lịch nội địa và triển khai ứng dụng du lịch Việt Nam an toàn là rất cần thiết để ngành du lịch có thể từng bước phục hồi.
Theo ông Trần Hữu Linh, thông qua ứng dụng Du lịch Việt Nam an toàn của Tổng cục Du lịch, Tổng cục Quản lý thị trường có thể nhanh chóng tiếp nhận những phản hồi của du khách và kịp thời xử lý ngay nhằm bảo vệ quyền lợi của du khách. Đồng thời khẳng định đây là một nền tảng số rất quan trọng để bảo đảm sự an toàn và quyền lợi của khách du lịch trong thời gian tới.
Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường mong muốn thông qua sự kiện này, các cơ quan truyền thông báo chí, các doanh nghiệp du lịch sẽ quảng bá mạnh mẽ ứng dụng này đến với công chúng và du khách để mọi người có thể tiếp cận và sử dụng một cách rộng rãi.
Trong thời gian qua, Tổng cục Du lịch và Tổng cục Quản lý thị trường cùng các cơ quan liên quan đã có những hoạt động phối hợp triển khai một số ứng dụng công nghệ số theo mô hình tiên tiến của thế giới như “Thẻ Việt - Một thẻ quốc gia”; ứng dụng “Du lịch Việt Nam”, “Hướng dẫn Du lịch Việt Nam”, “Du lịch Việt Nam an toàn”...
Việc ký kết quy chế phối hợp giữa Tổng cục Du lịch và Tổng cục Quản lý thị trường là một dấu mốc quan trọng, đưa quan hệ hợp tác giữa hai bên lên tầm cao mới, sẽ góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, bảo đảm môi trường kinh doanh du lịch lành mạnh và bảo vệ quyền lợi của khách du lịch ở Việt Nam. Qua đó, giúp nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch, trải nghiệm của du khách và hình ảnh của du lịch Việt Nam trong mắt bạn bè quốc tế.
Theo quy chế phối hợp, với mục tiêu phát huy vai trò, trách nhiệm của từng cơ quan trong việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số, lấy khách du lịch làm trọng tâm và góp phần nâng cao vị thế của Du lịch Việt Nam trên trường quốc tế, Tổng cục Du lịch và Tổng cục Quản lý thị trường thống nhất nội dung phối hợp tiếp nhận và xử lý những phản hồi liên quan đến các hành vi kinh doanh hàng hóa nhập lậu; sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm, hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ; hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ; hành vi vi phạm pháp luật về chất lượng, đo lường, giá, an toàn thực phẩm; hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và các hành vi gian lận thương mại theo quy định của pháp luật...