Được thiên nhiên ưu đãi, TPHCM có hệ thống sông ngòi kênh rạch dày đặc tạo điều kiện thuận lợi phát triển kinh tế đường sông nói chung và giao thông thủy nói riêng. Tuy nhiên, cũng vì đặc điểm này mà mỗi năm TPHCM xảy ra hàng chục vụ sạt lở lớn nhỏ, ảnh hưởng đến tài sản, thậm chí tính mạng của nhân dân. Sạt lở từ lâu đã trở thành nỗi lo của người dân sống, sự trăn trở của chính quyền TP. Trong khi đó, các giải pháp truyền thống như gia cố đê bao bằng cừ, nền đất (đối với sông rạch cấp 4) vẫn chưa phải là tối ưu… Trước thực tế này, được sự chấp thuận của UBND TPHCM, Tổng Công ty Công nghiệp Sài Gòn đã thử nghiệm giải pháp gia cố bờ bao bằng cọc vách nhựa uPVC- công nghệ chống sạt lở bờ tiên tiến của Mỹ- trên một số tuyến rạch tại TPHCM. Sự thành công trong giai đoạn thử nghiệm đã tạo tiền đề để Tổng công ty đầu tư thiết bị sản xuất sản phẩm ứng dụng tại thị trường Việt Nam với giá thành “mềm” hơn nhiều so với sản phẩm nhập.
Những ngày tháng 9-2010, trở lại khu vực rạch Gò Dưa, rạch Cầu Ngang thuộc phường Linh Đông, quận Thủ Đức – nơi Tổng Công ty Công nghiệp Sài Gòn thực hiện thí điểm 2 công trình chống sạt lở bằng cừ vách nhựa uPVC dài hơn 400m - chúng tôi nhận thấy niềm vui trên từng khuôn mặt người dân địa phương. Nhờ các công trình này mà mùa mưa năm nay khu vực này không còn bị ngập do nước tràn bờ. Thậm chí, không phải mưa, mà khi nước triều lên thì nước đã ngập vào nhà dân.
Nhìn những đứa trẻ tung tăng trên tuyến kè đã được bao bọc chắc chắn bằng công nghệ cọc vách nhựa uPVC, ông Nguyễn Văn Thuận, người dân ở khu vực rạch Gò Dưa, bộc bạch: “Chúng tôi rất cảm ơn các sở ngành chức năng, Tổng Công ty Công nghiệp Sài Gòn đã chọn khu vực thường xuyên bị ngập do nước tràn bờ để triển khai thực hiện công trình chống sạt lở bằng công nghệ mới. Mong rằng sắp tới kỹ thuật này sẽ được triển khai đại trà để người dân bớt khổ do sạt lở đất”.
Trước thực trạng sạt lở bờ tại TPHCM, căn cứ vào Nghị quyết của Đại hội Đảng bộ TPHCM nhiệm kỳ 2001- 2005 về 12 chương trình, công trình trọng điểm, trong đó có chương trình chống ngập, với đặc điểm sản xuất kinh doanh của đơn vị, từ hơn 3 năm trước, lãnh đạo Tổng Công ty Công nghiệp Sài Gòn đã thực hiện nhiều chuyến công tác sang Mỹ để nghiên cứu về công nghệ này. Sau quá trình nghiên cứu kỹ, lãnh đạo Tổng công ty đã đề xuất UBND TPHCM và lãnh đạo các sở ban ngành TP được thực hiện thí điểm công trình chống sạt lở bờ bằng phương pháp cừ vách nhựa uPVC.
Ông Nguyễn Văn Thọ, Tổng Giám đốc Tổng Công ty Công nghiệp Sài Gòn, phân tích: Điểm bất lợi của hầu hết các giải pháp chống sạt lở truyền thống (xây kè bê tông, bờ bao bằng đất – NV) là việc thi công phải phụ thuộc vào con nước. Trong khi đó, giải pháp chống sạt lở bằng cừ vách nhựa uPVC có thể thi công trong bất kỳ điều kiện nào. Thời gian thi công nhanh hơn gấp 50 lần công nghệ truyền thống và phù hợp với mọi địa hình, địa chất. Tuổi thọ tối thiểu của cừ vách nhựa uPVC đến 50 năm. Không chỉ bền với thời gian, cừ uPVC còn làm tăng vẻ mỹ quan của công trình.
Trong một lần đến Việt Nam để thị sát công trình bằng sản phẩm của mình lần đầu có mặt tại VN, ông Dan Berent – Chủ tịch HĐQT Công ty Generex - đơn vị có hơn 20 năm kinh nghiệm sản xuất sản phẩm công nghệ này cho biết: Sản phẩm cừ vách nhựa uPVC đang được sử dụng tại nhiều nước trên thế giới, đặc biệt là Nam Mỹ. Việt Nam có khí hậu tương tự như Nam Mỹ (khô, nóng) nên theo ông, điều kiện VN hoàn toàn thuận lợi để ứng dụng công nghệ này. Khác với các loại nhựa thông thường, UPVC bền chắc, chịu được sự va đập mạnh, nhóm chất của nhựa ổn định nên chịu được nhiệt đến 1.000 độ C, chịu được tia cực tím và có khả năng chống cháy, không bị oxy hóa, co ngót hay biến dạng theo thời gian.
Ở một khía cạnh khác, theo ông Huỳnh Ngọc Công, Phó GĐ Trung tâm chống ngập TP, đối với giải pháp truyền thống gia công bằng đất phải sửa chữa liên tục. Bình quân mỗi năm TP phải đầu tư trên dưới 10 tỷ đồng để duy tu, sửa chữa, gia cố lại công trình. Trong một lần kiểm tra thực địa công trình thử nghiệm, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Trung Tín khẳng định: Công nghệ này đã được các nước tiên tiến ứng dụng. Điểm mạnh của cừ vách nhự a uPVC còn khắc phục tình trạng rò rỉ, thẩm thấu nước. Sau giai đoạn thử nghiệm, sẽ tính toán lại giá thành, yếu tố kinh tế, cũng như thời gian vận hành để có thể tiến tới áp dụng đại trà trên các tuyến kênh rạch tại TPHCM. Trình độ của đội ngũ cán bộ, công nhân hiện nay của Tổng Công ty Công nghiệp Sài Gòn thừa sức để tạo ra sản phẩm này.
Tổng công ty đang tích cực đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất cừ vách nhựa uPVC, dự kiến năng suất thiết kế 600kg/giờ.Không chỉ sản xuất cừ vách nhựa uPVC mà Tổng công ty còn sản xuất thêm các loại sản phẩm khác nên chi phí giá thành cừ vách nhựa uPVC sẽ được cải thiện so với sản phẩm nhập khẩu.
Phạm - Hà - Anh