Tổng Công ty Công nghiệp Sài Gòn hướng đến sản xuất xanh, chuyển đổi số

Ngày 18-1, tại cuộc họp đánh giá về tình hình hoạt động năm 2023 và kỳ vọng năm 2024 của Tổng Công ty Công nghiệp Sài Gòn (CNS), ông Nguyễn Phương Đông, Tổng Giám đốc Tổng Công ty CNS cho biết, năm 2023, doanh thu Công ty mẹ đạt hơn 4.131 tỷ đồng, hoàn thành 103,87% kế hoạch UBND TP giao, bằng 104,1% so với cùng kỳ năm trước.

Ông Trần Phi Long, Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng Công ty CNS cho biết thêm, năm 2023, toàn công ty gặp nhiều khó khăn do tổng cầu tại thị trường trong nước và xuất khẩu giảm mạnh. 6 tháng đầu năm, nhiều công ty rơi vào tình trạng không có đơn hàng hoặc bị dừng đơn hàng đột ngột.

Chưa dừng lại đó, giá nguyên liệu, logistics, năng lượng... leo thang khiến việc tái tiếp tục đơn hàng hoặc tiếp cận đơn hàng mới hết sức khó khăn. Ở khía cạnh khác, những vướng mắc về thủ tục pháp lý hay xử lý các dự án tồn đọng trước đây của tổng công ty chưa được tháo gỡ triệt để, gây ảnh hưởng nhất định hiệu quả hoạt động kinh doanh của tổng công ty.

"Trên cơ sở những hiệu quả đạt được, toàn tổng công ty đã đặt mục tiêu năm 2024 sẽ đạt doanh thu hơn 6.602 tỷ đồng. Trong đó, tập trung nghiên cứu chế tạo những sản phẩm mới, sản phẩm công nghệ có giá trị cao, đóng góp hiệu quả vào hoạt động chuyển đổi xanh, chuyển đổi số của thành phố. Đồng thời, đa dạng đơn hàng và thị trường cung ứng sản phẩm để giảm nguy cơ đứt gãy sản xuất", ông Trần Phi Long cho biết.

Cũng theo ông Long, trong năm 2024, toàn tổng công ty tập trung công khai các định mức tiêu chuẩn, chế độ tài chính đã ban hành, các định mức kinh tế kỹ thuật về tiêu hao vật tư, nguyên, nhiên phụ liệu và các chi phí khác trên cơ sở đảm bảo hiệu quả kinh doanh. Nâng cao trình độ cán bộ quản lý chi phí, giá thành; chất lượng sản phẩm; hàng tồn kho, chi phí sản xuất kinh doanh dở dang; hệ số nợ phải trả trên vốn chủ sở hữu; những khoản nợ xấu cần xử lý tài chính.

16f1c378e9d942871bc8-2073.jpg
Phó Chủ tịch UBND TPHCM Võ Văn Hoan phát biểu tại Tổng Công ty Công nghiệp Sài Gòn (CNS)

Mặt khác, cần nâng cao vai trò dự báo, phân tích thị trường và dự báo về nguồn cung cấp vật tư, nguyên phụ liệu, những tác động của nền kinh tế làm cho giá cả vật tư, nguyên, nhiên phụ liệu. Đồng thời phân tích vấn đề tài chính trong ngắn hạn, dài hạn, những rủi ro tiềm tàng trong đầu tư làm cơ sở để các công ty chủ động trong kế hoạch sản xuất.

Quan trọng hơn, tổng công ty thực hiện tái cơ cấu toàn diện theo đề án tái cơ cấu giai đoạn 2022-2025 sau khi được UBND TPHCM phê duyệt. Tổng công ty sẽ thực hiện thoái vốn đầu tư đối với các lĩnh vực ngoài ngành kinh doanh chính theo nguyên tắc thị trường, bảo đảm công khai, minh bạch, bảo toàn phần vốn và tài sản của nhà nước trên cơ sở phương án thoái vốn đã được chủ sở hữu xem xét, quyết định.

Cùng với đó, thực hiện đánh giá thực trạng, xác định nhu cầu vốn để có cơ chế xử lý bổ sung vốn cho tiếp tục thực hiện các dự án đầu tư cấp bách, hạn chế thất thoát vốn do kéo dài thời gian dự án; cơ cấu lại tài sản bằng cách chuyển nhượng, sáp nhập các dự án, các khoản đầu tư không hiệu quả hoặc chưa cấp thiết để tập trung nguồn lực cho hoạt động kinh doanh chính.

Phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp, đồng chí Võ Văn Hoan, Phó Chủ tịch UBND TPHCM nhấn mạnh, năm 2024 là năm nền tảng của thành phố trong việc thực hiện chuyển đổi xanh, chuyển đổi số. Do vậy, thành phố đặt hàng Tổng Công ty CNS - đơn vị dẫn đầu thành phố về sản xuất sản phẩm công nghiệp, công nghệ phải tạo ra hệ sinh thái sản phẩm công nghệ số, hỗ trợ thiết thực vào quá trình chuyển đổi số của thành phố, xây dựng thành công nền tảng dữ liệu thông tin dùng chung để phục vụ tốt hơn hoạt động điều hành của thành phố cũng như sản xuất kinh doanh của hệ sinh thái doanh nghiệp nói chung…

Dự báo năm 2024, tình hình kinh tế vẫn tiếp tục chuyển biến phức tạp, do vậy về phía toàn tổng công ty cần có những định hướng tiếp cận đa dạng thị trường, chuyển đổi xanh hóa, số hóa hoạt động sản xuất kinh doanh nhằm bắt kịp xu hướng phát triển mới hiện nay trên toàn cầu.

Tin cùng chuyên mục