Bình quân thu thuế bảo vệ môi trường 21.197 tỷ đồng/năm
Chiều 13-9, báo cáo với Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) về dự án Luật Thuế bảo vệ môi trường (BVMT) sửa đổi, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết, số thu thuế BVMT liên tục tăng ổn định qua các năm từ năm 2012 đến năm 2016.
“Khoản thu từ thuế BVMT không phải là khoản thu hoàn trả trực tiếp, không quy định sử dụng cho các nhiệm vụ chi cụ thể mà để thực hiện các nhiệm vụ chi theo quy định của Luật Ngân sách Nhà nước (NSNN) và được Quốc hội phê duyệt hàng năm. Luật NSNN quy định các khoản thu từ thuế, phí, lệ phí và các khoản thu khác theo quy định của pháp luật được tổng hợp đầy đủ vào cân đối NSNN, theo nguyên tắc không gắn với nhiệm vụ chi cụ thể”, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng giải thích rõ.
Người đứng đầu ngành Tài chính cũng cho biết, tổng chi NSNN cho các nhiệm vụ BVMT giai đoạn 2012-2016 khoảng 131.857 tỷ đồng, bình quân khoảng 26.371 tỷ đồng/năm, cao hơn số thu thuế BVMT giai đoạn 2012-2016.
Vẫn theo ông Đinh Tiến Dũng, Chính phủ cho rằng Luật thuế BVMT cần thiết phải được nghiên cứu sửa đổi, bổ sung nhằm thể chế hóa quan điểm, chủ trương của Đảng và chính sách của Nhà nước về hoàn thiện chính sách tài chính hướng tới phát triển bền vững và nhằm mục tiêu cơ cấu lại nguồn thu NSNN đồng thời khắc phục những vướng mắc của Luật thuế BVMT hiện hành.
Cụ thể, qua tổng kết, đánh giá tình hình thực hiện, Chính phủ thấy cần thiết phải sửa đổi, bổ sung quy định về phạm vi điều chỉnh; sửa đổi, bổ sung quy định về giải thích từ ngữ đối với túi ni lông thuộc diện chịu thuế, dung dịch hydro-chloro-fluoro-carbon (HCFC); quy định về đối tượng chịu thuế đối với xăng, dầu, mỡ nhờn, dung dịch HCFC và túi ni lông thuộc diện chịu thuế… Quy định của Luật hiện hành về đối tượng không chịu thuế, hoàn thuế và khấu trừ thuế cũng có nhiều hạn chế, chưa đảm bảo tính thống nhất, phù hợp với Luật Hải quan, Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu; chưa đảm bảo nguyên tắc thuế BVMT chỉ thu đối với hàng hóa khi sử dụng gây tác động xấu đến môi trường tại Việt Nam.
Đặc biệt, việc sửa đổi luật này còn nhằm chủ động ứng phó với diễn biến giá dầu trên thị trường thế giới, đảm bảo lợi ích quốc gia trong điều kiện hội nhập sâu khi thực hiện cắt giảm dần thuế nhập khẩu theo các cam kết quốc tế. Kinh nghiệm quốc tế cho thấy, khi giá dầu thế giới giảm và duy trì ở mức thấp, nhiều nước đã nghiên cứu điều chỉnh chính sách thuế theo hướng tăng và mở rộng đối tượng để đảm bảo nguồn thu cho NSNN.
Theo đó, Chính phủ trình UBTVQH kịp thời điều chỉnh mức thuế cụ thể trong khung quy định mà Quốc hội đã giao cho UBTVQH để đảm bảo lợi ích quốc gia trong trường hợp giá dầu thế giới có biến động lớn; bổ sung quy định về mức thuế BVMT đối với nhiên liệu hỗn hợp chứa nhiên liệu sinh học và xăng, dầu, mỡ nhờn gốc hóa thạch (như xăng E5, E10,...) để góp phần khuyến khích sản xuất và sử dụng các loại nhiên liệu hỗn hợp này, hạn chế sử dụng nhiên liệu hóa thạch gây ô nhiễm môi trường. Đồng thời, sửa đổi, bổ sung quy định về thời điểm tính thuế BVMT để thực hiện Luật NSNN và huy động tiền thuế kịp thời vào NSNN; tạo thuận lợi cho doanh nghiệp trong việc quản lý, kê khai, nộp thuế BVMT đối với xăng dầu; thuận lợi cho cơ quan quản lý trong việc giám sát; đồng thời, phù hợp với thời điểm kê khai, nộp thuế của các hàng hóa khác.
Ý kiến còn khác biệt
Tham dự phiên họp dự án Luật Thuế bảo vệ môi trường (sửa đổi), Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Thị Phương Hoa, Chủ tịch Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) Bùi Ngọc Bảo đề nghị bổ sung khá nhiều đối tượng chịu thuế, song Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho biết là chưa đủ cơ sở. “Việc lựa chọn hàng hóa bổ sung vào đối tượng chịu thuế còn phải đáp ứng nguyên tắc là đảm bảo tính khả thi, không tác động đến năng lực cạng tranh của hàng Việt Nam, nhất là hàng xuất khẩu”, ông nói.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhận định, trong tình hình hiện nay, việc điều chỉnh tăng thuế có nhiều khía cạnh không thuận. Theo Chủ tịch Quốc hội, “quan điểm giữa các bên còn đang xa nhau quá, cả về phạm vi sửa đổi, khung thuế, thời điểm tính thuế, thời hiệu áp dụng”. Những lý do để điều chỉnh trong Tờ trình cũng chưa thật thuyết phục.
Điều hành phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cũng cho rằng, khi có sự khác biệt quan điểm lớn giữa cơ quan soạn thảo và thẩm tra, ngay cả giữa các bộ ngành trong Chính phủ thì dự án Luật sẽ khó thuyết phục được Quốc hội. Phó Chủ tịch Phùng Quốc Hiển đề nghị Chính phủ cân nhắc, tiếp thu đầy đủ ý kiến của cơ quan thẩm tra và các đại biểu để hoàn thiện dự án luật.
Đề nghị Chính phủ giải trình rõ về số thu phí từ lĩnh vực ngoại giao được để lại
Trong buổi sáng, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nghe và cho ý kiến về Tờ trình số 333/TTr-CP ngày 8/8/2017 của Chính phủ về Dự thảo Nghị định của Chính phủ quy định về quản lý, sử dụng ngân sách nhà nước đối với một số hoạt động đối ngoại.
Theo trình bày của Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng tại phiên họp, cơ chế quản lý, sử dụng ngân sách cho hoạt động đối ngoại Nhà nước còn phân tán, được điều chỉnh bởi nhiều văn bản pháp quy (Nghị định của Chính phủ, Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, Thông tư của Bộ Tài chính…).
Bên cạnh đó, hoạt động đối ngoại không chỉ diễn ra ở trong nước mà còn triển khai ở ngoài nước thông qua 98 cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài và các cơ quan khác của Việt Nam ở nước ngoài thuộc các Bộ, cơ quan Trung ương. Theo đó, hoạt động đối ngoại không chỉ chịu sự điều chỉnh của pháp luật Việt Nam mà còn phải tuân thủ các công ước quốc tế và các hiệp định ký kết giữa Chính phủ Việt Nam và Chính phủ nước sở tại, pháp luật nước sở tại.
Tuy vậy, trong cơ quan thẩm tra còn về quy định: “Số tiền phí trong lĩnh vực ngoại giao thực thu được để lại một phần để bù đắp chi phí hoạt động cung cấp dịch vụ, phục vụ công tác thu phí theo quy định; chi hỗ trợ sửa chữa thường xuyên, sửa chữa lớn tài sản, đổi mới thiết bị, hiện đại hóa công nghệ thông tin; chi đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn và ngoại ngữ; chi bổ sung thu nhập cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động”.
Về vấn đề này, đa số ý kiến Thường trực Ủy ban TC-NS cơ bản nhất trí với đề nghị của Chính phủ tiếp tục cho phép để lại một phần phí thu từ lĩnh vực ngoại giao để thực hiện một số nhiệm vụ, trong đó có chi bổ sung nâng cao đời sống cho cán bộ, công chức, người lao động như quy định hiện hành.
Tuy nhiên, cũng có một số ý kiến đề nghị Chính phủ giải trình và đánh giá rõ hơn về tác động của số thu phí được để lại, làm rõ hơn tính hợp lý của việc cho phép để lại một phần cho cơ quan đại diện ở nước ngoài, vì cơ quan đại diện không thực hiện cơ chế khoán chi và khoản phí này nếu được để lại theo luật phí, lệ phí thì cũng không sử dụng để tăng thêm thu nhập cho người lao động.
Có ý kiến đề nghị quy định rõ hơn nội dung chi, cơ cấu chi, tỷ lệ bố trí chi để nâng cao đời sống, chi bổ sung mua sắm, sửa chữa. Nếu chỉ sử dụng để chi bổ sung thu nhập cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động thì cần có nguyên tắc nhất định như khống chế mức tối đa. Đồng thời, cần có cơ chế sử dụng công khai, minh bạch và rõ tiêu chí phân phối thu nhập, bảo đảm công bằng giữa các nước, các khu vực và cơ chế giám sát việc sử dụng khoản phí để lại này.
Về nhiệm vụ chi hoạt động đối ngoại của ngân sách trung ương, Thường trực Ủy ban TC-NS cho rằng, cần làm rõ hơn, tránh việc nhầm lẫn, chồng chéo với chi cho quốc phòng, an ninh đối với khoản chi các hoạt động liên quan đến công tác biên giới, lãnh thổ quốc gia; chi xây dựng các công trình liên quan đến mốc giới quốc gia.
Cơ quan thẩm tra cũng đề nghị làm rõ sự khác biệt, phân cấp rõ ràng, tránh chồng chéo, trùng lắp giữa chi hoạt động đối ngoại của ngân sách trung ương và chi hoạt động đối ngoại của ngân sách địa phương.