
Thưa các đồng chí trong đoàn công tác Trung ương,
Thưa các đồng chí Lãnh đạo Bộ y tế,
Thưa các Thầy thuốc, các giáo sư, bác sĩ, cán bộ, nhân viên ngành y tế và các đồng chí đại biểu tham dự buổi làm việc.
Cách đây 70 năm, ngày 27-2-1955, Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư cho ngành y tế với những lời căn dặn vô cùng sâu sắc. Bác dặn cán bộ ngành y phải thấm nhuần câu nói “Lương y phải như từ mẫu” và yêu cầu Chính phủ “Xây dựng một nền y tế thích hợp với nhu cầu của nhân dân ta”, “phải dựa trên nguyên tắc khoa học, dân tộc và đại chúng”... Từ đó ngày 27-2 trở thành Ngày Thầy thuốc Việt Nam. Những lời dạy của Bác Hồ đã trở thành kim chỉ nam hành động cho các nhà lãnh đạo, cho các thế hệ thầy thuốc và là phương châm xuyên suốt của toàn ngành y tế trong bảy thập kỷ qua.
Trải qua chặng đường 70 năm xây dựng, lao động, cống hiến và trưởng thành, ngành y tế Việt Nam đã có những bước tiến vượt bậc cả về số lượng và chất lượng, đáp ứng nhu cầu ngày một cao hơn về chăm sóc y tế, khám chữa bệnh cho người dân. Việt Nam được cộng đồng quốc tế đánh giá cao về việc thực hiện các mục tiêu thiên niên kỷ trong lĩnh vực y tế của Liên Hợp Quốc, với nhiều chỉ số về hệ thống y tế và sức khỏe cộng đồng vượt trội so với nhiều quốc gia có cùng mức phát triển. Hệ thống y tế nước ta đã không ngừng được củng cố, mở rộng từ Trung ương tới địa phương; từ đô thị tới các vùng rừng núi, hải đảo, vùng khó khăn, xa xôi hẻo lánh. Trình độ chuyên môn, năng lực nghiên cứu, khả năng thực hành của đội ngũ y bác sĩ ngày càng nâng cao bên cạnh các máy móc, trang thiết bị y tế, thuốc men ngày một hiện đại, tiên tiến. Năng lực y tế của chúng ta hiện nay không chỉ đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe nhân dân mà còn góp phần quan trọng vào sự phát triển của y học thế giới. Ngành y tế Việt Nam đang ngày càng khẳng định vai trò trong việc chung tay giải quyết những thách thức y tế mang tính toàn cầu.
Những đóng góp to lớn của ngành y tế trong sự nghiệp chăm sóc sức khỏe nhân dân và sự phát triển đất nước đã được Đảng, Nhà nước ghi nhận bằng những phần thưởng cao quý. Hàng nghìn thầy thuốc đã được tôn vinh với danh hiệu Anh hùng Lao động, Anh hùng Lực lượng Vũ trang Nhân dân, Chiến sĩ Thi đua toàn quốc, Thầy thuốc Nhân dân, Nhà giáo Nhân dân, Thầy thuốc Ưu tú, Nhà giáo Ưu tú... Cùng với những danh hiệu cao quý ấy, điều quan trọng nhất chính là sự tin yêu và lòng biết ơn của nhân dân đối với đội ngũ thầy thuốc, những người đã không ngại khó khăn, gian khổ, tận hiến cho sự nghiệp chăm sóc sức khỏe cộng đồng. Không phải ngẫu nhiên mà xã hội dành từ “Thầy”, từ “Mẫu” đối với những người cống hiến cho ngành y.
Thưa các đồng chí,
Nhìn lại lịch sử y học Việt Nam, chúng ta có thể khẳng định y học dân tộc gắn liền với quá trình dựng nước và giữ nước. Ngay từ thời Hùng Vương, người Việt đã sử dụng thảo dược, châm cứu và các phương pháp dân gian để chữa bệnh. Thời Lý- Trần đã thành lập Thái Y viện để chữa trị bệnh và nghiên cứu y học. Danh y Tuệ Tĩnh (Thế kỷ 14) là người đặt nền móng cho cho nền y học dân tộc với triết lý “Nam dược trị Nam nhân”, Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác (Thế kỷ 18) đã lừng danh với “Lĩnh Nam bản thảo” và “Y tông tâm lĩnh”. Thời cận đại, chúng ta có Viện Pasteur Sài Gòn (1891), Viện Pasteur Nha Trang (1895), Bệnh viện Chợ Rẫy (1900), Nhà thương bảo hộ - Bệnh viện Việt Đức (1904), Bệnh viện Bạch Mai (1911)...
Ngành y tế Việt Nam hiện đại được hình thành và phát triển mạnh mẽ trong những năm tháng gian lao của đất nước. Khi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và sau đó là kháng chiến chống Mỹ bước vào giai đoạn cam go, đội ngũ thầy thuốc đã trở thành những người chiến sĩ trên mặt trận cứu chữa thương binh, bệnh binh và nạn nhân chiến tranh. Trong hoàn cảnh thiếu thốn đủ bề, các bác sĩ, y sĩ, điều dưỡng viên đã lập nên những bệnh viện dã chiến ngay giữa rừng sâu, trong hang động, dưới hầm trú ẩn và những nơi ác liệt nhất. Nhiều tấm gương y bác sĩ thời chiến đã trở thành biểu tượng của lòng dũng cảm, tinh thần bất khuất và trí tuệ Việt Nam. Bác sĩ Đặng Văn Ngữ, người đã hy sinh trên đường ra chiến trường nghiên cứu thuốc chống sốt rét cho bộ đội. Giáo sư, bác sĩ Tôn Thất Tùng với phương pháp phẫu thuật gan nổi tiếng đã cứu sống hàng nghìn thương binh. Liệt sĩ, bác sĩ Đặng Thùy Trâm đã trở thành biểu tượng và niềm tự hào của một thế hệ cầm súng vào giai đoạn lịch sử không thể nào quên của dân tộc. Những hình ảnh bác sĩ, y tá cõng thương binh băng qua bom đạn, phẫu thuật trong điều kiện thiếu thốn thiết bị y tế, hay những người lính quân y chấp nhận hy sinh để bảo vệ người bệnh đã khắc sâu vào tâm trí của nhiều thế hệ.
Dù trong hoàn cảnh chiến tranh khốc liệt, nhiều cơ sở y tế, bệnh viện còn trở thành mục tiêu đánh phá, ngành y tế vẫn duy trì được công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân, phòng chống dịch bệnh và bảo đảm sức khỏe cho bộ đội, góp phần quan trọng vào thắng lợi của cuộc kháng chiến giành độc lập.
Sau khi đất nước hoàn toàn thống nhất vào năm 1975, ngành y tế Việt Nam bước vào một giai đoạn mới với những thách thức to lớn. Tuy nhiên, với quyết tâm của Đảng, Nhà nước cùng sự nỗ lực không ngừng của ngành Y tế, Việt Nam từng bước xây dựng một hệ thống y tế toàn diện, lấy người dân làm trung tâm, bảo đảm quyền được chăm sóc sức khỏe của toàn dân.
Bước sang giai đoạn Đổi mới, ngành y tế cũng có những thay đổi quan trọng nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ và bảo đảm công bằng trong chăm sóc sức khỏe. Một trong những cải cách lớn nhất là sự ra đời của hệ thống bảo hiểm y tế vào năm 1992, đánh dấu bước tiến quan trọng trong việc giảm gánh nặng chi phí khám chữa bệnh cho người dân. Từ một mô hình bảo hiểm y tế tự nguyện, đến nay, tỷ lệ người tham gia bảo hiểm y tế đã đạt trên 94% dân số, góp phần bảo đảm mọi người dân đều có quyền tiếp cận dịch vụ y tế với chi phí hợp lý.
Ngoài ra, chủ trương xã hội hóa y tế cũng được thúc đẩy, cho phép các bệnh viện tư nhân phát triển song song với hệ thống bệnh viện công lập, tạo ra môi trường cạnh tranh lành mạnh, cải thiện chất lượng dịch vụ khám chữa bệnh. Các bệnh viện tư, bệnh viện quốc tế xuất hiện ngày càng nhiều, góp phần giảm tải cho các cơ sở y tế công lập, đặc biệt là ở các đô thị lớn.
Những thập kỷ gần đây, ngành y tế Việt Nam đã có những bước đột phá trong việc nâng cao chất lượng điều trị, ứng dụng công nghệ cao và phát triển y học hiện đại. Các bệnh viện tuyến Trung ương như Bệnh viện Việt Đức, Bạch Mai, Chợ Rẫy, Trung ương Huế, Bệnh viện 108... đã làm chủ nhiều kỹ thuật y học tiên tiến. Các bác sĩ của chúng ta đã thực hiện thành công các ca ghép tạng phức tạp như ghép thận, ghép gan, ghép tim, ghép phổi… giúp cứu sống nhiều bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo. Phẫu thuật bằng robot được triển khai trong các lĩnh vực ngoại khoa, tiết niệu, thần kinh, ung bướu, giúp nâng cao độ chính xác trong điều trị. Công nghệ tế bào gốc được ứng dụng điều trị hiệu quả nhiều bệnh lý về máu, chấn thương tủy sống, xơ gan, ung thư.
Ngành Y tế cũng đã đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng trong việc nâng cao tuổi thọ và cải thiện chất lượng sống cho người dân. Tuổi thọ trung bình của người dân Việt Nam không ngừng được cải thiện, tăng từ khoảng 38 tuổi năm 1945, lên 60 tuổi (giai đoạn 1975-1980) và lên mức trung bình 74,5 tuổi hiện nay.
Cùng với sự phát triển của hệ thống y tế, công tác đào tạo và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực y tế đã được chú trọng, giúp Việt Nam có một đội ngũ bác sĩ, chuyên gia y tế đạt trình độ quốc tế. Các trường đại học y khoa hàng đầu như: Đại học Y Hà Nội, Đại học Y Dược TPHCM, Đại học Y Dược Huế… không ngừng đổi mới chương trình đào tạo, tăng cường thực hành lâm sàng, tiếp cận những tiến bộ y học tiên tiến. Bác sĩ Việt Nam ngày nay có trình độ chuyên môn ngang tầm thế giới, có thể thực hiện các kỹ thuật y học tiên tiến không thua kém các nước phát triển. Nhiều bác sĩ Việt Nam đã công bố các công trình nghiên cứu có giá trị, được cộng đồng y học thế giới đánh giá cao.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, ngành y tế Việt Nam cũng đang đối mặt với nhiều thách thức lớn, đòi hỏi sự đổi mới mạnh mẽ để bảo đảm mục tiêu chăm sóc sức khỏe toàn dân trong tình hình mới. Những thách thức này không chỉ đến từ những yếu tố nội tại của ngành mà còn bởi các yếu tố kinh tế, xã hội và công nghệ.
Dịp chúng ta kỷ niệm 70 năm thực hiện lời Bác dạy, chúng ta đã báo cáo với Bác kết quả thực hiện lời dạy này. Tuy nhiên chúng ta vẫn còn trăn trở với những gì chưa làm được, đặc biệt với mong muốn của Bác là “xây dựng một nền y tế thích hợp với nhu cầu của nhân dân ta” và “phải dựa trên nguyên tắc khoa học, dân tộc và đại chúng”.
Một trong những thách thức lớn nhất của ngành y tế là thực hiện nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe nhân dân, sức khỏe cộng đồng, tạo được nguồn nhân lực chất lượng tốt cho xã hội, tạo được cuộc sống khỏe mạnh, hạnh phúc cho mọi người dân. Ai cũng được chăm sóc sức khỏe để đạt được mong muốn kéo dài tuổi thọ và có cuộc sống mạnh khỏe, xã hội trong lành, không có dịch bệnh, không có nguy hiểm. Đây là mục tiêu của Đảng, của chế độ, cũng là điều mong muốn của nhân dân. Phấn đấu tuổi thọ trung bình của người dân là 80 tuổi, 90 tuổi và 100 tuổi.
Ngành y tế không phải chỉ là khám chữa bệnh mà phải là phòng ngừa bệnh tật. Ngành y tế có công tác y tế dự phòng nhưng chưa đáp ứng được như mong muốn. Qua phòng chống dịch Covid-19 và một số đợt dịch bệnh khác vừa qua, ngành y tế đã bộc lộ những hạn chế yếu kém của công tác phòng chống dịch, nhất là trong y tế dự phòng. Cần tập trung đánh giá để rút ra những bài học trong công tác chỉ đạo, công tác chuyên môn. Cùng với đó, công tác phòng chống các bệnh thông thường (ung thư, tim mạch, nội tiết, gan, phổi...) cũng đang gặp nhiều khó khăn cần khắc phục sớm.
Bên cạnh đó, việc bảo vệ môi trường sống, công tác rèn luyện sức khỏe thường xuyên, chăm sóc sức khỏe cho người yếu thế (người già, trẻ nhỏ, phụ nữ, người tàn tật, người nghèo, trẻ mồ côi, người không nơi nương tựa...) chưa được chu đáo. Công tác kiểm soát thực phẩm, vệ sinh ăn uống, chế độ dinh dưỡng phòng bệnh trước các nguy cơ...
Công tác khám sức khỏe thường xuyên cho nhân dân chưa được đặt ra nghiêm túc. Bệnh tật phải được điều trị trước khi trở thành mãn tính.
Công tác tuyên truyền phòng bệnh trong nhân dân, giáo dục y tế cộng đồng để mọi người tự phòng bệnh, nâng cao khả năng tự tăng cường đề kháng còn hạn chế.
Thứ Hai: Vấn đề y đức trong ngành là một yêu cầu cần được quan tâm giải quyết. Các đồng chí tự hào có truyền thống khám chữa bệnh của dân tộc, các danh y hành nghề với đạo lý và y đức mang tính dân tộc, đặc biệt chúng ta có lời Bác căn dặn “Lương y như từ mẫu”. Tuy vậy, đâu đó vẫn có những thầy thuốc, người trong ngành y thiếu trung thực trong hành nghề, thậm chí đạo đức nghề nghiệp kém, thiếu trách nhiệm với người bệnh, phân biệt đối xử trong khám, điều trị bệnh, thiếu trách nhiệm, thờ ơ trước nỗi đau của người bệnh, vụ lợi, đặt lợi ích vật chất lên trên trách nhiệm của thầy thuốc. Còn hay không những thầy thuốc không có bằng cấp thật, chạy thành tích, đánh cắp đề tài, công trình nghiên cứu của đồng nghiệp, chỉ lo toan lợi ích cá nhân... và nguy hiểm nhất là quên thực hiện lời Bác dạy đối với cán bộ ngành y.
Thứ Ba: Hệ thống y tế cơ sở của chúng ta cũng còn nhiều hạn chế, bất cập. Đầu tư cho y tế tuyến cơ sở chưa đáp ứng nhu cầu thực tế; nhiều trạm y tế xã, trung tâm y tế huyện chưa được trang bị đầy đủ cơ sở vật chất và trang thiết bị hiện đại; tình trạng thiếu hụt thuốc, vật tư y tế vẫn xảy ra, đặc biệt tại các vùng nông thôn và miền núi. Tuyến y tế cơ sở hiện luôn thiếu bác sĩ và nhân lực. Một số vùng khó khăn vẫn gặp trở ngại trong việc triển khai tiêm chủng mở rộng do địa hình phức tạp, nhân viên y tế hạn chế. Hệ thống y tế cơ sở yếu nên để xảy ra tình trạng quá tải ở bệnh viện công, tuyến trên. Ảnh hướng lớn đến chất lượng khám chữa bệnh.
Thứ Tư: Về nguồn lực, dù chúng ta đã có hệ thống đào tạo y khoa phát triển, nhưng ngành y tế vẫn đối mặt với tình trạng thiếu nhân lực, thiếu các chuyên khoa đặc thù, nhất là là tại vùng sâu, vùng xa. Thu nhập của nhân viên y tế, nhất là ở bệnh viện công, còn thấp so với khối lượng công việc và mức độ rủi ro. Điều này khiến nhiều bác sĩ, y tá giỏi chuyển sang khu vực tư nhân hoặc ra nước ngoài làm việc. Các địa phương vùng sâu, vùng xa, hải đảo gặp khó khăn trong việc thu hút và giữ chân nhân viên y tế. Khả năng chuyên môn có sự chênh lệch lớn giữa các tuyến. Từ hàng chục năm trước, chúng ta đã xác định rõ: “Nghề y là một nghề đặc biệt, cần được tuyển chọn, đào tạo, sử dụng và đãi ngộ đặc biệt.” Tuy nhiên, nhìn lại đến nay, chúng ta mới chỉ có tuyển chọn, đào tạo đặc biệt, chứ chưa có được việc sử dụng và đãi ngộ đặc biệt.
Thứ Năm: Gần đây là tình trạng nhiều bệnh viện công gặp khó khăn trong việc đấu thầu mua sắm thuốc, trang thiết bị và vật tư y tế. Nguyên nhân chủ yếu cơ chế đấu thầu còn nhiều bất cập, khiến một số loại thuốc thiết yếu không thể trúng thầu do giá thấp hoặc nhà cung cấp không tham gia. Tình trạng thiếu thuốc, đặc biệt là thuốc hiếm, thuốc mới khiến bệnh nhân không được thụ hưởng hoặc phải chờ đợi hoặc tự tìm mua với giá cao hơn, theo con đường “hàng xách tay” hay đặt hàng cá nhân. Ở một số bệnh viện, cơ sở vật chất xuống cấp không được quan tâm đầu tư kịp thời, ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường làm việc của các y, bác sĩ và điều kiện khám, chữa bệnh cho bệnh nhân. Nhiều trang thiết bị y tế tiên tiến, hiện đại không xuất hiện tại các bệnh viện công vì bị khống chế bởi quy chế đấu thầu hay một số quy định hành chính khác.
Việc ứng dụng công nghệ và số hóa y tế cũng còn chậm. Mặc dù y tế thế giới đang chuyển nhanh sang chăm sóc sức khỏe thông minh, số hóa thông tin bệnh án nhưng tại Việt Nam, chuyển đổi số trong y tế vẫn gặp nhiều rào cản. Bệnh án điện tử, y tế từ xa chưa được triển khai rộng rãi, nhiều bệnh viện vẫn sử dụng giấy tờ thủ công. Chúng ta cũng thiếu cơ sở hạ tầng công nghệ để đồng bộ dữ liệu sức khỏe trên toàn quốc; chưa có chính sách khuyến khích mạnh mẽ cho các công ty khởi nghiệp công nghệ y tế, việc áp dụng thành tựu công nghệ trong khám chữa bệnh còn hạn chế.
Trong những thách thức trên đây, có những vấn đề đã tồn tại từ lâu, chúng ta đã đề ra giải pháp trong các văn bản chỉ đạo của Đảng; Quốc hội và Chính phủ cũng đã có những bước triển khai cụ thể. Tuy nhiên, mức độ hiệu quả còn hạn chế, một số giải pháp cần thời gian để phát huy. Trong khi đó, những vấn đề mới, thách thức mới lại tiếp tục xuất hiện. Để giải quyết các thách thức đối với ngành y tế hiện nay và trong nhiều năm tới, bên cạnh việc tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả các nghị quyết của Đảng về lĩnh vực y tế, Tôi xin nhấn mạnh mười hai nội dung sau:
Một là, cần đổi mới tư duy về lĩnh vực y tế. Y tế không chỉ là khám, chữa trị cho người bệnh, mà cần hơn, đó là chăm sóc sức khỏe cho nhân dân để hạn chế bệnh tật; cần tập trung nghiên cứu các biện pháp phòng bệnh, tăng cường sức khỏe, kéo dài tuổi thọ; tăng cường năng lực cho sức khỏe sinh sản, nhi khoa và lão khoa; tăng cường y tế cộng đồng; tăng cường số lượt người dân được đến các cơ sở y tế thăm, khám sức khỏe hàng năm hoặc mỗi nửa năm.
Tập trung tháo gỡ khó khăn, rào cản, nút thắt để ngành y tế vươn dậy, để chúng ta có được“một nền y tế thích hợp với nhu cầu của nhân dân ta” như mong muốn của Bác Hồ cách đây 70 năm.
Hai là, Nâng cao y đức trong cán bộ y tế, Ngoài thực hiện thật tốt những lời dạy của Bác Hồ đối với cán bộ ngành y thì mỗi thầy thuốc, bác sĩ, cán bộ công nhân viên ngành y tế ngoài làm thật tốt chuyên môn thì cần nâng cao ý thức tôn trọng và bảo vệ tính mạng, sức khỏe bệnh nhân; đối xử công bằng, không phân biệt “nhân thân” người bệnh; tôn trọng quyền và nhân phẩm của bệnh nhân; trung thực, khách quan trong thực hành công việc; luôn học tập nâng cao kiến thức, trình độ chuyên môn; thể hiện trách nhiệm với cộng đồng và xã hội, để thực sự là “ Mẹ hiền” trong con mắt bệnh nhân và gia đình người bệnh.
Ba là, củng cố và nâng cao chất lượng hệ thống y tế cơ sở. Nâng cấp trang thiết bị và cơ sở hạ tầng cho trung tâm y tế huyện, trạm y tế xã; bảo đảm y tế cơ sở có đủ bác sĩ và nhân viên y tế có trình độ, đặc biệt tại vùng sâu, vùng xa; không ngừng cải thiện chất lượng dịch vụ y tế để thu hút người dân khám chữa bệnh tại địa phương thay vì đổ dồn lên bệnh viện tuyến trên. Đồng thời, cần nâng cao hiệu quả của các chương trình tiêm chủng và y tế dự phòng, mở rộng độ bao phủ của chương trình tiêm chủng mở rộng, bảo đảm tất cả trẻ em được tiêm chủng đầy đủ. Bên cạnh nhiệm vụ khám, điều trị bệnh cho nhân dân thì cần nâng cao các biện pháp phòng bệnh, các biện pháp chăm sóc sức khỏe ban đầu để hạn chế bệnh tật.
Giảm tải bệnh viện tuyến trên và phát triển hệ thống bệnh viện vệ tinh. Cần tăng cường đào tạo, chuyển giao kỹ thuật từ bệnh viện tuyến trung ương cho bệnh viện tuyến tỉnh, huyện; đầu tư phát triển các trung tâm y tế chuyên sâu tại các địa phương để giảm áp lực cho bệnh viện lớn. Đồng thời, tăng cường ứng dụng công nghệ trong khám chữa bệnh, giúp bệnh nhân ở vùng sâu, vùng xa tiếp cận bác sĩ chuyên khoa mà không cần di chuyển xa; xây dựng hệ thống tư vấn sức khỏe trực tuyến để hỗ trợ chẩn đoán ban đầu. Đồng thời, cần mở rộng các hình thức hợp tác công - tư và mở rộng không gian cho tư nhân tham gia đầu tư xây dựng cơ sở y tế, bệnh viện, trung tâm điều dưỡng... khuyến khích phát triển các bệnh viện, dịch vụ y tế ngoài khu vực nhà nước.
Bốn là, cải thiện chính sách đãi ngộ và đào tạo nhân lực y tế chất lượng cao. Bộ Y tế cần sớm có đề xuất cụ thể để cải thiện mức lương và chế độ phụ cấp cho bác sĩ, y tá, đặc biệt tại vùng khó khăn; hỗ trợ tài chính cho sinh viên y khoa cam kết làm việc tại y tế cơ sở sau khi tốt nghiệp. Đồng thời, cần chú trọng thúc đẩy nghiên cứu khoa học và hợp tác quốc tế; hợp tác với các tổ chức y tế quốc tế để đào tạo bác sĩ, tiếp nhận chuyển giao công nghệ tiên tiến; tạo điều kiện để bác sĩ tham gia hội nghị khoa học, trao đổi kinh nghiệm với các chuyên gia nước ngoài để không ngừng nâng cao trình độ, kinh nghiệm.
Năm là, cải cách tài chính y tế và bảo đảm sự bền vững của quỹ bảo hiểm y tế. Cần hoàn thiện chính sách bảo hiểm y tế để hỗ trợ người yếu thế, bảo đảm các nhóm yếu thế như người nghèo, người khuyết tật, trẻ em có bảo hiểm y tế toàn diện; đồng thời cải thiện danh mục chi trả bảo hiểm y tế để giảm bớt gánh nặng tài chính cho bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo.
Sáu là, hoàn thiện pháp luật y tế. Xây dựng chiến lược tổng thế chăm sóc sức khỏe con người, sức khỏe cộng đồng (hoàn thiện luật phòng bệnh, luật khám chữa bệnh, luật phòng chống bệnh truyền nhiễm, luật thuốc chữa bệnh, luật đông y, luật dân số, luật an toàn thực phẩm, luật thể dục thể thao...). Ngành y tế cần sớm hoàn thiện các quy định về quản lý dịch vụ y tế và chăm sóc sức khỏe; phòng chống dịch bệnh và sức khỏe cộng đồng; quản lý thuốc, sinh phẩm và thiết bị y tế; Bảo hiểm y tế và an sinh xã hội; quyền và nghĩa vụ của người bệnh và nhân viên y tế...
Bảy là, cần sớm khắc phục bất cập trong đấu thầu mua sắm thuốc và thiết bị y tế. Đây không chỉ là vấn đề của ngành y tế mà còn của hệ thống chính trị. Chúng ta cần đặt câu hỏi tại sao ở các bệnh viện tư không có tình trạng này? Đây cũng là một “điểm nghẽn” về thể chế mà chúng ta cần khắc phục sớm, không để ảnh hưởng đến vận hành của ngành y tế, đến chất lượng chăm sóc sức khoẻ cho nhân dân. Nếu để kéo dài tình trạng này là chúng ta có lỗi với nhân dân. Chủ trương chung là vướng chỗ nào thì phải khắc phục ngay chỗ đó; nếu cần sửa luật thì phải sửa luật; nếu thực sự cần cơ chế đặc biệt thì phải có cơ chế đặc biệt để bảo đảm thuốc và vật tư được cung ứng đủ, chất lượng tốt, giá cả hợp lý.
Tám là, phát triển y học cổ truyền kết hợp với y học hiện đại. Y học cổ truyền có vai trò quan trọng trong chăm sóc sức khỏe, đặc biệt trong điều trị bệnh mãn tính và phục hồi chức năng. Vì vậy, cần nâng cao vai trò của y học cổ truyền trong hệ thống y tế; kết hợp y học cổ truyền với y học hiện đại trong chẩn đoán và điều trị; đẩy mạnh nghiên cứu về các bài thuốc dân gian, nâng cao tính khoa học của y học cổ truyền; đầu tư vào các trung tâm nghiên cứu đông y, phát triển các phương pháp chữa bệnh hiệu quả bằng thảo dược; hỗ trợ đào tạo bác sĩ y học cổ truyền, mở rộng mô hình kết hợp đông - tây y. Cạnh chúng ta là một nước có thế mạnh, có thể nói là dẫn đầu thế giới và rất gần với y học cổ truyền Việt Nam là “Trung y”, là “thuốc Bắc” nhưng hợp tác giữa hai bên cũng còn giới hạn.
Chín là, tăng cường ứng dụng công nghệ số vào quản lý và khám chữa bệnh. Cần thúc đẩy chuyển đổi số trong quản lý y tế; triển khai bệnh án điện tử, đồng bộ dữ liệu sức khỏe giữa các bệnh viện và cơ sở y tế. Cần tăng cường ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) và dữ liệu lớn (Big Data) trong chẩn đoán, điều trị bệnh và phân tích xu hướng dịch bệnh, đồng thời đầu tư phát triển các phần mềm hỗ trợ bác sĩ trong việc ra quyết định điều trị, tăng độ chính xác trong chẩn đoán bệnh. Cần tăng cường ứng dụng AI trong chẩn đoán thông minh; ghép tạng; phát triển công nghệ tế bào gốc; kỹ thuật Gen trị liệu; phẫu thuật Robot; công nghệ in 3D nhằm cá nhân hóa thiết bị y tế cho y học cá thể hóa...
Mười là, nâng cao công tác y tế cộng đồng, tuyên truyền phòng bệnh trong nhân dân, phát triển phong trào rèn luyện thể lực. Cần khuyến khích người dân nâng cao thể lực, rèn luyện thể thao; nâng cao chất lượng giáo dục thể chất trong trường học; xây dựng cơ sở hạ tầng thể thao cộng đồng, khuyến khích người dân tham gia các hoạt động thể chất. Cần nâng cao công tác tuyên truyền, khuyến khích kiểm tra sức khỏe định kỳ, phát hiện bệnh sớm; khuyến khích lối sống lành mạnh, phòng chống bệnh tật. Mỗi người dân cũng cần có trách nhiệm nâng cao ý thức bảo vệ sức khỏe, chủ động rèn luyện thể lực, thực hành lối sống lành mạnh.
Mười một là, Công tác hợp tác quốc tế trong phòng chống bệnh tật: trong “thế giới phẳng” hiện nay, hợp tác quốc tế để tăng cường năng lực kiểm soát và ứng phó với dịch bệnh, trong chữa trị bệnh là một phần quan trọng trong chiến lược y tế toàn cầu. Trong đó tập trung vào chia sẻ thông tin dữ liệu dịch tế (tình hình dịch bệnh, nguồn gốc, diễn biến, biện pháp ứng phó, phối hợp giám sát, cảnh báo sớm...); hợp tác nghiên cứu khoa học và phát triển công nghiệp y tế; hỗ trợ tài chính, kỹ thuật, hợp tác trong sản xuất, phân phối thuốc, Vắc xin; xây dựng chính sách và khung pháp lý chung, tăng cường năng lực ứng phó khẩn cấp khu vực và quốc tế, trước mắt tập trung hợp tác với các nước trong khu vực, các cường quốc y tế...
Mười hai là, công tác vệ sinh môi trường sống, tinh thần lành mạnh, không bi quan, tiêu cực, không sử dụng chất kích thích, gây nghiện... Ngoài phấn đấu mọi gia đình, khu dân cư, cộng đồng đều “Sáng- Xanh-Sạch-Đẹp” thì ngành y tế rất cần có các chương trình góp phần cùng các đơn vị chức năng khác giáo dục cộng đồng về giữ gìn vệ sinh nơi ở, nơi làm việc; xử lý rác thải, đảm bảo nguồn nước, nguồn không khí không ô nhiễm; vệ sinh thực phẩm và ăn uống hợp vệ sinh; kiểm soát côn trùng và động vật gây bệnh; cải thiện điều kiện vệ sinh cá nhân và cộng đồng...

Thưa các đồng chí và quý vị đại biểu,
Bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe cho nhân dân không chỉ là nhiệm vụ của ngành y tế mà còn là trách nhiệm của mỗi người dân, của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội. Để đạt được mục tiêu xây dựng một nền y tế hiện đại, công bằng và hiệu quả, cần có sự tham gia tích cực của các cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể, các ngành, trong đó ngành y tế đóng vai trò nòng cốt. Cần huy động tổng thể các nguồn lực, từ việc hoàn thiện chính sách, cải thiện hệ thống y tế cơ sở, thu hút và đãi ngộ nhân lực y tế, đến việc ứng dụng công nghệ số và đẩy mạnh y tế dự phòng.
Với quyết tâm của toàn Đảng, toàn dân, cùng với sự nỗ lực không ngừng của ngành y tế, chúng ta tin tưởng rằng ngành Y tế Việt Nam sẽ tiếp tục phát triển mạnh mẽ, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân và đưa đất nước bước vào kỷ nguyên thịnh vượng và phát triển. Đất nước ta có trường tồn phát triển, nhân dân ta có được khỏe mạnh, hạnh phúc, kéo dài tuổi thọ, sống khỏe là nhờ công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân, sự sâu sát của ngành y tế. Sức khỏe con người là điều quý nhất; có sức khỏe sẽ có tất cả, sức khỏe là điều mong muốn nhất. Mọi điều chúc nhau đầu tiên là chúc sức khỏe... và ngành y tế rất vinh dự được giao trách nhiệm là lực lượng chủ công trong nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe nhân dân. Một lần nữa, tôi xin gửi lời chúc tốt đẹp nhất đến toàn thể các giáo sư, thầy thuốc, các y bác sĩ, nhân viên y tế trên khắp cả nước. Chúc các đồng chí luôn mạnh khỏe, vững vàng, tiếp tục phát huy tinh thần "Lương y như từ mẫu", đóng góp nhiều hơn nữa cho sự nghiệp bảo vệ và chăm sóc sức khỏe nhân dân.
Xin trân trọng cảm ơn!