![Tổng Bí thư Tô Lâm phát biểu thảo luận tổ tại Kỳ họp bất thường lần thứ 9. Ảnh: QUANG PHÚC](https://image.sggp.org.vn/w1000/Uploaded/2025/hgubgt/2025_02_13/to-lam-13-a-4660-4846.jpeg.webp)
Thảo luận tại tổ ĐBQH về hai dự án Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi), Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi) và dự thảo Nghị quyết của Quốc hội quy định về xử lý một số vấn đề liên quan đến sắp xếp tổ chức bộ máy nhà nước sáng 13-2, Tổng Bí thư Tô Lâm cho rằng công tác sắp xếp tinh gọn bộ máy được nhân dân, các tổ chức, cơ quan đồng tình, ủng hộ, triển khai thực hiện rất nhanh và rất tốt.
Tinh gọn bộ máy không phải chỉ để tiết kiệm tiền
Tổng Bí thư khẳng định: “Đây là chủ trương rất đúng, là mong đợi lâu rồi từ nhân dân. Tinh gọn để tiết kiệm tiền là một phần thôi, quan trọng hơn cả là hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả của bộ máy, đưa đất nước phát triển, nâng cao đời sống nhân dân mới là điều mong mỏi nhất".
Theo Tổng Bí thư Tô Lâm, có 2 nhiệm vụ đặc biệt quan trọng trong nhiều nhiệm vụ phải làm để đạt mục tiêu trên.
Thứ nhất phải có sự tăng trưởng, từ đó nâng cao đời sống nhân dân, thỏa mãn nhu cầu ngày càng cao của nhân dân trên các mặt. Đây là mục tiêu xuyên suốt. Không thể nói tăng trưởng mấy con số mà đời sống nhân dân không thay đổi, nếu vậy tăng trưởng đi đâu?
Thứ hai là tinh gọn mô hình tổ chức bộ máy và hoàn thiện hệ thống quy định pháp luật, để huy động sức mạnh toàn xã hội. Cùng với đó là bố trí đội ngũ cán bộ để nâng cao thực thi pháp luật.
“Mô hình sắp xếp làm rồi, dân đồng tình rồi, từ Trung ương đến Quốc hội, Chính phủ, cơ sở. Còn làm thế nào thì đang sửa quy định pháp luật. Tiếp đó cần bố trí cán bộ thực thi nhiệm vụ, hết lòng hết sức phục vụ nhân dân”, Tổng Bí thư nêu rõ.
![Tổng Bí thư Tô Lâm phát biểu tại tổ đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội. Ảnh: QUANG PHÚC TÔ LÂM 13B.jpeg](https://image.sggp.org.vn/w1000/Uploaded/2025/hgubgt/2025_02_13/to-lam-13b-517-3419.jpeg.webp)
Theo đồng chí Tô Lâm, Nghị quyết của Trung ương nhiều khóa đã đánh giá bộ máy cồng kềnh, hoạt động kém hiệu quả. Khóa XIII tiếp tục tiến hành tổng kết, triển khai, bởi bây giờ là thời cơ vàng, chuẩn bị cho Đại hội XIV.
Trong quá trình trên đều có nghiên cứu rất kỹ từ thực tiễn trong nước và kinh nghiệm các nước và thấy rằng các nước đều tính đến hiệu quả bộ máy, sự hài lòng của nhân dân, có tiêu chí đánh giá hiệu lực, hiệu năng của bộ máy; quan tâm đến khả năng lãnh đạo, tầm nhìn dài hạn, khả năng thích ứng và đổi mới của chính quyền. Để phát triển kinh tế thị trường định hướng XHCN thì bộ máy, chính sách pháp luật phải đảm bảo mục tiêu đó. Nhưng hoàn thiện khuôn khổ pháp luật, toàn dân phải thực hiện chứ không phải chỉ cho Quốc hội, Chính phủ hay bộ này bộ kia.
Bên cạnh đó, phải tính đến khả năng phối hợp, năng lực thực thi chính sách và chất lượng hiệu quả; tính đến khả năng quản lý về ngân sách. “Đầu tư công quy định phức tạp thế nào mà có tiền Nhà nước không tiêu được? Chủ tịch tỉnh, thành phố còn làm gì, khi ngay từ đầu nhiệm kỳ cấp trên đã phân bổ 5 năm xong hết đồng nào mua muối, đồng nào mua gạo và nếu làm khác đi là vi phạm. Mô hình quản lý ngân sách có vấn đề. Nhiều lúc tôi tự hỏi nhàn nhất chắc là ông chủ tịch thành phố vì trên quyết hết rồi, làm khác đi ông chết. Đất cũng xin cấp trên thì làm sao ông quyết định được đầu tư. Vậy hàng ngày ông làm việc gì, làm sao mà năng động, sáng tạo”, Tổng Bí thư nêu vấn đề.
![Tổng Bí thư Tô Lâm trao đổi với ĐBQH bên lề phiên họp tổ sáng 13-2. Ảnh: QUANG PHÚC TÔ LÂM BÊN LỀ.jpeg](https://image.sggp.org.vn/w1000/Uploaded/2025/hgubgt/2025_02_13/to-lam-ben-le-2789-6776.jpeg.webp)
Phải nâng cao khả năng cạnh tranh quốc gia
Cũng theo Tổng Bí thư Tô Lâm, cần nhìn nhận thẳng thắn rằng thành quả đạt được là vĩ đại, song nhìn sang nhiều nước thấy mình còn chậm, khả năng cạnh tranh quốc gia rất khó khăn.
Tổng Bí thư phát biểu: “Như Singapore, xưa họ nói được sang Bệnh viện Chợ Rẫy chữa bệnh là mơ ước. 50, 60 năm nhìn lại giờ mình lại mơ sang họ khám bệnh. Trung Quốc khi mở cửa có trình độ tương đồng, bây giờ thu nhập đầu người 12.000 - 15.000 USD, còn ta chưa được 5.000 USD”.
Nêu lại câu chuyện lãnh đạo Malaysia chia sẻ, Tổng Bí thư trăn trở: “Ông ấy nói nếu đi kiểu các ông không bao giờ đuổi kịp chúng tôi. Nếu các ông đổi mới, tính toán lại thì lợi thế hơn chúng tôi rất nhiều”.
Nêu câu hỏi muốn đạt mục tiêu thì phải phát triển rất cao và nhanh, nhưng với bộ máy nặng nề có phát huy được hết tiềm lực hay không, Tổng Bí thư cho biết bây giờ mới chỉ là sắp xếp bước đầu, còn lại vẫn tiếp tục nghiên cứu, đánh giá về bộ máy chính quyền hiệu năng, hiệu quả thế nào.
“Huyện Đông Anh thu hai mươi mấy ngàn tỷ đồng, quận Hoàn Kiếm khoảng 30 ngàn tỷ đồng, gấp nhiều lần nhiều tỉnh là điều rất đáng suy nghĩ. Quy mô dân số, đất đai hạn chế sao quận, huyện làm được mà cả tỉnh lại không làm được? Phải mang sách đến mà học chứ”, Tổng Bí thư dẫn chứng.
Khẳng định phải cải cách để tăng trưởng, Tổng Bí thư Tô Lâm nhận định, chỉ tăng trưởng mới có tiền thực thi các chính sách, loại bỏ nguy cơ tụt hậu và bảo vệ vững chắc Tổ quốc.
“Không có cách nào khác. Phát huy năng lực phát triển của toàn xã hội thì bộ máy phải phục vụ xã hội, động viên nhân dân. Những gì cản trở ta phát triển, cái gì là điểm nghẽn thì phải giải quyết. Cả xã hội chuyển mình, ai cũng phải nghĩ để thực hiện”, Tổng Bí thư Tô Lâm nói.
Đề cập vấn đề chính quyền quốc gia nên 3 cấp hay 4 cấp, Tổng Bí thư cho biết 80% các nước có chính quyền 3 cấp. Ở ta, công an nghiên cứu thí điểm trước, bỏ công an cấp huyện. Đồng chí Tô Lâm chia sẻ: “Công an chính quy về xã thì dân mừng. Vì từ hộ khẩu, đăng ký ô tô, xe máy, thậm chí điều tra… xử lý được hết”. Tuy nhiên, sắp xếp thế nào phải tính toán. Có tỉnh tách ra rất phát triển, song có tỉnh nói hết dư địa rồi, chỉ kết hợp vào vùng thôi, chính vì vậy mới có hội đồng vùng... Phải bám sát vào mục tiêu đất nước phát triển, phục vụ nhân dân tốt hơn để thiết kế, triển khai chính sách".