
Cùng đi có các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị: Trưởng Ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa; Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình; Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương Nguyễn Duy Ngọc; Đại tướng Phan Văn Giang, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng; Đại tướng Lương Tam Quang, Bộ trưởng Bộ Công an...; các đồng chí trong Ban Thường vụ Thành ủy Đà Nẵng.
Đến thăm động viên và kiểm tra tình hình thi công Bến cảng Liên Chiểu và tuyến đường ven biển nối cảng Liên Chiểu, Tổng Bí thư Tô Lâm biểu dương tinh thần lao động hăng say của đội ngũ công nhân đang làm việc tại công trường. Đồng thời, đề nghị Ban Quản lý dự án, nhà thầu, đơn vị thi công phải quyết liệt hơn nữa, nỗ lực để hoàn thành cao nhất tiến độ công trình.

Tổng Bí thư Tô Lâm và đoàn công tác Trung ương động viên công nhân làm việc tại Dự án đầu tư, xây dựng Bến cảng Liên Chiểu. Ảnh: XUÂN QUỲNH
Tổng Bí thư Tô Lâm lưu ý việc xây dựng cảng Liên Chiểu theo hướng ứng dụng với công năng đa ngành, đa lĩnh vực; nghiên cứu, đánh giá kỹ tác động môi trường; quy hoạch tổng thể, lâu dài, chiến lược, còn đầu tư có thể phân kỳ; chú trọng triển khai các dự án kết nối giao thông.
Theo Ban Quản lý dự án, gói thầu thi công xây dựng phần hạ tầng dùng chung thuộc dự án đã được UBND TP Đà Nẵng khởi công vào tháng 12-2022, dự kiến hoàn thành công trình tháng 11-2025. Tình hình thực hiện đến nay đạt 77,5% giá trị khối lượng hợp đồng.
Phần cơ sở hạ tầng dùng chung đã được phê duyệt với tổng mức đầu tư hơn 3.426 tỷ đồng. Với quy mô đầu tư xây dựng kè chắn sóng và đê chắn sóng với tổng chiều dài 1.170m; luồng tàu; đường giao thông kết nối đến cổng cảng, hạ tầng kỹ thuật cấp điện...
Trong khi đó, gói thầu thi công đường ven biển nối cảng Liên Chiểu khởi công tháng 9-2023, dự kiến thời gian thi công hoàn thành công trình tháng 2-2026. Tình hình thực hiện đến nay đạt 55% giá trị khối lượng hợp đồng.

Đến thăm Công viên Phần mềm Đà Nẵng số 2, Tổng Bí thư Tô Lâm bày tỏ vui mừng khi TP Đà Nẵng tiếp tục hình thành thêm một khu công viên phần mềm. Tổng Bí thư cũng nhấn mạnh về giá trị, sự cần thiết của phát triển khoa học công nghệ trong xu thế phát triển chung của thế giới. Đồng thời mong muốn, khi đất nước đi sau trong khoa học công nghệ thì phải lựa chọn công nghệ hiện đại, tiên tiến, phải "đi tắt, đón đầu".

Báo cáo với Tổng Bí thư và đoàn công tác, lãnh đạo Tập đoàn FPT cho biết, hưởng ứng lời kêu gọi của Tổng Bí thư và Chính phủ về đổi mới sáng tạo, phát triển khoa học công nghệ theo tinh thần Nghị quyết 57-NQ/TW, với nền tảng hơn 20 năm phát triển tại TP Đà Nẵng, FPT cam kết và đang hiện thực hoá các chương trình hợp tác toàn diện cùng thành phố trong lĩnh vực nghiên cứu, đào tạo, phát triển công nghệ cao, AI và bán dẫn.
Việc Trung tâm R&D được khai trương sẽ đóng vai trò là hạt nhân thúc đẩy đổi mới sáng tạo tại Đà Nẵng, kiến tạo một hệ sinh thái kết nối cộng đồng khởi nghiệp, quy tụ các chuyên gia hàng đầu để cùng nhau nghiên cứu và phát triển các sản phẩm công nghệ mang dấu ấn "Make in Vietnam - Make in Đà Nẵng".