Theo Tổng Bí thư, các nhà đầu tư nước ngoài khi đến Việt Nam tìm hiểu cơ hội đầu tư đều quan tâm đến nguồn cung năng lượng có đáp ứng yêu cầu hay không.
“Tính đủ điện là yêu cầu rất quan trọng, song cũng phải tính làm điện sạch, đáp ứng các cam kết quốc tế và công bố rõ ràng với thế giới để các nhà đầu tư yên tâm vào Việt Nam. Phải rất chủ động. Không thể chờ mấy năm định hướng, mấy năm khảo sát, mấy năm mặt bằng, mấy năm tìm công nghệ. Thời gian không cho phép như thế. Chúng ta phải làm rất nhanh, làm đồng bộ các khâu”, Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh.
Theo Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên, dự thảo Luật Điện lực (sửa đổi) lần này tăng 60 điều so với luật hiện hành, bao gồm các quy định, chính sách cho phát triển các lĩnh vực năng lượng mới.
“Nhiều cơ chế trong các nghị định, thông tư đã thực hiện ổn định lần này đã được luật hóa. Chẳng hạn, chúng ta đề cập nhiều tới điện gió ngoài khơi, nhưng tới giờ không rõ ai, cơ quan nào có thẩm quyền quyết định khảo sát biển, đo gió… Luật sửa đổi lần này đã làm rõ hơn thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư các loại hình nguồn điện, trong đó có điện gió ngoài khơi.
Dự thảo lần này cũng bổ sung các cơ chế đặc thù phát triển năng lượng tái tạo, năng lượng mới, nhằm tháo gỡ vướng mắc trong đầu tư các nguồn điện này hiện nay”, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh.
Vẫn theo người đứng đầu Bộ Công thương, Quy hoạch điện VIII, cũng như kế hoạch thực hiện quy hoạch này đã được ban hành một năm nay, nhưng tới giờ các nhà đầu tư vẫn “uể oải, nghe ngóng cơ chế, không dám làm”, vì chưa rõ khi bỏ ra số tiền lớn để đầu tư thì sẽ thu hồi thế nào…
Bộ trưởng cũng nêu thực tế, mặc dù lĩnh vực truyền tải điện đã “mở” cho đầu tư ngoài nhà nước, song hiện chưa có doanh nghiệp nào đặt vấn đề đầu tư, vì giá truyền tải quá thấp trong khi chi phí đầu tư lớn.
Bộ trưởng Công thương nhìn nhận giá điện hiện mới cơ bản tính giá sản xuất ở thị trường giao ngay so với bán ra, chưa phản ánh đúng, đủ giá thành sản xuất điện năng. Hiện giá truyền tải mới được tính toán ở tỷ lệ 5-6% trong giá thành sản xuất, trong khi thực tế chi phí này phải tương đương 30-35% trong cơ cấu giá mới đúng, đủ.
“Giá điện sẽ tiến tới tính theo giá hai thành phần (điện năng và công suất), từng bước bóc tách giá và phí truyền tải ra khỏi giá thành điện năng; khung giá điện theo giờ. Như vậy, mới có thể thu hút nhà đầu tư rót vốn vào lĩnh vực truyền tải”, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nêu quan điểm.
Cũng về giá điện, ĐB Phạm Khánh Phong Lan (TPHCM) thẳng thắn: “Chúng ta nên chuẩn bị tinh thần cho việc tăng giá điện”. Theo ĐB, tăng giá là việc không ai muốn, nhưng giá điện của chúng ta vẫn chưa phản ánh chi phí thực, mà đang được “Nhà nước gánh đỡ”. Tán thành lộ trình tính đúng, tính đủ giá điện, song ĐB Phạm Khánh Phong Lan cho rằng ngành điện phải tự rà soát, nâng cao hiệu quả hoạt động của mình, chấm dứt đầu tư ngoài ngành…
ĐB Trương Trọng Nghĩa (TPHCM) đề nghị cơ quan soạn thảo, thẩm tra dự án luật xem xét lại điều khoản về ưu tiên áp dụng. “Luật này ra sau, nhưng có rất nhiều luật ban hành trước có liên quan, đang áp dụng ổn định. Phải rà soát, cái gì phải tuân thủ hiện hành, cái gì áp dụng quy định mới, chứ không nên phủ nhận hoàn toàn những luật trước để thực hiện theo luật này”, ĐB bình luận. ĐB Trương Trọng Nghĩa cũng đề nghị cân nhắc, bổ sung điều khoản về chống lãng phí điện, vốn khá phổ biến hiện nay.