Nhân dịp này, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã gửi thư chúc mừng ĐHQGHN. Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, với tình cảm cá nhân, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng ghi nhận, chúc mừng, biểu dương và cảm ơn ĐHQGHN về những kết quả đã đạt được trong những năm qua, nhất là từ khi chuyển trụ sở chính tới khu đô thị mới tại Hòa Lạc.
Tổng Bí thư viết: “Sau 30 năm phấn đấu xây dựng và phát triển, ĐHQGHN đã đạt được các thành tích xuất sắc và thực sự trở thành trung tâm đào tạo, nghiên cứu khoa học đa ngành lớn, có vị trí đặc biệt quan trọng hàng đầu của đất nước, có vai trò nòng cốt và đầu tàu trong hệ thống giáo dục đại học Việt Nam”.
Theo Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Nghị quyết số 45-NQ/TW của Hội nghị lần thứ 8 Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ trí thức đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước nhanh và bền vững trong giai đoạn mới đã đề ra nhiệm vụ tập trung xây dựng cơ chế, chính sách đột phá và đầu tư nguồn lực để phát triển cơ sở giáo dục đại học đạt trình độ tiên tiến, trong đó ĐHQGHN được xếp hạng trong nhóm 500 đại học hàng đầu thế giới vào năm 2030. Tổng Bí thư tin tưởng và mong rằng tập thể thầy và trò ĐHQGHN sẽ phát huy trí tuệ, lòng nhiệt huyết, niềm đam mê và sức sáng tạo để hoàn thành thắng lợi mục tiêu trên.
Tổng Bí thư chúc ĐHQGHN tiếp tục giữ vững vị thế hàng đầu quốc gia, từng bước vươn lên trên bản đồ các đại học hàng đầu châu Á và thế giới; sớm xây dựng thành công Khu đô thị ĐHQGHN tại Hòa Lạc thông minh, hiện đại, bền vững, ngang tầm khu vực.
Trong diễn văn kỷ niệm, Giám đốc ĐHQGHN Lê Quân nhấn mạnh, ĐHQGHN kế thừa bề dày lịch sử và truyền thống vẻ vang của 117 năm từ Đại học Đông Dương (1906), Đại học Quốc gia Việt Nam (1945) và Trường Đại học Tổng hợp (1956).
Sau 30 năm phát huy quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm cao, qua thực tiễn, mô hình ĐHQG đã khẳng định được tính ưu việt của mô hình đại học đa ngành, đa lĩnh vực, hoạt động theo cơ chế tự chủ. Mô hình này giúp cho các ĐHQG thử nghiệm những chủ trương mới, quy định mới, giúp ích lớn cho sự phát triển của giáo dục đại học nước nhà. Trên cơ sở thử nghiệm của các ĐHQG, nhiều quy định áp dụng dành riêng cho ĐHQG được mở rộng cho tất cả các trường đại học khác ở Việt Nam như: tự chủ tuyển sinh, in bằng, ký bằng tiến sĩ, thạc sĩ…
Hiện nay, ĐHQGHN có hơn 5.000 cán bộ, tỷ lệ giảng viên có trình độ tiến sĩ của ĐHQGHN đạt tỷ lệ 62% (cao hơn gấp 2 lần tỷ lệ trung bình của cả nước); tỷ lệ giáo sư/phó giáo sư cao gấp 5 lần trung bình cả nước. Nhiều nhà khoa học của ĐHQGHN là nhà khoa học đầu ngành, đứng thứ hạng cao - hàng đầu Việt Nam trong nhóm các nhà khoa học có ảnh hưởng nhất thế giới, đạt nhiều giải thưởng Nhà nước, giải thưởng Hồ Chí Minh cũng như các giải thưởng khoa học quốc tế danh giá. “Đây chính là niềm tự hào và là vốn quý nhất của ĐHQGHN”, Giám đốc ĐHQGHN Lê Quân khẳng định.
Đến thời điểm hiện tại, ĐHQGHN đã cơ bản hoàn chỉnh cơ cấu đa ngành, đa lĩnh vực với 37 đơn vị, trong đó có 9 trường đại học, 5 viện nghiên cứu khoa học do Thủ tướng Chính phủ thành lập; 2 trường, 2 khoa và 1 viện nghiên cứu trực thuộc; 2 trung tâm đào tạo và nghiên cứu...
Từ chỗ chỉ có hơn 50 ngành đào tạo, đến nay, ĐHQGHN đang triển khai 190 chương trình đào tạo bậc đại học, 198 chương trình đào tạo bậc thạc sĩ, 118 chương trình đào tạo bậc tiến sĩ. Quy mô đào tạo hiện nay của ĐHQGHN là 71.000 người học, trong đó có khoảng 55.000 sinh viên đại học chính quy, 5.000 học viên cao học, hơn 1.000 nghiên cứu sinh, 1.000 sinh viên quốc tế và hơn 10.000 học sinh THPT.
ĐHQGHN thực sự trở thành nơi đào tạo “máy cái” - đào tạo đội ngũ giảng viên cho nhiều trường đại học cả nước. Mô hình đào tạo học sinh giỏi của các trường phổ thông thuộc ĐHQGHN trong những năm qua là mô hình tiên phong trong cả nước về phát hiện, bồi dưỡng và đào tạo ra những nhân tài cho đất nước. Riêng năm 2023, số huy chương vàng của ĐHQGHN chiếm 50% tổng số huy chương vàng của cả nước.
Năm 2018, ĐHQGHN lần đầu tiên được xếp vào nhóm 1.000 đại học hàng đầu thế giới theo bảng xếp hạng QS và tiếp tục duy trì thứ hạng số 1 của Việt Nam. Kể từ đó đến nay, ĐHQGHN đã không ngừng phát triển và củng cố vị trí xếp hạng trên các bảng xếp hạng quốc tế có uy tín, luôn duy trì vị trí trong nhóm 1.000 đại học hàng đầu thế giới.
Sự kiện cơ quan ĐHQGHN chuyển lên làm việc toàn thời gian tại Hòa Lạc vào ngày 19-5-2022 thể hiện quyết tâm của ĐHQGHN trong việc xây dựng một đô thị đại học xứng tầm. ĐHQGHN xác định trở thành trung tâm lõi của TP Hòa Lạc thuộc Thủ đô Hà Nội; phấn đấu trở thành đại học tiên tiến của khu vực và châu Á, top 200 thế giới vào năm 2045.
ĐHQGHN phấn đấu đến năm 2025 sẽ có 25.000 sinh viên và hướng tới năm 2030 đạt quy mô đô thị 100.000 người với 80.000 học sinh, sinh viên và khoảng 10.000 giảng viên, nhân viên, là trung tâm đổi mới sáng tạo gắn với các doanh nghiệp. Hiện ĐHQGHN đang làm thủ tục tiếp nhận Trường Đại học Hà Tĩnh để thúc đẩy nghiên cứu chuyển giao gắn với kinh tế biển và đẩy mạnh hợp tác với Lào và Campuchia.
Phát biểu tại lễ kỷ niệm, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến đề nghị ĐHQGHN quán triệt sâu sắc Nghị quyết Hội nghị Trung ương 8; dành tâm sức xây dựng trình Chính phủ xem xét, phê duyệt các giải pháp về cơ chế và nguồn lực để phát huy mọi tiềm năng của ĐHQGHN, trong đó xây dựng Khu đô thị ĐHQGHN tại Hòa Lạc trở thành niềm tự hào, tiêu biểu cho trí tuệ, nơi khơi nguồn cảm hứng học tập, nghiên cứu, đổi mới sáng tạo và hợp tác phát triển; xây dựng ĐHQGHN thành cơ sở giáo dục đại học có danh tiếng trong nước, khu vực và quốc tế.
Để ghi nhận những thành tích xuất sắc của ĐHQGHN, nhân dịp kỷ niệm 30 năm Ngày Chính phủ ban hành Nghị định về ĐHQGHN và 117 năm truyền thống, Chủ tịch nước đã quyết định tặng thưởng Huân chương Lao động hạng nhất cho ĐHQGHN.