Sáng 28-3, Hội nghị đại biểu Quốc hội (ĐBQH) chuyên trách đã khai mạc tại Nhà Quốc hội. Đây là hội nghị ĐBQH hoạt động chuyên trách đầu tiên của nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV, diễn ra trong 2 ngày và được tổ chức theo hình thức tập trung tại hội trường Diên Hồng, kết hợp trực tuyến qua phần mềm cài đặt trên thiết bị iPAD của ĐBQH, sẽ thảo luận về 4 dự án: Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ; Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi); Luật Điện ảnh (sửa đổi) và Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi).
Đến dự hội nghị có Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, đại diện lãnh đạo các ban, bộ, ngành Trung ương…
Nhắc lại chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV về vai trò, vị trí của Quốc hội trong việc tạo lập khuôn khổ pháp lý cho các hoạt động của đất nước, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh: “Ngay từ đầu nhiệm kỳ, Đảng đoàn Quốc hội đã ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Kế hoạch số 81 triển khai thực hiện Kết luận số 19-KL/TW của Bộ Chính trị về định hướng Chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV, trong đó xác định 137 nhiệm vụ lập pháp với 8 nhóm định hướng lớn và 70 định hướng cụ thể”.
Tại kỳ họp thứ 3 tới đây, 4 dự án luật nêu trên là nội dung trọng tâm về công tác lập pháp, Chủ tịch Quốc hội cho biết. Đồng chí Vương Đình Huệ đã gợi mở, một số nội dung cơ bản xin ý kiến các vị ĐBQH tại hội nghị chuyên trách lần này.
Về dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ, đề nghị các vị ĐBQH tập trung thảo luận, đóng góp ý kiến chú trọng vào việc giao quyền đăng ký sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí là kết quả của nhiệm vụ khoa học và công nghệ sử dụng ngân sách nhà nước; việc thu hẹp đối tượng xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ; việc bổ sung quy định về Quốc kỳ, Quốc huy, Quốc ca. Các nhóm vấn đề về quyền tác giả, quyền liên quan, quyền sở hữu công nghiệp, quyền đối với giống cây trồng; kỹ thuật lập pháp nhằm bảo đảm đồng bộ, thống nhất giữa dự thảo Luật này và các Luật Hải quan, Luật Khoa học và Công nghệ, Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, Luật Giá… cũng nằm trong số các vấn đề cần xin ý kiến.
Về dự thảo Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi), người đứng đầu Quốc hội đề nghị tập trung vào việc đảm bảo các quan điểm, yêu cầu, mục tiêu sửa đổi và một số nội dung như về bổ sung và tiêu chuẩn xét tặng hoặc truy tặng Huy chương Thanh niên xung phong vẻ vang; tiêu chuẩn, thẩm quyền đề nghị và xét tặng danh hiệu thi đua và hình thức khen thưởng; xử lý vi phạm trong thi đua, khen thưởng…
Với dự thảo Luật Điện ảnh (sửa đổi), các vấn đề được đề nghị ĐBQH tập trung thảo luận gồm: chính sách của Nhà nước về phát triển điện ảnh, công nghiệp điện ảnh; cung cấp dịch vụ sản xuất phim cho tổ chức, cá nhân nước ngoài; sản xuất phim sử dụng ngân sách nhà nước; phổ biến phim trên không gian mạng; quỹ hỗ trợ phát triển điện ảnh…
Trong khi đó, các vấn đề trong dự thảo Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi) cần được đóng góp ý kiến là kết cấu và nguyên tắc áp dụng pháp luật của dự án Luật; quy định về các loại hình bảo hiểm; các hình thức hoạt động của doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm, về đại lý bảo hiểm, môi giới bảo hiểm, tổ chức cung cấp dịch vụ phụ trợ bảo hiểm. Bên cạnh đó là quy định về hợp đồng bảo hiểm (để bảo đảm bao quát đầy đủ các trường hợp phát sinh, phù hợp với các nguyên tắc chung về hợp đồng theo quy định của Bộ luật Dân sự, Bộ luật Hàng hải cũng như bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các bên); tiếp tục duy trì hay dừng hoạt động của Quỹ bảo vệ người được bảo hiểm; bảo hiểm vi mô...